'Em bé Napalm' - thông điệp phản đối chiến tranh phi nghĩa

42 năm về trước, ngày 8/6/1972, phóng viên ảnh Huỳnh Công “Nick” Út của hãng thông tấn AP chỉ mất một giây để ghi lại tấm ảnh đen trắng mang tính biểu tượng. Bức ảnh cô bé Kim Phúc bị bỏng bom napalm ở Trảng Bàng (Tây Ninh) đã lột tả những nỗi kinh hoàng về cuộc chiến tranh Việt Nam theo cách mà ngôn từ không bao giờ miêu tả nổi.

Phóng viên Tim Page, người sở hữu kho ảnh đồ sộ về chiến tranh Việt Nam, đã từng nói rằng: “Những bức ảnh chân thực về chiến tranh chính là thông điệp mạnh mẽ nhất phản đối chiến tranh, làm thay đổi cái nhìn của dư luận, nói không quá, những bức ảnh chiến tranh có thể là những sứ giả của hòa bình, có thể làm thay đổi lịch sử”. Sự thật về cuộc chiến đã tự bộc lộ một cách trần trụi và không thể lừa dối qua những bức ảnh, từ hình ảnh các chiến trường với xác người ngổn ngang, máy bay Mỹ lượn khắp trên bầu trời, cảnh lính Mỹ giết chóc, tra tấn người Việt Nam, cho tới ánh mắt căm phẫn và sợ hãi của người dân tìm nơi ẩn náu…

Bức ảnh bé Kim Phúc vừa chạy vừa kêu khóc vì hoảng sợ và bị bỏng nặng.
Bức ảnh bé Kim Phúc vừa chạy vừa kêu khóc vì hoảng sợ và bị bỏng nặng.

Và một trong những bức ảnh gây chấn động toàn thế giới là bức ảnh “Em bé Napalm” - bức ảnh được xếp thứ 41 trong số 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ XX và được giải World Press Photo và giải Pulitzer. Bức ảnh được chụp bởi phóng viên Nick Út (tên thật là Huỳnh Công Út), khi đó là phóng viên của hãng AP. Bức ảnh đã lột tả nỗi kinh hoàng về cuộc chiến tranh Việt Nam theo cách mà ngôn từ không bao giờ miêu tả nổi.

Ngày 8/6/1972, máy bay Mỹ quần thảo ác liệt trên bầu trời Trảng Bàng (Tây Ninh), cách Sài Gòn 30 km về hướng Bắc. Có 4 tiếng nổ lớn của bom napalm vang lên, mặt đất rung chuyển và lửa bùng lên cao. Từ trong khói lửa, một phụ nữ bồng trên tay đứa bé đã chết, từng lớp da bong ra. Một nhóm 5 đứa trẻ vừa chạy vừa kêu khóc. Một bé gái bị bỏng nặng, trong trạng thái trần truồng, vừa chạy vừa dang 2 tay kêu: “Nóng quá! Nóng quá!”. Có mặt tại đây, Nick Út đã nhanh tay đưa máy ảnh lên chụp lại cảnh tượng hãi hùng này. Chỉ riêng quãng thời gian từ lúc bom rơi và Kim Phúc cùng những người khác chạy ra từ đám cháy do bom napalm, Nick Út đã chụp hết 8 cuộn phim đen trắng.

Nick Út từng chia sẻ: “Tôi đã khóc khi nhìn thấy cô bé đang chạy. Nếu tôi không giúp cô bé, nếu có điều gì đó xảy ra và cô ấy chết, tôi sẽ chết mất”. Sau khi chụp xong, Nick Út cùng mọi người lấy nước tưới lên người bé Phúc và đưa cô tới một bệnh viện nhỏ. Tại đây, người ta nói rằng cô bé bị bỏng nặng tới mức không thể cứu chữa được. Ông đã năn nỉ các bác sĩ điều trị và phải đưa phù hiệu nhà báo yêu cầu các bác sĩ cứu chữa cho cô bé và chỉ rời đi sau khi được đảm bảo rằng cô bé sẽ không bị bỏ quên.

Trở lại văn phòng của hãng thông tấn AP tại Sài Gòn khi đó, Nick Út đã hoàn thành bức ảnh. Khi bức ảnh một bé gái trần truồng được đưa ra, mọi người đều sợ rằng nó có thể bị phản đối vì AP có quy định nghiêm ngặt là không đăng ảnh trần truồng. Nhưng phóng viên ảnh kỳ cựu Horst Faas, người chịu trách nhiệm về bộ phận ảnh tại Việt Nam, đã xem và nhận thấy rằng đó là bức ảnh có thể phá vỡ các quy định. Faas cho rằng giá trị thông tin của bức ảnh lớn hơn nhiều bất kỳ lo ngại nào khác và ông đã đúng.

Người phóng viên ảnh chiến trường "Nick" Út.

Người phóng viên ảnh chiến trường "Nick" Út.

Ngay ngày hôm sau, hầu hết các trang nhất của những tờ báo lớn của Nhật Bản và Mỹ đều đăng bức ảnh này. Bức ảnh quá ấn tượng và được báo chí Mỹ coi là một “cơn địa chấn” lịch sử, góp phần tố cáo sự thật cuộc chiến tranh phi nghĩa và tàn bạo của bom đạn Mỹ lên sinh mệnh của những thường dân Việt Nam vô tội. Và ngay lập tức, bức ảnh không cần ngôn ngữ này đã làm rung động những trái tim yêu hòa bình, phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa do Mỹ gây ra ở Việt Nam. Bức ảnh đã góp phần làm dâng cao hơn làm sóng phản đối của dân chúng các nước về cuộc chiến mà Mỹ đã tiến hành tại Việt Nam.

Năm 2002, chiếc máy ảnh Leica M2 mà Nick Út dùng để chụp bức ảnh “Em bé Napalm” đã được Viện bảo tàng khoa học London (Anh) mượn để triển lãm với dòng giới thiệu: Đây là chiếc máy ảnh đã làm thay đổi cách bạn nhìn về thế giới”. Và hiện nay, chiếc máy ảnh này được trưng bày tại Viện bảo tàng báo chí ở Washington DC (Mỹ).

Bà Kim Phúc và con trai.

Bà Kim Phúc và con trai.

Sau 42 năm, bà Phúc, giờ đã làm mẹ của 2 con trai, cuối cùng đã có thể xem lại bức ảnh của chính mình chạy trong trạng thái trần truồng và hiểu ra tại sao nó vẫn còn có sức mạnh đến vậy. Nó đã giúp cứu sống bà, thử thách và cuối cùng là giải thoát bà.

“Hầu hết mọi người biết bức ảnh nhưng không nhiều người biết về cuộc đời tôi. Tôi rất cảm ơn điều đó… Tôi có thể coi bức ảnh này như một món quà có tác động mạnh. Và sau đó là lựa chọn của tôi. Tôi có thể sát cánh với nó vì hoà bình”, bà Phúc nói.

Đến nay, bức ảnh “Em bé napalm” vẫn là một bức ảnh quý, đem lại vinh quang trọn đời cho Nick Út với cả trăm lần tham dự triển lãm ảnh quốc tế. Nick Út vẫn là người trẻ tuổi nhất thế giới đoạt giải Pulitzer - khi đó, ông mới 21 tuổi.

Về đến nay nhiều thế hệ trẻ trên thế giới, vẫn tiếp tục cảm nhận được tính tàn khốc của cuộc chiến đã qua đi bằng những bức ảnh còn mãi với thời gian.

Theo Baotintuc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast