"Mỗi vần thơ là cả một tấm lòng"

Viết cho em mùa lũ

Khi thấy quá đau buồn không thể đứng lên

Em hãy đến miền Trung những ngày mưa lũ

Những người dân kiệt cùng sức lực

Sẽ giúp em đứng lên!

*

Con lũ nhấn chìm cuộc sống bình yên

Những nhà cửa, áo cơm,…và bàn thờ tổ tiên

Người đàn bà sinh con trong ngày đỉnh lũ

Gói mỳ tôm lạnh ngắt trên tay

*

Đứa trẻ chống bè nhỏ nhoi giữa biển nước tìm cha

Tiếng gọi chìm vào lòng đêm lặng lẽ

Chiếc áo quan buộc vào thân cây chờ nước rút

Phút hoá thân cát bụi nhọc nhằn

*

Họ vịn vào nhau để tìm cách đứng lên

Họ đứng sát vào nhau để cùng chống chịu

Họ vịn vào nhau những tấm lòng thơm thảo

Trong khổ đau mới thấu nghĩa đồng bào

*

Em thấy không cuộc sống dẫu mất – còn

Những trang sách ướt nhèm vẫn mang niềm mơ ước

Con đường đến trường ngập nhiều bùn đất

Lấm lem. Tà áo em bay…

Tôi đọc bài thơ này sau hơn một tháng từ khi mưa lũ thoát khỏi miền Trung. Đó là vào một buổi sáng cuối năm, không gian, đất trời, tươi tắn như chưa hề có dấu vết nào của gió mưa, bão lũ. Vậy mà trái tim vẫn rung lên những xúc cảm khó diễn tả thành lời. Bắt đầu bằng lời khuyên chân thành đến nao lòng: Khi thấy quá đau buồn, không thể đứng lên/Em hãy đến miền Trung những ngày mưa lũ.

Khuyên nhủ người thân của mình đến một nơi chốn gian nan nhất để thử sức, đây ắt không phải là lời khuyên nhủ thông thường trong quan hệ gia đình (anh, chị - em). Giọng điệu thơ từ mềm mại chuyển sang khoẻ khoắn, dứt khoát: “Những người dân kiệt cùng sức lực/Sẽ giúp em đứng lên!”. Tình huống có vấn đề đã bắt đầu nảy sinh từ sự đối lập ngay trong câu thơ: em sẽ đứng lên không phải bởi một bàn tay vịn vững chãi mà từ chính sự kiệt cùng, khổ đau của những người dân vùng lũ.

Ba khổ tiếp theo như một thước phim quay chậm về quang cảnh làng quê trong cơn lũ. Trước hết là sự tiêu điều, mất mát: Cơn lũ nhấn chìm cuộc sống bình yên/Những nhà cửa, áo cơm...và bàn thờ tiên tổ/Người đàn bà sinh con trong ngày đỉnh lũ/Gói mỳ tôm lạnh ngắt trên tay/Đứa trẻ chống bè nhỏ nhoi giữa biển nước tìm cha/Tiếng gọi chìm vào lòng đêm lặng lẽ/Chiếc áo quan buộc vào thân cây chờ nước rút/Phút hoá thân cát bụi nhọc nhằn.

Tự sự, miêu tả hay cảm thán? Khó mà tách bạch từng yếu tố trong sự diễn tả trên đây. Đó là nét độc đáo trong bút pháp thể hiện của Nguyễn Thị Phi Phượng mà đúng hơn khi chính tác giả là người trong cuộc hay là người hoá thân vào cảnh ngộ. Cố cầm lòng mà như không thể cầm lòng, cố khách thể mà rồi vẫn chủ thể; những động, tính từ “nhần chìm”, “lạnh ngắt”, “nhỏ nhoi”, “lạnh lẽo”, “nhọc nhằn” như chắt ra từ tâm can, máu thịt. Những ai đã từng nếm trải những đợt lũ đơn, lũ kép trên mảnh đất miền Trung, không thể không sống lại những phút giây “trong khổ đau mới thấu hiểu đồng bào” như thế. Và chắc chắn, ngay cả những người chỉ được gián tiếp chứng kiến những mất mát, đau thương của người dân vùng rốn lũ (qua phim ảnh), khi đọc bài thơ này, vẫn có sự thấu hiểu và sẽ chia. Hiện hữu trước mắt ta không chỉ vùng quê Nghệ An, Hã Tĩnh, Quảng Bình hay Bắc Trung bộ mùa bão lũ mà có cả những tang thương, mất mát năm nào ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên - vùng cực Nam Trung bộ; Thê thảm lắm hình ảnh “chiếc áo quan buộc vào thân cây” và xót xa lắm “phút hoá thân thành cát bụi nhọc nhằn”.

Thế rồi, những câu thơ đang chùng xuống ảm đạm bỗng lại khoẻ khoắn, vững chãi: Họ vịn vào nhau để tìm cách đứng lên/Họ đứng sát nhau để cùng chống chịu/Họ vịn vào những tấm lòng thơm thảo/Trong khổ đau mới thấu nghĩa đồng bào

Ba lần đại từ “họ” lặp lại như tạo thành bức thành đồng kiên trung, làm cho những người dân vùng lũ từ vị trí thất thế, cam chịu đến tư thế ngẩng cao đầu đáng nể. Song, sức nặng của toàn bài thơ là ở khổ kết: Em thấy không cuộc sống dẫu mất – còn/Những trang sách ướt nhèm vẫn mang niềm mơ ước/Con đường đến trường ngập đầy bùn đất/Lấm lem. Tà áo em bay…

Đến đây, đã có thể chắc chắn mười phần tác giả của bài thơ là một cô giáo dạy Văn, nói với “em” - học sinh của cô bằng chất giọng thấm đẫm yêu thương, khuyên nhủ. Sau khi dẫn dắt “em” vào bài giảng, cô tái hiện những mảnh đời, rồi thì đúc kết thành phương châm sống. Mất – còn là quy luật của cuộc đời. Nắm được quy luật ấy, sẵn sàng đương đầu với gian nan, thử thách để tồn tại, để đi đến tương lai, đó là lẽ sống tốt đẹp. Sau dấu chấm chựng lại ở giữa câu thơ kết là một hình ảnh lãng mạn, bay bỗng “Tà áo em bay…”. Cuối cùng thì sự sống trên mảnh đất này và tương lai mai này vẫn chính là em đó! Bất luận trong hoàn cảnh nào, sự sống vẫn sinh sôi và tương lai vẫn luôn vẫy gọi.

Thật tài hoa khi tác giả đã cách điệu hình ảnh thơ ngay trên nền hiện thực để tạo ra sự lắng đọng sâu sắc về ý nghĩa, rất khó có thể cắt nghĩa cụ thể. Chỉ biết mang máng đâu đó câu thơ tài hoa của thi sĩ lớp trước “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng loà” (Nguyễn Đình Thi).

(Nguyễn Thị Phi Phượng)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast