Video: Theo chân "lão nông" săn cá trên sông
5h sáng, khi người dân còn chìm trong giấc ngủ, ông Nguyễn Trọng Phương đã lỉnh kỉnh đồ đoàn đi "săn" trên chiếc thuyền gỗ nhỏ với đủ loại "đồ nghề" như: dây buộc, tre nứa, túi đựng cá, dao, kéo…
Hàng ngày, ông Phương ở dưới nước nhiều hơn ở trên bờ
Giong thuyền dọc lòng sông, ông vừa lan man về những lần "trúng quả" và cả những chuyến tiếc “đứt ruột” vì tuột những con cá lớn nhưng mắt vẫn đảo liên hồi. Đến đúng "trộ", ông vớ lấy con dao, nhảy cái "bùm" trong sự ngỡ ngàng của tôi.
“Mỗi chặng đăng dài khoảng 30 đến 40 m, từ bên kia sông sang bờ đê bên này, được tôi đóng bằng cọc tre và lưới xanh-ti-len bịt kín mít. Mỗi bên có một buồng (ô trống được bọc lại bằng lưới khoảng 1 m2), khi nước sông Én chảy mạnh, đàn cá ngược dòng sẽ vấp phải chặng đăng, cá tìm đường ngược nước sẽ lạc vào buồng như vào ma trận và không thể ra được nữa. Đàn cá sẽ vẫy vùng và nhảy ngược, mắc vào các túi lưới đã được làm sẵn phía trên mặt nước, cứ thế dùng vợt đưa cá lên thuyền", ông kể chuyện nghề.
Niềm vui khi trên chặng đăng có những chú cá mắc vào lưới.
Ông Phương bảo "nói thế, chứ bắt được cá khi nước sông đang chảy xiết không phải điều dễ mà phải có cả quá trình chuẩn bị cả tháng và hầu như ngày nào phải dầm mình dưới làn nước để sửa chữa và kiểm tra lưới có rách, hở chân hay cọc tre có chắc chắn nữa hay không. Công lao chuẩn bị cả tháng trời nhưng chỉ thu hoạch được vài ngày sau những trận mưa giông".
Thành quả sau những ngày dày công mò mẫm trên sông
“Những ngày mưa lớn, nước chảy, tôi bắt được cả tạ cá (chủ yếu chép, trắm, lóc, leo) với giá bán bình quân khoảng 80 nghìn đồng/kg thu nhập khá hơn nhiều so với làm nông. Nhưng, nghề này cũng nguy hiểm lắm, đêm hôm cứ mò mẫm giữa sông nếu lỡ may bị chuột rút thì chẳng biết kêu ai. Chưa kể, những lúc trượt chân, lật thuyền khi mưa to gió lớn, lúc dòng nước chảy xiết. Còn việc dầm mình đau ốm thì cũng liên miên”.