Các di sản thế giới được bảo vệ như thế nào?

Các nhà quản lý của Machu Picchu (Peru) hay Acropolis (Hy Lạp) đang thực hiện nhiều cách thức để gìn giữ di tích trước biến đổi khí hậu và thực trạng du lịch quá tải.

Từ năm 1972, UNESCO đã công nhận 1.154 địa danh ở 167 quốc gia là di sản thế giới. Được UNESCO chỉ định là di sản thế giới mang lại sự nổi tiếng và nguồn thu khổng lồ cho các điểm du lịch, nhưng đồng thời đặt ra trách nhiệm cho nhà quản lý trong việc bảo tồn di sản và phát triển bền vững.

Trong cuộc họp lần thứ 44 của Ủy ban di sản thế giới, một sự kiện đáng chú ý là UNESCO tước bỏ danh hiệu của Liverpool sau nhiều lần tổ chức này cảnh báo chính quyền thành phố về dự án dọc theo bờ sông lịch sử. Gần đây, rạn san hô Great Barrier (Australia) suýt bị UNESCO hạ cấp, hay Stonehenge (Anh), thành phố Venice (Italy) và cố đô Assur (Iraq) có nguy cơ rơi vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa.

Đây là lời cảnh tỉnh cho các di sản thế giới đã được UNESCO công nhận, bao gồm những địa điểm hiện không bị đe dọa. Do vậy, nhà quản lý của một số di tích, thắng cảnh bắt đầu thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên trước những tác động môi trường và thực trạng du lịch quá tải.

Kiểm soát lượng du khách

Khu bảo tồn lịch sử Machu Picchu là viên ngọc quý của du lịch Peru. Tàn tích của nền văn minh Inca đón trung bình 4.000 khách du lịch mỗi ngày trong năm 2018 và 2019, gần gấp đôi so với con số các nhà bảo tồn cho rằng phù hợp. Năm 2020, Bộ Văn hóa Peru thông báo giới hạn lượt khách tham quan Machu Picchu ở mức 2.244 du khách mỗi ngày để giữ gìn hiện trạng của di sản này.

Các di sản thế giới được bảo vệ như thế nào?

Machu Picchu đón trung bình 4.000 du khách trong năm 2018, 2019. Ảnh: The Telegraph

Tuy nhiên, dự án sân bay gần thành phố Cusco (Peru) dự kiến hoàn thành vào năm 2025 khiến chính quyền địa phương phải thay đổi định mức giới hạn lượt khách và mô hình phát triển bền vững. Trọng tâm công tác bảo tồn là xây dựng những tuyến đường mới nhằm giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn diễn ra thường xuyên ở Machu Picchu, đồng thời giúp các cộng đồng bản địa hưởng lợi từ du lịch.

Hiện nay, những con đường mới đang được xây dựng như tuyến đường Amazon kết nối cộng đồng Intihuatana với Aguas Calientes, đô thị gần nhất với Machu Picchu. Tuyến đường thứ hai kết nối tộc người Choquellusca với địa điểm khảo cổ San Antonio de Torontoy, cho phép du khách trải nghiệm nét văn hóa địa phương trên hành trình đến thành phố cổ của người Inca.

“Di sản và du lịch không nên là cuộc chiến lâu dài. Trong tương lai, việc xây dựng tuyến đường mới và theo dõi những tác động của môi trường có thể giúp Machu Picchu đón 6.000 lượt khách mỗi ngày, nhưng không gây ảnh hưởng tiêu cực đến tàn tích này”, Jose M.Bastante, giám đốc di chỉ khảo cổ, chia sẻ.

Bên cạnh đó, đơn vị quản lý cũng giảm quy mô nhóm tối đa tham quan Machu Picchu từ 16 xuống 12 người. Những du khách có hành vi thiếu tôn trọng và gây tổn hại di tích, bao gồm nằm xuống cỏ, chạy nhảy, la hét, ăn uống và huýt sáo sẽ bị phạt nặng.

Khuyến khích trải nghiệm sâu sắc

Các di sản thế giới được bảo vệ như thế nào?

Nhà thờ Đức bà Paris dự kiến mở cửa trở lại vào năm 2024. Ảnh: National Geographic

Trước khi xảy ra trận hỏa hoạn kinh hoàng năm 2019, Nhà thờ Đức bà Paris là một trong những di tích được ghé thăm nhiều nhất châu Âu với khoảng 12 triệu lượt khách mỗi năm. Các nhà bảo tồn đang lên kế hoạch tạo ra trải nghiệm sâu sắc hơn cho du khách khi Nhà thờ Đức bà Paris mở cửa trở lại vào năm 2024.

Thời lượng trung bình của chuyến tham quan Nhà thờ Đức bà Paris chỉ là 20 phút. Sự hạn chế về mặt thời gian khiến nhiều du khách không thể thấu hiểu lịch sử và cảm nhận kiến trúc độc đáo của công trình. Vì thế, Nhà thờ Đức bà Paris sẽ có những lối vào riêng biệt dành cho du khách và người cầu nguyện. The Mays, loạt bức tranh từ thế kỷ 17 cũng được trưng bày tại nhà thờ trong tương lai để tôn vinh Đức Mẹ đồng trinh.

Song, các nhà quản lý Nhà thờ Đức bà Paris phải đối mặt với thách thức trong việc duy trì sự cân bằng giữa du lịch và bảo tồn. Đơn cử, sàn nhà thờ đã bị hư hại do lượng khách đến thăm quá đông.

“Chúng tôi đang lên kế hoạch để kiểm soát lượng người đi bộ và khuyến khích họ ở lại lâu hơn”, Jonathan Truillet, phó giám đốc bảo tồn và trùng tu của Nhà thờ Đức bà Paris, cho biết.

Ngoài ra, trung tâm bảo tồn và trùng tu chuẩn bị lắp đặt hệ thống vòi phun nước trên phần mái Nhà thờ Đức bà Paris để ngăn chặn bất kỳ mối nguy hiểm nào đối với công trình. Nhờ chính phủ Pháp và các mạnh thường quân, ngân sách bảo tồn Nhà thờ Đức bà Paris đã tăng từ 200 triệu USD trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn, lên đến 1 tỷ USD.

Thích ứng với biến đổi khí hậu

Các di sản thế giới được bảo vệ như thế nào?

Biến đổi khí hậu đe dọa đến những di sản thế giới như Lindos Acropolis. Ảnh: Greeka

Tại Hy Lạp, các tổ chức liên chính phủ đang sử dụng những công nghệ mới để bảo vệ thánh địa Olympia và Lindos Acropolis, hai di sản thế giới được UNESCO công nhận, trước thảm họa thiên nhiên.

Trung tâm di sản thế giới của UNESCO và nhóm quan sát Trái đất Hellenic (GEO) đã hợp tác để khởi động dự án Đài quan sát khí hậu di sản đô thị (UHCO). Đây là nền tảng toàn cầu sử dụng dữ liệu vệ tinh theo thời gian thực, cảm biến hiện đại và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhanh chóng xác định những thiên tai (cháy rừng, sạt lở đất, lũ lụt) gần địa điểm di sản, cũng như đánh giá mức độ thảm họa đối với di tích.

“Trong thời đại hiện nay, các quốc gia đang cố gắng xây dựng kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, nhưng hầu hết dự án này lại thiếu bảo vệ di sản văn hóa. Nếu quên đi quá khứ, chúng ta sẽ không thể làm gì cho tương lai”, Evangelos Gerasopoulos, giám đốc văn phòng GEO Hy Lạp, khẳng định.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast