Mùa xuân và văn hóa dòng họ

(Baohatinh.vn) - Một trong những giá trị văn hóa tinh thần tiêu biểu của mỗi dòng tộc, dòng họ người Việt chính là ý thức hướng về nguồn cội. Ý thức này trước hết được thể hiện rõ trong tục thờ cúng tổ tiên, trong những giá trị vững bền ngày càng được phát huy, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Nhà thờ họ Đào ở Kỳ Giang (huyện Kỳ Anh) đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Nhà thờ họ Đào ở Kỳ Giang (huyện Kỳ Anh) đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Với người Việt Nam, câu tục ngữ “Chim có tổ, người có tông” là một lời nhắc nhở về cội nguồn để mỗi người biết được chỗ đứng, mối quan hệ của mình trong dòng họ, luôn trân trọng và thấu hiểu những giá trị trường tồn do tổ tiên để lại. Văn hóa dòng họ còn là sự trao truyền và lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp, là những dấu ấn thể hiện sự thịnh vượng, vinh hiển của mỗi thế hệ cháu con…

Tiến sỹ Nguyễn Đình Liêm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, một người con quê gốc Thạch Châu (Lộc Hà) luôn nặng tình với dòng họ đã từng chia sẻ: Nói đến văn hóa dòng họ là nói đến sự hiện diện của một không gian văn hóa đặc thù. Nền tảng, cơ sở của văn hóa Việt Nam thường bắt đầu từ gia đình đến dòng họ rồi mới đến văn hóa cộng đồng, làng xã. Từ ngàn xưa, văn hóa dòng họ là sự gắn kết giữa các cá nhân với nhau, giữa các gia đình trong một dòng tộc, giữa các thế hệ trong cùng gia đình…, mà ở đó, trật tự, nền nếp gia phong luôn được coi trọng, tinh thần đoàn kết, gắn bó, kính trên, nhường dưới, quan hệ hàng xóm, láng giềng… luôn được mọi người nâng niu, gìn giữ. Chính vì vậy, dòng họ được định hình và phát triển từ đời này qua đời khác. Dù vật đổi, sao dời, các thế hệ cháu con có tách ra khỏi không gian ấy thì vẫn luôn có những mối liên hệ, luôn có sợi dây níu giữ vô hình trong tâm linh mỗi người.

Về với nhiều làng quê hiện nay, đằng sau những lũy tre làng, với những nông dân quanh năm tất bật với ruộng đồng là một sự bền chặt của những mối quan hệ dòng họ. Nhiều dòng họ với sự hoạt động tích cực của các ban liên lạc đã huy động được sức mạnh tổng thể bất kể mọi khoảng cách địa lý. Nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức như: gây quỹ khuyến học, quyên góp giúp đỡ người nghèo, thiết lập nên những bộ gia phả chi tiết, xây dựng những từ đường trang trọng, soạn thảo những bản quy ước dòng họ chặt chẽ… để vun bồi phúc đức của dòng họ. Ở mỗi dòng họ đều có những người thành đạt, nổi trội, thành niềm tự hào, là tấm gương của con cháu.

Chị Trần Thục Hiền, sống ở quận 2, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Tại nhiều làng quê, ngày tế họ cũng là ngày hội khuyến học, khuyến tài với những hoạt động về nguồn, là ý thức giáo dục luyện rèn, là lời nhắc nhở với mỗi thế hệ cháu con về giống nòi, truyền thống lễ nghĩa tốt đẹp của cha ông… Hầu như năm nào, tôi cũng đưa gia đình về quê như một lời nhắc nhở thành kính nhất...”.

Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Hội đồng gia tộc dòng họ Nguyễn - Tiên Điền làm lễ tế tổ Đại tôn tại nhà thờ cụ Nguyễn Nghiễm (xã Tiên Điền - Nghi Xuân).

Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Hội đồng gia tộc dòng họ Nguyễn - Tiên Điền làm lễ tế tổ Đại tôn tại nhà thờ cụ Nguyễn Nghiễm (xã Tiên Điền - Nghi Xuân).

Về với Thạch Châu – vùng đất nổi tiếng với nhiều giá trị vững bền của văn hóa dòng họ mới thấy được ý nghĩa to lớn và giá trị thiêng liêng trong gốc rễ, trầm tích văn hóa của từng dòng họ. Dường như, với các dòng họ ở đây, vấn đề quan tâm nhất không phải là kinh tế mà chính là ở tư cách đạo đức và trình độ học vấn, sự thành đạt của các thế hệ con cháu. Ông Trần Hữu Huệ - đại diện họ Trần Hữu thôn Hồng Lạc cho biết: “Dù đi muôn nơi, các thế hệ cháu con vẫn luôn tự răn mình “giấy rách phải giữ lấy lề”.

Dẫu sống xa quê đã mấy chục năm, nhưng cứ tết đến, xuân về, Tiến sỹ Nguyễn Đình Liêm cùng gia đình đều trở về và quần tụ bên tổ ấm yêu thương này. Đây cũng là cơ hội để vợ ông - bà Nguyễn Thị Xa, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Văn phòng Chính phủ, một người con tài hoa của đất kinh kỳ được bày tỏ tấm lòng “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”: “Với gia đình tôi, quê hương Thạch Châu, dòng họ Nguyễn Đình luôn là tổ ấm yêu thương, là động lực đi tới và cũng là chốn bình yên sau bao thăng trầm cuộc sống”.

Ngày tết, ngày lễ, tại nhiều nhà thờ dòng họ, không khó để bắt gặp hình ảnh quần tụ: người là thợ cày quanh năm “đầu tắt mặt tối”, người là công nhân, công chức, thậm chí, là những doanh nhân thành đạt… Lễ cúng tất niên với họ không chỉ là ngày cuối năm mà hơn hết, đây là thời điểm con cháu sum vầy, thể hiện sự sung túc của dòng họ khi hưởng ân trạch từ hồng phúc tiên tổ. Người ta vẫn thường nói, đây là những giây phút hiển linh sợi dây vô hình nối giữa hai bờ của thế giới âm dương, mang ý nghĩa lớn lao về sự báo ân, về truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Tại xã Thạch Châu, chỉ riêng chuyện mâm cỗ dâng cúng tổ tiên, hầu như năm nào, các dòng họ ở đây cũng có những hoạt động ý nghĩa. Cách dọn cỗ cúng cũng thể hiện sự nâng niu, tôn thờ với các bậc tiên tổ như cách bài trí gà bay trên cành đào, gà đứng trên mai rùa, chầu trên chén rượu, thậm chí là gà phủ phục như bái lạy… Đây thực sự trở thành một sinh hoạt văn hóa, tâm linh độc đáo. Mỗi cách bài trí, sự sắp đặt hay sửa soạn từ số lượng hoa trái, bàn trang trí cũng đều mang ý nghĩa trực sinh, gửi gắm bao ước nguyện tốt đẹp cho chi, nhánh, dòng tộc. Sự cố kết dòng tộc, thành tâm, đồng lòng… đã trở thành niềm hào hứng của mỗi người trẻ, niềm vui, sự mãn nguyện của mỗi bậc cao niên về sự đoàn kết, kế thế và phát triển.

Với mỗi người Việt, văn hóa dòng họ đã kết nối quá khứ hiện tại và tương lai, vừa phổ biến, quảng đại nhưng cũng rất đỗi thiêng liêng. Nó trở thành cội rễ, gốc tích, ăn sâu vào tâm thức, gắn chặt lâu bền. Văn hóa mỗi dòng họ, trải qua bao thăng trầm dâu bể, ngày nay, càng trở nên vững bền trong mỗi bước đường phát triển của bao thế hệ cháu con.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast