Vì sao Hà Tĩnh chưa phát triển rừng bằng các loài cây bản địa?

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh chỉ có gần 21.000 ha rừng trồng cây bản địa xen với các loài cây khác ở vùng rừng khoanh nuôi, tái sinh còn rừng sản xuất hầu như không có.

Ông Võ Văn Xuân (bên phải) trao đổi với phóng viên lý do không muốn trồng rừng bằng cây bản địa.

Có 5 ha đất rừng sản xuất được giao khoán cách đây gần 30 năm từ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh nhưng khi nghe tin chủ rừng muốn chuyển đổi số đất rừng này từ trồng keo sang trồng cây bản địa (lim xanh, dổi, lát hoa, mỡ, gió trầm, hương, gáo…) thì ông Võ Văn Xuân ở thôn Bắc Xuân, xã Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh) nhất quyết không hợp tác. Tương tự, hàng chục hộ khác ở thôn này đều mong muốn duy trì trồng keo cho “nhanh ăn”, an toàn chứ không trồng cây bản địa vì chi phí cao, quy trình đầu tư thay đổi, hiệu quả chưa rõ.

Ông Xuân cho rằng: “Tuy hiệu quả kinh tế không quá cao (khoảng 50 – 60 triệu đồng/ha/chu kỳ, chưa trừ chi phí sản xuất) nhưng trồng keo đủ để chúng tôi ổn định sinh kế, đảm bảo thu nhập. Mặt khác, trồng keo nguyên liệu có chi phí đầu tư thấp (khoảng 10 triệu đồng/ha), chu kỳ khai thác nhanh (4 - 5 năm), tránh thiên tai tốt, phù hợp với thói quen và kinh nghiệm sản xuất của bà con. Trong khi đó, trồng cây bản địa kinh phí đầu tư cao gấp hàng chục lần, phải mất 25 – 40 năm, thậm chí có loài lên đến 60 - 70 năm (lim) mới thu hoạch nên chúng tôi không thể mạo hiểm chuyển đổi đối tượng, phương thức sản xuất”.

Người dân các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh đang độc canh keo, tràm nguyên liệu và không muốn trồng rừng bằng các loài cây bản địa.

Không chỉ có người dân mà các chủ rừng nhà nước (Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh, Vườn Quốc gia Vũ Quang, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ngàn Phố, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ), các doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A) hay các chủ rừng tập thể khác cũng đang khá hạn chế việc trồng rừng bằng các loài cây bản địa. Theo đó, trong khoảng 3 năm gần đây hầu như không có đơn vị nào trồng rừng tập trung bằng các loại cây bản địa, thậm chí có những đơn vị nhiều năm hơn.

Cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh kiểm tra, chăm sóc rừng cây bản địa (thuộc vốn trồng rừng thay thế) được trồng 9 năm tuổi trong lâm phần.

Phó Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Diền thông tin: “Do áp lực về sinh kế, thu nhập, chi phí đầu tư cao (định mức quy định hiện nay gần 140 triệu đồng/ha) nên các hộ nhận khoán đất rừng của đơn vị không thực sự mặn mà với việc trồng rừng bằng cây bản địa; trừ một số ít trồng ở khu vực rừng giao khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh. Riêng đối với ban, vào năm 2022 có trồng được hơn 30 ha lim xanh bằng nguồn kinh phí cấp trồng rừng thay thế; 2 năm gần đây không trồng và năm nay cũng chưa có kế hoạch thực hiện”.

Hà Tĩnh hiện có 74.501 ha rừng đặc dụng (trong đó rừng tự nhiên 73.486 ha, rừng trồng 500 ha, đất chưa có rừng 515 ha), 116.126 ha rừng phòng hộ (rừng tự nhiên 83.916 ha, rừng trồng 26.260 ha, đất chưa có rừng 5.950 ha), 169.158 ha rừng sản xuất (rừng tự nhiên 59.925 ha, rừng trồng 93.144 ha, đất chưa có rừng 16.089 ha) nên quỹ đất có thể phát triển trồng rừng tập trung bằng các loài cây bản địa rất lớn. Thế nhưng, hiện chỉ mới có gần 21.000 ha rừng trồng cây bản địa xen với các loài cây khác ở những vùng rừng khoanh nuôi, tái sinh còn rừng sản xuất hầu như không có.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Hương Sơn kiểm tra cây bản địa được trồng ở khu vực rừng giao khoanh nuôi, tái sinh tại xã Sơn Kim 1.

Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê Nguyễn Mạnh Tài chia sẻ: “Là địa phương thuộc diện có nhiều đất lâm nghiệp nhất tỉnh và bình quân mỗi năm khai thác khoảng 1.500 ha rừng trồng (chủ yếu là keo tràm), nhưng cả người dân lẫn các chủ rừng lớn đều không mặn mà với việc trồng rừng bằng các loài cây bản địa trên các diện tích đã khai thác khi hết chu kỳ. Nguyên do là người dân muốn thu hoạch rừng trồng nhanh nhất có thể, nguồn giống cây bản địa hạn chế, giá khá đắt, quy trình khắt khe…. Ngoài ra, việc trồng cây bản địa đang được khuyến khích, ưu tiên ở những vùng rừng giao khoanh nuôi, tái sinh nên khi cây bản địa lớn (thành rừng) sẽ không được khai thác mà để thành rừng tự nhiên để tăng giá trị phòng hộ”.

Việc trồng rừng tập trung bằng cây bản địa quy mô lớn ở tỉnh ta đang khá hạn chế, chủ yếu từ nguồn kinh phí của chương trình, dự án hoặc kế hoạch trồng rừng thay thế chứ người dân hầu như không thực hiện. Các loại cây bản địa cũng không trồng ở những vùng rừng sản xuất, ít hướng tới mục tiêu kinh tế, chủ yếu được trồng ở khu vực khoanh nuôi bảo vệ, xúc tiến tái sinh rừng. Thực trạng này đang xảy ra phổ biến khắp tỉnh, kể cả những nơi có nhiều rừng và đất lâm nghiệp như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh…

Đa số người trồng rừng ở Hà Tĩnh đều chưa ý thức được việc phát triển rừng bằng các loài cây bản địa sẽ giúp có những cánh rừng gỗ lớn, cho giá trị kinh tế và sử dụng cao, cải thiện chất lượng rừng trồng...

Theo các chuyên gia trong ngành, việc người dân dành đại đa số quỹ đất rừng sản xuất cho cây keo, tràm vì các lợi ích, mục tiêu trước mắt mà “lãng tránh” trồng các loại cây bản địa như hiện nay là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến công tác phát triển rừng bền vững, đa dạng sinh học, tăng giá trị phòng hộ, hấp thụ và lưu giữ carbon, cải thiện môi trường rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng, cung cấp nguồn gỗ chất lượng và có giá trị kinh tế… Vì vậy, các cấp, các ngành cần phải khuyến khích, động viên, xây dựng thêm chính sách hỗ trợ để tăng diện tích rừng trồng bằng cây bản địa.

Chủ đề Lâm nghiệp - bảo vệ rừng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói