Đóng tàu sân bay- Mỹ đang ném tiền xuống biển?

Nga cho rằng 13,3 tỷ đô la có thể bị nhấn chìm bởi tên lửa giá 1 tỷ rúp

Đóng tàu sân bay- Mỹ đang ném tiền xuống biển?

Tàu sân bay “John F. Kennedy” của Mỹ (Ảnh: TASS)

Người Mỹ tự hào về tàu sân bay cũng giống như bất kỳ sản phẩm nào được dán nhãn Made in USA. Tuy nhiên, các tàu sân bay là niềm tự hào đặc biệt vì chúng được cho là nắm giữ sự vĩ đại của Hoa Kỳ.

Đồng thời, một “sân bay nổi”, cũng giống như bất kỳ sản phẩm nào, đều có giá của nó, nhưng cái giá ở đây là quá lớn, và câu hỏi đã được đặt ra là: “Tại sao phải chi hàng chục tỷ đô la cho một thứ có thể bị phá hủy bởi tên lửa “Zircon” của Nga trị giá chỉ có một tỷ rúp?”

Tàu sân bay quả thực là một món “đồ chơi” đắt tiền và hút hết ngân sách của Lầu Năm Góc. Và giờ đây, theo Bloomberg, tham khảo báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, việc xây dựng tàu sân bay “John F. Kennedy” có thể đội giá lên nhiều so với kinh phí được phân bổ cho việc chế tạo nó.

Chiếc tàu sân bay hạ thủy trước nó, tàu “Gerald Ford” (cả hai đều thuộc thế hệ mới của tàu sân bay lớp “Ford”) đã tiêu tốn của ngân khố số tiền kỷ lục là 13,3 tỷ USD.

Theo đánh giá của chính các chuyên gia Mỹ, chi phí của tàu “Kennedy”, dự kiến đưa vào biên chế Hải quân Mỹ vào năm 2024, có thể tăng thêm 3,58 tỷ USD. Điều này được giải thích là do nhu cầu cải thiện khả năng chiến đấu của con tàu và loại bỏ các sai sót được xác định trong quá trình thử nghiệm trên biển của tàu “Ford”.

Đóng tàu sân bay- Mỹ đang ném tiền xuống biển?

Tàu sân bay này mặc dù đã được đưa vào biên chế vào năm 2017 nhưng vẫn đang được thử nghiệm và đã bị một số sự cố nghiêm trọng. Giờ đây, một hợp đồng đã được ký với công ty đóng tàu Huntington Ingalls Industries cho một tàu sân bay loại này – tàu “Enterprise”, việc đóng con tàu này có lẽ cũng sẽ đòi hỏi chi phí lớn.

Đồng thời, theo lưu ý của Bloomberg, Hải quân Mỹ phải có được sự ủng hộ của các nhà lập pháp nếu như họ muốn nhận được tài trợ để tạo ra một hạm đội 355 tàu từ con số 300 tàu trong hiện tại.

Lịch sử tàu sân bay Hoa Kỳ bắt đầu từ năm 1913. Đã có tổng cộng 69 tàu sân bay được chế tạo, trong đó 11 chiếc hiện thuộc hạm đội Hoa Kỳ.

Một bộ phận các tàu sân bay Hoa Kỳ đang vận hành hiện không hoạt động, phải nằm yên tại căn cứ hải quân lớn nhất thế giới ở Norfolk do các lỗi kỹ thuật (chủ yếu là các tàu hạt nhân loại “Nimitz” đợt đầu tiên), và bản thân học thuyết hải quân của Hoa Kỳ cũng đã trải qua một số thay đổi.

Trước hết, vì những phương tiện tiêu diệt “sân bay nổi” hiệu quả mà quân đội Nga đã có và bây giờ Trung Quốc cũng có. Các tàu sân bay ngày càng trở nên dễ bị tổn thương hơn và với sự trợ giúp của chúng, việc duy trì sự thống trị thế giới cũng ngày càng khó khăn hơn.

Còn đối với Nga thì sao? Tàu sân bay “Đô đốc Kuznetsov” là “Niềm tự hào” duy nhất của Hải quân Nga. Số phận của con tàu này cũng khá gian truân cũng như cái việc phải nhiều lần thay tên đổi họ.

Khi được đặt đóng tại Nhà máy đóng tàu Biển Đen (tại thành phố Nikolaev) vào năm 1982, nó được đặt tên là “Liên Xô”, khi hoàn thành nó đã được đặt tên là “Leonid Brezhnev”, trong quá trình chạy thử nghiệm trên biển lại đổi tên thành “Tbilisi”.

Tháng 1 năm 1991, con tàu chính thức gia nhập hạm đội với tên gọi “Đô đốc Hạm đội Liên Xô Kuznetsov”. Nhưng tên tuổi của vị Đô đốc huyền thoại Nikolai Gerasimovich Kuznetsov cũng không cứu được danh tiếng của chiếc tàu sân bay này.

“Kuznetsov” liên tục bị cháy và hư hỏng, các máy bay chiến đấu thì thi thoảng “trượt” khỏi boong của nó. Thời gian “Đô đốc Kuznetsov” nằm ở xưởng sửa chữa nhiều hơn là chạy trên biển. Tuy nhiên, nó cũng đã nhiều lần có các chuyến đi tới Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và lần nào đi về cũng phải nằm sửa chữa dài hạn do thiếu kinh phí.

Lần cuối cùng, “Kuznetsov” vượt Đại Tây Dương vào Biển Địa Trung Hải là từ tháng 11/2016 đến tháng 1/2017, thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu như một phần của đội hình tác chiến ở vùng biển xa của Hải quân Nga ngoài khơi Syria. Và một lần nữa lại phải vào xưởng - người ta cho rằng việc hiện đại hóa chiếc tàu này chỉ sẽ hoàn thành vào năm 2022.

Chi phí để sửa chữa “Đô đốc Kuznetsov” là khoảng 50 tỷ rúp, và nếu tính đến việc nó bị bốc cháy trở lại, và thậm chí còn bị thủng một lỗ do cần cẩu rơi xuống, số tiền này có thể tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đóng một tàu sân bay hạt nhân đầy hứa hẹn mới của dự án “Storm”, dự án sẽ bắt đầu vào năm 2023, sẽ tiêu tốn khoảng 300-400 tỷ rúp. Rõ ràng là vẫn chưa có số tiền như vậy và có lẽ thậm chí khó lòng mong đợi.

Do đó, quan điểm của Bộ Quốc phòng về việc thành lập các nhóm tác chiến tàu sân bay như một phần của Hải quân là khá mơ hồ - có cả những người ủng hộ và phản đối ý tưởng này.

Nhìn chung, tàu sân bay là loại phương tiện khó tính, hầu hết chúng được thiết kế để hoạt động ở vùng biển ấm. Và chính thiên nhiên đã giúp Mỹ có các căn cứ cho tàu sân bay, như khu vực đất liền Norfolk hoặc North Island là cửa ngõ đi ra Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, tất cả đều ở vĩ độ ấm. Và tàu sân bay Mỹ tuyệt nhiên không đến vùng Bắc Băng Dương.

Tuy nhiên, Nga cũng cần phải có các tàu sân bay của mình, mặc dù số lượng có thể không bằng Hoa Kỳ, nhưng cũng phải có để giải quyết các vấn đề ở các khu vực khác nhau.

Ở đây, tất nhiên, có những khó khăn cả về việc xây dựng lẫn tài chính, việc thành lập một nhóm tàu hộ tống cũng rất quan trọng. Nhưng nếu Nga không từ bỏ kế hoạch hiện diện xứng đáng ở Đại dương Thế giới, thì sẽ không thể làm gì nếu không có tàu sân bay.

Theo nhà phân tích chính trị Alexander Zimovsky thì cuộc thảo luận về sự cần thiết của tàu sân bay đối với Hải quân Nga, theo quy luật, luôn dẫn đến đồng đô la, nói đúng hơn là chi phí để xây dựng một tàu sân bay theo kinh nghiệm đã có. 1 tỷ đô la cho 1000 tấn trọng tải (Lượng giãn nước).

Sau đó mới nói đến việc phân tích giá trị hoạt động của tàu sân bay với tư cách là một đơn vị tác chiến. Ngoài vẻ đẹp và hình ảnh sức mạnh của chúng, tàu sân bay không phải là một yếu tố trong bộ ba hạt nhân chiến lược của Mỹ. Bất kỳ đội hình tàu sân bay nào cũng được thiết kế để giải quyết các nhiệm vụ cấp chiến dịch. Nhiệm vụ cao nhất của chúng chỉ có thế.

Nói một cách đơn giản, sau khi tên lửa siêu thanh hành trình “Zircon” do Tổng thống Nga công bố bay đến những địa chỉ do Putin chỉ định thì nhiệm vụ của tất cả các đội tàu sân bay của kẻ thù tiềm tàng sẽ phải làm lại từ đầu.

Nếu phân tích các khu vực chiến sự trên biển, nơi tập trung các hoạt động chính của Hải quân Liên Xô thì các khu vực hoạt động nhiều nhất là Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.

Trong khi đó, Liên Xô không có bất kỳ nhóm tàu sân bay nào, nhưng đã kiểm soát tất cả các nhóm tàu sân bay của Mỹ trên biển lúc bấy giờ.

Trong Chiến tranh Yom Kippur vào tháng 9 năm 1973, hải đội Địa Trung Hải của Liên Xô đã nhanh chóng mở rộng lên gần một trăm chiến hạm, bao gồm 34 tàu mặt nước và 23 tàu ngầm.

Vào thời điểm đó, Mỹ có 60 tàu và điều này hoàn toàn làm cạn kiệt khả năng chiến đấu của họ trong khu vực này. Một lần nữa, Liên Xô tuy không có tàu sân bay, nhưng đã ngăn chặn hoàn toàn hành động của ba nhóm tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ ở phía đông Malta.

Tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương vào cùng thời điểm đó chỉ có khoảng một phần ba các hoạt động của Hải quân Liên Xô. Nhưng lực lượng tàu ngầm của Liên Xô đã khống chế, trói chặt lực lượng Hải quân Mỹ.

Trong cuộc xung đột Syria, Nga đã cho thấy những phát triển về chiến dịch và chiến thuật này không hề bị mất đi. Vì vậy, câu hỏi về giá trị và sự cần thiết của tàu sân bay đối với Nga ngày nay sẽ vẫn tiếp tục được đặt ra trên bình diện thảo luận.

Theo Báo Đất Việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast