Vì sao nhiều núi lửa ‘thức giấc’ gần đây?

Núi lửa Fuego ở Guatemala, núi lửa Kilauea ở Hawaii, núi lửa Merapi ở Indonesia... lần lượt "thức giấc" thời gian gần đây. Chuyên gia về núi lửa nói gì?

Lực lượng cứu hộ nỗ lực cứu những người bị kẹt và sơ tán dân khỏi vùng ảnh hưởng của núi lửa Fuego ở Guatemala - Ảnh: REUTERS

Vụ phun trào kinh hoàng của núi lửa Fuego ở Guatemala hôm 3-6 khiến ít nhất 62 người thiệt mạng là vụ phun trào mới nhất trong một loạt các thảm họa núi lửa đang được thế giới quan tâm gần đây.

Theo hãng tin Reuters, tính đến ngày 4-6 giờ địa phương, trong số 62 người thiệt mạng mới chỉ có 13 thi thể được nhận diện, do ảnh hưởng của đợt phun trào. Nhiệt độ của các dòng chảy nham thạch lên tới 700 độ C.

Núi lửa Fuego, nằm cách thủ đô Guatemala City khoảng 40km về phía tây nam, cũng phóng ra một lượng lớn khói và tro bụi lên trời trong đợt phun trào lớn nhất trong hơn 40 năm qua ở quốc gia Trung Mỹ này.

Trong khi đó, núi lửa Kilauea ở Hawaii, Mỹ phun trào hôm 4-5 khiến hàng ngàn người phải chạy bỏ nhà cửa. Các hình ảnh được đăng tải cho thấy những dòng nham thạch "nuốt sống" nhiều khu vực của đảo Big Island.

Đến ngày 3-6, cùng ngày ngọn núi lửa ở Guatemala phun trào, một trận động đất mạnh 5,5 độ Richter làm rung chuyển hòn đảo Big Island ở Hawaii. Cơn địa chấn đã khiến một cột khói khổng lồ cao 2.440m bốc lên từ đỉnh ngọn núi Kilauea.

Núi lửa Merapi ở Indonesia cũng phun trào kể từ giữa tháng 5. Vụ phun trào gần nhất diễn ra hôm 1-6, khiến một cột khói bụi cao 6,4km bay vào không khí.

Cảnh dung nham từ lòng đất được phun trào ra khỏi miệng núi lửa Kilauea ở Hawaii - Ảnh: REUTERS

Nhiều người đặt nghi vấn liệu các vụ phun trào kinh hoàng này có phải là một "xu hướng" của các ngọn núi lửa hiện nay hay không. Tạp chí Time, Mỹ ngày 4-6 dẫn nhận định của các chuyên gia cho biết không có một "xu hướng" nào như vậy.

"Các vụ phun trào không có bất kỳ mối liên hệ nào với nhau. Tất cả những ngọn núi lửa này đều thường xuyên phun trào và hoạt động của chúng hoàn toàn bình thường", bà Karen Fontijn - nhà núi lửa học kiêm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Oxford, Anh, giải thích.

Vị chuyên gia về núi lửa cho biết thêm: "Ở bất kỳ thời điểm nào, thông thường sẽ có khoảng từ 10-20 núi lửa phun trào trên khắp thế giới. Chỉ vì chúng ta không thường xuyên nghe tới các vụ phun trào này mà thôi".

Theo tạp chí Time, có thể do ảnh hưởng nghiêm trọng của các vụ phun trào lên con người, cơ sở hạ tầng cùng những hình ảnh kinh hoàng đã khiến chúng ta chú ý nhiều hơn tới hoạt động của núi lửa trên khắp thế giới.

Từng có một số học thuyết được đưa ra để lý giải tại sao các vụ phun trào của núi lửa đang có xu hướng tăng lên.

Một cuộc nghiên cứu hồi năm 2014 cho rằng những thay đổi trong vận tốc quay của Trái Đất, vốn bị ảnh hưởng bởi các nhân tố như lực hút của mặt trời và mặt trăng, đã dẫn tới việc "đánh thức" các núi lửa nhanh hơn.

Trước đó, một cuộc nghiên cứu hồi năm 2009 cho thấy số vụ phun trào núi lửa tăng lên có liên quan tới vấn đề nhiệt độ của Trái Đất tăng lên mỗi năm.

Núi lửa Fuego ở Guatemala và núi nửa Merapi ở Indonesia đều nằm trên "Vành đai lửa" - một khu vực có hình móng ngựa rộng 40.230km nơi một số mảng kiến tạo va chạm nhau.

Khoảng 3/4 số ngọn núi lửa trên thế giới có thể được tìm thấy bên trong vùng này. Núi lửa Kilauea của Hawaii không nằm trên "Vành đai lửa" mặc dù ngọn núi này nằm quanh khu vực Thái Bình Dương.

Dung nham chảy ra từ núi lửa Kilauea ở Hawaii - Ảnh: EPA

Núi lửa Fuego ở Guatemala thức giấc khiến hàng chục người thiệt mạng - Ảnh: AFP

Cận cảnh núi lửa phun trào - Ảnh: AFP/Getty

Nhà cửa, xe cộ bị vùi trong tro núi lửa Fuego - Ảnh: REUTERS

Núi lửa Merapi ở Indonesia - Ảnh: vacationbaliindonesia.com

Theo Tuổi trẻ

Chủ đề Hạn hán - Thiên tai

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói