Nông dân “hồi sức” cho cam sau mùa thu hoạch

(Baohatinh.vn) - Sau những ngày nghỉ Tết, bà con nông dân Vũ Quang (Hà Tĩnh) lại tất bật với công việc chăm sóc vườn cam để cây trồng sớm phục hồi sau mùa thu hoạch.

Những ngày sau tết Nguyên đán, gia đình ông Đoàn Quốc Hoài ở thôn 1 (xã Quang Thọ) đã tất bật lên đồi để bón phân, làm cỏ cho vườn cam Xã Đoài gần 2 ha vừa thu hoạch quả. Được biết, vụ mùa vừa qua, gia đình ông xuất bán được hơn 10 tấn quả, thu nhập hơn 400 triệu đồng.

bqbht_br_img-6660-copy.jpg
Ông Đoàn Quốc Hoài ở thôn 1 (xã Quang Thọ) đang chăm sóc các diện tích cam của gia đình.

Ông Hoài cho biết: “Việc chăm sóc cam sau mùa thu hoạch rất quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng quả ở vụ tới. Bởi vậy, ngay sau Tết, gia đình đã tập trung nhân lực tiến hành làm cỏ, vun gốc, loại bỏ những gốc cam sâu bệnh và trồng mới để có thu hoạch vào những năm tới. Đợt này, chúng tôi dự kiến bón khoảng 2 tấn phân hữu cơ để đảm bảo cây sinh trưởng, phục hồi nhanh sau mùa thu hoạch”.

Cũng theo ông Hoài, năm nay, gia đình tiếp tục đầu tư chăm sóc vườn cam theo tiêu chuẩn hữu cơ. Bởi, việc áp dụng quy trình này không chỉ giúp cây phát triển khỏe, cho ra những trái cam ngon, an toàn mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm nông nghiệp bền vững. Từ đó, khẳng định thương hiệu cam Vũ Quang, giúp cho sản phẩm vươn ra thị trường rộng lớn.

bqbht_br_img-6666-copy.jpg
Việc chăm sóc đúng quy trình sẽ giúp cam ra hoa đúng thời vụ và tăng tỉ lệ đậu quả.

Thời điểm này, bà con xã Quang Thọ đều đang tập trung nhân lực chăm sóc cho gần 200 ha cam. Ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Từ mùng 5 Tết, bà con đã tập trung lên các vườn đồi loại bỏ những gốc cam thoái hoá, già cỗi, cùng đó cắt tỉa những cành sâu bệnh và bón phân cho cam. Giai đoạn này cam đang bước vào kỳ ra hoa, nếu không được chăm sóc kỹ sẽ ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ. Đồng hành cùng bà con, địa phương đã chỉ đạo các thôn đốc thúc bà con bám đồi để bón gốc, làm cỏ và phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại như: sâu đục thân, vàng lá, thối rễ, rệp... trên cây cam”.

Vụ cam năm 2024 được đánh giá là thắng lợi, mang về nguồn thu khá cho bà con Vũ Quang. Theo các nhà vườn, năng suất cam năm rồi tuy không bằng những vụ trước nhưng bù lại được giá nên bà con rất phấn khởi, yên tâm bước vào vụ sản xuất mới.

bqbht_br_img-6662-copy.jpg
bqbht_br_img-6663-copy.jpg
Người trồng cam Vũ Quang hy vọng năm nay thời tiết sẽ thuận lợi để cam phát triển tốt.

Đang chăm sóc các diện tích cam của gia đình, chị Nguyễn Thị Thìn (thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh) cho biết: “Vườn cam rộng gần 1,5 ha của gia đình năm vừa rồi cho thu hoạch gần 8 tấn quả, thu về hơn 200 triệu đồng. Sau khi đã thu hái xong, chúng tôi bắt tay ngay vào việc chăm cây vì đây là khâu quan trọng nhằm giúp các cam sớm “hồi sức” sau gần một năm nuôi quả. Công việc chăm cam sẽ kéo dài đến hết tháng 2, khi các gốc cam bắt đầu rộ hoa, chúng tôi sẽ dừng việc chăm sóc gốc, thay vào đó sẽ theo dõi cây để kịp thời ngăn chặn các loại sâu bệnh. Nhờ tuân thủ đúng các quy trình nên vườn cam của gia đình luôn cho năng suất cao vào cuối vụ”.

