Việt Nam chưa cần uống thuốc dự phòng nhiễm phóng xạ

Theo các nhà chuyên môn, số liệu đo phóng xạ của Việt Nam ở mức rất thấp nên người dân không cần thiết phải sử dụng bất cứ hình thức phòng tránh nào

Ông Đặng Thanh Lương, Phó Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, ngày 12/4, Nhật Bản nâng mức sự cố lên mức 7, mức cao nhất trong thang sự cố hạt nhân, ngang bằng với tai nạn hạt nhân Chernobyl năm 1986. Nhưng theo cơ quan chức năng Nhật Bản, lượng phóng xạ này chỉ bằng khoảng 10% so với sự cố tại Chernobyl. Việc Nhật Bản nâng lên mức 7/7 không có nghĩa là sự cố ở Nhật Bản trầm trọng hơn so với ngày trước đó, mà thực chất đây là việc đánh giá lại thực trạng của sự cố Nhà máy điện hạt nhân ở Nhật trong thời gian qua, dựa trên mức độ phát thải phóng xạ vào không khí.

Còn tại Việt Nam, đến chiều nay (13/4), các số liệu quan trắc mới nhất cho thấy, nồng độ phóng xạ trong không khí giảm gần gấp hai lần so với ngày 12/4. Mấy ngày qua, nồng độ phóng xạ trong không khí ở nước ta đã giảm so với những ngày trước đó, có nghĩa là không có thêm các vụ nổ từ nhà máy điện hạt nhân và phía Nhật Bản đã kiểm soát tốt việc phát tán phóng xạ vào không khí.

Chỉ nên dùng potassium iodide khi có lời khuyên rõ ràng của giới chức y tế
Chỉ nên dùng potassium iodide khi có lời khuyên rõ ràng của giới chức y tế

Liên quan đến thông tin thời gian quan, người dân đổ xô đi mua muối I ốt hay đến cơ sở y tế để được uống thuốc dự phòng nhiễm phóng xạ, ông Đặng Thanh Lương, Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, điều này hoàn toàn không cần thiết.

Theo ông Lương, các biện pháp uống thuốc chỉ ở trong vòng bán kính nhất định cách tâm nhà máy điện hạt nhân xảy ra sự cố. Còn tất cả các nơi khác ở nước Nhật đều không ban bố tình trạng sử dụng thuốc kali I ốt. Do vậy các nước càng xa như Việt Nam càng không phải uống. Điều này được khẳng định dựa trên số liệu đo phóng xạ của Việt Nam ở mức rất thấp, nên người dân không phải lo ngại về vấn đề này.

Tuy nhiên, để đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là phóng xạ ảnh hưởng tới sức khỏe, Bộ Y tế đã xây dựng chương trình dự phòng nhiễm phóng xạ cho người dân. Chương trình dự phòng này bao gồm việc uống thuốc dự phòng, khám, phát hiện, điều trị cho người dân nhiễm phóng xạ.

PGS, TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - Giám đốc Trung tâm Ung bướu cho biết: Hiện nay, Bộ Y tế đã giao cho một số cơ sở y tế như Bệnh viện 108, Viện Y học phóng xạ và u bướu quân đội, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai… có trách nhiệm điều trị nếu có bệnh nhân bị nhiễm phóng xạ. “Hiện nay tất cả cảnh bảo về phóng xạ ở Việt Nam vẫn ở dưới mức bình thường nên chưa phải làm gì cả”- ông Khoa cho biết.

Như vậy, có thể khẳng định, với nồng độ phóng xạ trong không khí ở Việt Nam hiện nay không ảnh hưởng tới sức khỏe và người dân không cần thiết phải sử dụng bất cứ hình thức phòng tránh nào.

Theo Vovnews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast