Vì keo nguyên liệu được giá nên cách đây gần 2 tháng, ông Nguyễn Thanh (thôn 11, xã Hà Linh, huyện Hương Khê) đã cắt bán 5 ha keo được trồng gần 5 năm. Sau khi thu hoạch, gia đình ông Thanh đã nhanh chóng phát dọn cỏ, xử lý thực bì, sửa soạn lại hàng rào dây thép gai ở khu vực giáp ranh, làm sạch sườn đồi để chuẩn bị xuống giống chu kỳ mới. Dự kiến, trong thời gian khoảng tháng rưỡi sắp tới, gia đình ông sẽ phủ kín diện tích keo đã được thu hoạch để đầu tháng 3 dương lịch có thể bắt tay vào công đoạn chăm sóc, bảo vệ.
Ông Nguyễn Thanh thông tin: “Sau khi thu hoạch 5 ha keo nguyên liệu được hơn 340 triệu đồng, gia đình tôi đã trích lại khoảng 50 triệu đồng mua cây giống, thuê người, thuê máy móc tái sản xuất. Để đảm bảo xuống giống vào thời điểm tốt nhất và hướng tới sản xuất một chu kỳ mới hiệu quả, cùng với việc chuẩn bị phân bón, dọn mặt bằng... chúng tôi đã tìm cơ sở sản xuất giống có uy tín trên địa bàn đặt mua những cây giống chất lượng nhất. Theo dự kiến, để phủ kín 5 ha đất rừng của gia đình, chúng tôi sẽ sử dụng 150.000 cây giống (tương đương với mật độ 300.000 cây/ha), trị giá khoảng 14 triệu đồng. Việc trồng mới sẽ được gia đình tự thực hiện theo hình thức cuốn chiếu ở từng đám đất rừng”.
Gần 1 tháng nay, người dân các địa phương miền núi đang tranh thủ tiết trời gần sang xuân, trời dần ấm áp để đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu trên diện tích đất rừng sản xuất vừa được khai thác dịp cuối năm vừa rồi, chủ yếu là cây keo, tràm.
Hoạt động trồng rừng diễn ra khá sôi nổi ở khắp các địa phương miền núi trong toàn tỉnh, nhất là ở những địa phương có nhiều lợi thế về phát triển lâm nghiệp như: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, Thạch Hà… Hoạt động trồng rừng được gắn liền với công tác thắt chặt quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực có liên quan, ngăn ngừa xẻ phát lấn chiếm đất rừng, tăng cường bảo vệ rừng tại gốc…
Ông Nguyễn Đình Lưu – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh thông tin: Theo kế hoạch, năm nay toàn huyện sẽ trồng mới 3.900 ha rừng sản xuất đã khai thác. Công tác phát triển rừng được chúng tôi gắn liền với quản lý hoạt động khai thác rừng trồng, thắt chặt bảo vệ rừng và thực hiện tốt Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 07/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo”.
Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp, cải thiện hệ sinh thái rừng, nâng cao chất lượng rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người trồng rừng.
Để phục vụ nhu cầu trồng rừng của bà con trong năm nói riêng và dịp cao điểm nói chung, hàng trăm vườn ươm giống và cơ sở kinh doanh keo giống đang hoạt động khá tất bật.
Nhà vườn Nguyễn Văn Huân ở xã Phúc Đồng (huyện Hương Khê) cho biết: “Bước vào vụ mới, chúng tôi đã sớm chủ động kế hoạch sản xuất giống tại chỗ và liên kết với các cơ sở ở Lạng Sơn cũng như các tỉnh phía Bắc để nhập cây giống (keo cành, keo mô, keo F1) chất lượng tốt nhất phục vụ thị trường. Theo dự kiến, năm nay chúng tôi sẽ bán ra thị trường khoảng 300 vạn cây (tự sản xuất chiếm 1/3); trong đó, dịp cao điểm từ nay đến tháng 3 sẽ bán khoảng 45% lượng cây giống. Ngoài cung ứng giống tốt kịp thời vụ thì chúng tôi cũng đã tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật để bà con trồng đạt kết quả cao”.
Ông Lê Hữu Tuấn - Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) thông tin: “Năm 2025, dự kiến toàn tỉnh sẽ khai thác 630.000 m3 gỗ rừng trồng nên chúng tôi đã xây dựng kế hoạch trồng 9.000 – 9.500 ha rừng nguyên liệu thay thế sau chu kỳ khai thác và gần 1,9 triệu cây phân tán.
Hiện, ngành lâm nghiệp đang tập trung chỉ đạo, phối hợp các địa phương, đơn vị, chủ rừng nhà nước, công ty lâm nghiệp, người dân trồng rừng tổ chức thực hiện tốt các phần việc có liên quan để đảm bảo sản xuất hiệu quả. Qua đó, góp phần duy trì độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 52%, đảm bảo phát triển rừng bền vững, tạo việc làm cho khoảng 51 nghìn lao động tại chỗ và nguồn thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm”.