Cũng theo chị Thìn, năm nay, gia đình chị đã trồng xen dắm gần 1 ha cam để kịp thời thay thế các diện tích cam già cỗi, đảm bảo năng suất trong những mùa tới. Hy vọng, năm nay thời tiết sẽ thuận lợi để các vườn cam của địa phương phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao, giúp bà con ổn định thu nhập vào cuối vụ.

bqbht_br_img-6664-copy.jpg
Ngành chuyên môn Vũ Quang hướng dẫn bà con chăm sóc cam sau mùa thu hoạch.

Được biết, toàn huyện Vũ Quang có gần 1.700 ha cam đang cho thu hoạch. Vụ cam vừa rồi, bà con xuất bán được gần 17 nghìn tấn quả, nhờ tiêu thụ được giá cao (từ 30 - 45 nghìn đồng/kg) nên các nhà vườn rất phấn khởi.

Theo ngành chuyên môn địa phương, giai đoạn này, các diện tích cam đang bước vào thời kỳ ra hoa, đậu quả nên bà con cần chú ý thăm vườn để kịp thời phát hiện, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Việc chủ động chăm sóc cây đúng thời điểm và quy trình kỹ thuật sẽ giúp bà con có một mùa vụ bội thu.

Nhằm giúp người dân có thêm kỹ thuật chăm sóc cam, đơn vị đã phân công cán bộ trực tiếp xuống các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện cách bón phân, tập huấn quy trình chăm sóc và có biện pháp phòng trừ hiệu quả các diện tích cam. Khi cây xuất hiện sâu bệnh cần phun các loại thuốc chuyên dùng theo đúng hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo cây phát triển tốt. Hy vọng rằng, với quy trình dưỡng cây bài bản, năm 2025, sẽ tiếp tục được mùa, được giá, giúp bà con có thêm thu nhập.

Ông Võ Quốc Hội - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tỏi tía Lộc Yên được mùa, được giá – Nông dân đếm củ tính tiền

Tỏi tía Lộc Yên được mùa, được giá

Giống tỏi tía trồng ở Lộc Yên (Hương Khê, Hà Tĩnh) có vị cay đậm, nhiều tinh dầu nên rất được thị trường ưa chuộng. Vụ sản xuất năm nay, người trồng tỏi có thu nhập trung bình 15 - 20 triệu/sào.
Lúa thì con gái chờ ngày đơm bông

Lúa thì con gái chờ ngày đơm bông

Giữa khúc giao mùa cuối xuân, đầu hạ, những cánh đồng lúa lại rạo rực vào thì con gái, chuẩn bị cho hành trình sinh trưởng mới giữa những mong ngóng, đợi chờ của người nông dân.
Mùa “săn” sản vật biển ở Hà Tĩnh

Mùa “săn” sản vật biển ở Hà Tĩnh

Sở hữu ngư trường rộng lớn cùng nguồn hải sản phong phú, giá trị, mùa hè là lúc ngư dân các làng chài ven biển Hà Tĩnh hào hứng ra khơi, mang về "lộc biển" phục vụ khách du lịch gần xa.
Trúng đậm cá trích, ngư dân Thạch Lạc kiếm tiền triệu mỗi chuyến ra khơi

Ngư dân Thạch Lạc trúng đậm cá trích

Thời tiết thuận lợi, ngư dân xã Thạch Lạc (Hà Tĩnh) liên tiếp trúng đậm cá trích. Có những thuyền chỉ sau 4 - 5 giờ ra khơi mang về thu nhập hàng chục triệu đồng.
Niềm vui hiến đất mở đường ở xóm đạo toàn tòng

Niềm vui hiến đất mở đường ở xóm đạo toàn tòng

Hy sinh lợi ích, bà con giáo dân thôn Vĩnh Phúc đã tích cực hiến đất và tài sản trị giá hàng tỷ đồng để mở đường giao thông, góp phần xây vùng quê nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).