Chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp hoàn tất kế hoạch “mua hàng Mỹ”, kêu gọi các tùy viên quân sự và nhân viên ngoại giao Mỹ ở nước ngoài tăng cường tiếp thị vũ khí Mỹ. Reuters cho biết kế hoạch nhằm tăng thêm hàng tỷ USD trong hoạt động bán hàng quân sự ở nước ngoài.
Chính sách mới tập trung nới lỏng những quy định xuất khẩu vũ khí cho những khách hàng không thuộc NATO. Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ có vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy các giao dịch vũ khí.
Kế hoạch mới nhằm cụ thể hóa lời hứa của Tổng thống Trump trong quá trình tranh cử. Ông Trump từng cam kết tạo ra nhiều công việc tại Mỹ bằng cách tăng bán hàng và dịch vụ ra nước ngoài để giảm thâm hụt thương mại đang ở mức cao.
Quy trình thẩm định trong xuất khẩu vũ khí Mỹ sẽ dễ dàng hơn với quy định mới. Ảnh: Southfront. |
Chính quyền cũng đang chịu sức ép từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ đối với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ như Nga và Trung Quốc. Bên cạnh đó, Washington sẽ tiến hành sửa đổi Quy chế về Buôn bán Vũ khí Quốc tế (ITAR). Chính sách này được áp dụng từ năm 1976 và không được cải cách trong hơn 3 thập kỷ qua.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết phương pháp tiếp cận mới trong xuất khẩu vũ khí cho phép các đối tác của chúng tôi chia sẻ gánh nặng an ninh quốc tế. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc từ chối bình luận.
Giới phân tích đặc biệt quan ngại trước kế hoạch nới lỏng xuất khẩu vũ khí của Mỹ. Kế hoạch này sẽ làm lợi cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ nhưng làm tăng nguy cơ vũ khí Mỹ rơi vào tay các quốc gia có hồ sơ nhân quyền thấp, hoặc các tổ chức khủng bố.
Chính quyền Tổng thống Trump đã thực hiện thỏa thuận gây tranh cãi khi bán 7 tỷ USD vũ khí dẫn đường công nghệ cao cho Saudi Arabia, bất chấp những quan ngại về thương vong cho thường dân trong cuộc can thiệp quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu vào nội chiến ở Yemen. Hay thương vụ bán 3,8 tỷ USD vũ khí cho Bahrain từng bị từ chối dưới thời Tổng thống Barack Obama.