Vinh quang nghề dạy học!

(Baohatinh.vn) - Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Nhiều nhà giáo dục, nhà văn hóa lớn đều đề cao nghề dạy học, vì nghề này gánh một trọng trách lớn đó là giáo dục - đào tạo con người. Cao hơn nữa là giá trị con người vì con người là tài sản quý giá nhất của mỗi quốc gia, mỗi xã hội.

vinh quang nghe day hoc

Thầy cô không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn giáo dục đạo đức cho các em học sinh

Con người ta sinh ra nhờ có học mới nên người. Trước đây, Khổng Tử từng nói: “Nhân bất học bất tri lý” (không học thì không biết lẽ phải, trái ở đời). Nhờ có học, con người mới hiểu biết, mở mang trí tuệ, biết sống, biết làm người. Do vậy mà vai trò, vị trí của người thầy giáo cực kỳ quan trọng và cần thiết. Theo quan niệm xưa, người thầy có vị trí cao hơn người cha trong tam cương: quân, sư, phụ. Trải qua ngàn năm rồi không thấy ai phản đối về chỗ đứng của người thầy và ngày nay, địa vị đó đã được xác lập.

Vì cha mẹ sinh con, lo nuôi dưỡng cho con khỏe mạnh, nhưng việc giáo dục thì không đảm đương được mà phải nhờ cậy đến người thầy, đến nhà trường. Bởi thế mới có câu: “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Dân gian có câu: “Không thầy đố mày làm nên” hoặc “Nên thợ, nên thầy vì có học”. Từ xa xưa, trong cuộc đời của mỗi người, chúng ta dù là vua hay dân cày, ai cũng có những tháng năm đến trường học tập, được các thế hệ nhà giáo chăm sóc, dạy bảo, giáo dục, đào tạo nên người.

Việc học là cực kỳ quan trọng. Con người từ thành nhân đến thành danh phải cậy đến người thầy. Khổng Tử nói: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Dưới mái trường thân yêu, thầy truyền dạy cho học sinh từ đạo lý đến tri thức, mà đạo lý được chú trọng hàng đầu, cho nên nghề dạy học luôn được xem là nghề cao quý, người thầy được tôn vinh ở vị trí cao trong xã hội. Người thầy mang sứ mệnh khai tâm, mở trí, thắp sáng niềm tin và ước mơ, khơi dậy trong lòng người học trò niềm say mê sáng tạo, cống hiến, nâng cao tình yêu gia đình, quê hương, Tổ quốc, lòng yêu nhân loại, sẵn sàng xả thân cứu nước… Gieo những hạt giống cho tương lai, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước, nâng cao tri thức con người, giúp nhân loại “đổi đời”, văn minh, giàu có.

Trong suốt chặng đường hơn 70 năm qua, ngành giáo dục luôn làm tròn nhiệm vụ của mình, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, của nhân dân. Trong chặng đường đó, ngành giáo dục đã đào tạo được hàng triệu triệu học sinh, lớp lớp người con ưu tú cho dân tộc, tiếp nối truyền thống anh hùng của ông cha, lập nhiều chiến công xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đưa đất nước ta ngày càng giàu mạnh, hùng cường, “sánh vai với các cường quốc năm châu”, đáp ứng lòng mong ước của Bác.

Trong phong trào thi đua yêu nước, ngành giáo dục có hàng ngàn thầy cô giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lao động, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, chiến sĩ thi đua. Họ đã và đang dốc tài năng, trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo nước nhà, đem lại vinh quang cho ngành, cho nghề, cho dân tộc. Họ là những ngôi sao sáng của ngành giáo dục, mà tài năng cũng như công lao, đức độ đều xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội đối với nghề dạy học, đối với thầy cô giáo.

Đã nhiều năm đứng trên bục giảng, trong lòng tôi đầy ắp kỷ niệm về tình thầy trò, tình bạn bè, tình cảm với nhân dân ở nhiều mái trường, nhiều miền quê yêu quý. Những kỷ niệm êm đẹp đó mãi mãi đọng lại trong trái tim tôi. Mỗi lần kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trong lòng tôi lại ngập tràn cảm xúc về nghề dạy học cao đẹp và vinh quang.

Vui sướng nhất là người thầy giáo chân chính dù đang đứng trên bục giảng hay đã về cuộc sống đời thường đều được sống mãi trong lòng nhân dân và các thế hệ học trò. Người thầy giáo sống ở đâu, đi đâu, dù đã nghỉ hưu vẫn được mọi người dân gọi là thầy với tấm lòng kính trọng, phần thưởng ấy hỏi ai có được? Công lao, sự nghiệp của thầy, cô giáo thật là to lớn. Đúng là:

Có quả nhờ người trồng cây

Có danh, có vọng, nhờ thầy mà nên

Học trò nhớ mãi không quên

“Kho báu tri thức” thầy ban cho đời

Nghề dạy học thật tuyệt vời

Vinh quang cao quý người người kính yêu.

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.