Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định xe ô tô khách trên 9 chỗ, xe đầu kéo, xe chở container trên cả nước phải hoàn thành việc lắp camera hành trình.
Sau 31/12/2021, xe ô tô khách trên 9 chỗ, xe đầu kéo, xe chở container trên cả nước phải hoàn thành việc lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình tham gia giao thông theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP. Dữ liệu hình ảnh sẽ được cung cấp cho công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa, xử lý xe chở quá tải, nhồi nhét khách, chạy sai hành trình, luồng tuyến.
Trường hợp phương tiện vận tải không lắp camera giám sát hành trình khi lưu thông trên đường mà lực lượng chức năng phát hiện được thì sẽ bị xử phạt (mức phạt 1 - 2 triệu đồng đối với lái xe; 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân và 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức).
Ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 được cho là nguyên nhân chính dẫn tới việc các doanh nghiệp vận tải không mặn mà lắp đặt camera giám sát.
Theo thống kê, Hà Tĩnh hiện có 96 đơn vị kinh doanh vận tải (42 đơn vị kinh doanh vận tải khách, 54 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa) với 1.390 phương tiện (203 xe khách tuyến cố định, 101 xe hợp đồng, 125 xe buýt, 65 xe chở container và 896 xe đầu kéo) phải lắp đặt camera giám sát hành trình.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, số đơn vị đã thực hiện việc lắp đặt camera giám sát là 22/96 (đạt 23%) với 496/1.390 phương tiện (đạt 35,7%).
Như vậy, vẫn còn 74 đơn vị (29 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, 45 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa) với 894 phương tiện (525 xe vận tải hàng hóa, 369 xe vận tải hành khách) chưa hoàn thành việc lắp đặt, trong khi thời gian quy định còn chưa tới 1 tháng nữa.
Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ lắp đặt camera giám sát trên các phương tiện vận tải ở Hà Tĩnh chỉ mới đạt 35,7%.
Theo tìm hiểu của Báo Hà Tĩnh, nguyên nhân số lượng các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh chưa mặn mà với việc lắp đặt camera giám sát hành trình theo quy định là do hoạt động kinh doanh gặp khó bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Chủ xe, doanh nghiệp vẫn đang có tâm lý ngóng chờ lùi thời hạn lắp đặt camera.
Tuy nhiên, việc này khó có khả năng xảy ra bởi Chính phủ đã từng quyết định lùi xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức chưa lắp camera giám sát trên xe tải, xe khách từ 1/7/2021 đến 31/12/2021 nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện ô tô kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Để lắp đặt, duy trì camera giám sát cho 130 phương tiện, Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh phải bỏ ra trên dưới 1 tỷ đồng.
“Đơn vị có 130 đầu xe (120 xe buýt và 10 xe khách chạy tuyến cố định) nằm trong diện phải lắp camera giám sát hành trình. Theo tính toán, chi phí lắp đặt và duy trì hệ thống camera cho số phương tiện không dưới 1 tỷ đồng (phí lắp đặt 5-7 triệu đồng/phương tiện và phí duy trì 1,5 triệu đồng/phương tiện/năm). Trong thời điểm việc kinh doanh không mấy khả quan, việc trả lương cho anh em còn khó khăn thì con số 1 tỷ đồng khiến chúng tôi phải đắn đo rất nhiều” - Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh Trần Văn Sỹ chia sẻ.
Dù khó khăn là vậy nhưng theo ông Trần Văn Sỹ, công ty đang cố gắng cân đối thu chi và làm việc với đơn vị cung cấp dịch vụ lắp đặt camera để thống nhất chi phí.
“Đây là quy định của Chính phủ nên chắc chắn đơn vị sẽ chấp hành nghiêm, dự kiến hoàn thành việc lắp đặt camera giám sát hành trình trong tháng 12 này” - ông Trần Văn Sỹ thông tin.
Doanh nghiệp Thông Thúy theo dõi hành trình các phương tiện thông qua hệ thống camera giám sát.
Có 40 xe đầu kéo nằm trong diện phải lắp đặt camera hành trình theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Công ty TNHH MTV Thông Thúy (gọi tắt là doanh nghiệp Thông Thúy, trụ sở đóng tại huyện Đức Thọ) hiện cũng nỗ lực hoàn thành đúng thời hạn.
“Tổng chi phí lắp đặt camera khoảng 250 triệu đồng nên đơn vị đã “chia nhỏ” số xe để lắp đặt theo từng đợt. Tới nay, phần lớn các phương tiện đã được lắp đặt camera giám sát theo đúng quy định”, ông Trần Hữu Thọ - đại diện doanh nghiệp Thông Thúy cho hay.
Theo ông Trần Hữu Thọ, từ khi camera giám sát hành trình được lắp đặt và vận hành, đơn vị chưa gặp phải trục trặc nào quá lớn, dữ liệu hình ảnh được truyền về hệ thống khá ổn định. Từ đây, việc quản lý phương tiện và tài xế cũng thuận tiện hơn.
Doanh nghiệp Thông Thúy có 40 phương tiện phải lắp đặt camera giám sát.
Lý giải thêm về tỷ lệ lắp đặt camera giám sát đạt thấp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Tĩnh Trần Quốc Toản cho rằng, ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thì chi phí xăng dầu tăng mạnh khiến các đơn vị vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách trên địa bàn thêm phần khó khăn trong duy trì hoạt động.
“Do lượng khách sụt giảm mạnh nên doanh nghiệp vận tải hành khách chỉ hoạt động 10 – 30% lượng phương tiện để giữ khách. Và, họ cũng chỉ lắp đặt camera ở những phương tiện này mà thôi, xe nào không chạy thì chưa vội lắp. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ lắp đặt camera ở Hà Tĩnh còn hạn chế” - ông Trần Quốc Toản nhìn nhận.
Theo ông Nguyễn Quang Sơn - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT, đơn vị rất chia sẻ với khó khăn mà doanh nghiệp vận tải ở Hà Tĩnh phải đối mặt, nhất là trong đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4. Tuy vậy, việc lắp đặt camera là điều bắt buộc.
Thời gian qua, Sở GTVT đã tích cực tuyên truyền, nhắc nhở các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương thực hiện việc lắp đặt camera theo quy định và cũng có báo cáo gửi UBND tỉnh về tình hình thực tế trên địa bàn.
“Trước việc tỷ lệ lắp đặt camera giám sát hành trình còn đạt thấp, ngày 25/11/2021, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 7921/UBND-GT về việc đôn đốc thực hiện lắp camere giám sát trên xe kinh doanh vận tải theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP. Hiện, đã có thêm nhiều doanh nghiệp đang tiến hành lắp đặt camera cho phương tiện vận tải”, ông Nguyễn Quang Sơn - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT cho hay.