Hải quân Việt Nam đưa 2 tàu Molniya mới vào trang bị

Sáng 9/10, Tổng Công ty Ba Son đã bàn giao cặp tàu tên lửa Molniya mang số hiệu 382 và 383 cho Hải quân Việt Nam.

Hai chiếc tàu tên lửa mới nhất đã được bàn giao cho Lữ đoàn 167, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Cặp tàu tên lửa M5, M6 (mang số hiệu 382, 383) nằm trong lô 6 chiếc đầu được Quân chủng hải quân ký hợp đồng đóng mới với Tổng Công ty Ba Son (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) từ năm 2009 dưới hình thức chuyển giao công nghệ từ Nga.

Theo hợp đồng, sơ đồ phân chia tổng đoạn thân vỏ và thượng tầng, bản vẽ thiết kế, bản vẽ thi công cặp tàu số 3 theo tài liệu chuyển giao Li-xăng có sửa đổi và xác nhận của chuyên gia Nga được Ba Son thực hiện nghiêm ngặt, quy trình. Trong khi đó, vật liệu sử dụng trong quá trình chế tạo gia công thân vỏ và thượng tầng phù hợp và có chứng chỉ, nguồn gốc rõ ràng.

hai quan viet nam dua 2 tau molniya moi vao trang bi

Cặp tàu tên lửa M5, M6 của Hải quân Việt Nam.

Các chuyên gia Nga đánh giá, công tác chế tạo các phân đoạn, tổng đoạn, lắp ráp thân vỏ và thượng tầng được Ba Son thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đạt yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với tài liệu thiết kế kỹ thuật tàu 12418 Molniya chuyển giao Li-xăng của Liên bang Nga.

Tàu tên lửa Molniya là một trong những tàu tên lửa tấn công hiện đại, được đánh giá là hoàn thiện và hoạt động ổn định hàng đầu thế giới hiện nay do Viện thiết kế Hải quân Almaz (Liên bang Nga) thiết kế. Việc đóng mới thành công 6 tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya đã ghi nhận dấu mốc quan trọng trong lịch sử lĩnh vực đóng tàu quân sự Việt Nam.

Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya thuộc lớp 12418 là một trong những loại tàu có thiết kế phức tạp thể hiện thành tựu mới nhất của tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tàu có lượng giãn nước 560 tấn, có tính năng đi biển rất cao với vận tốc tối đa gần 70 km/h trong điều kiện tiêu chuẩn.

Thời gian hoạt động trên biển là 10 ngày, cự ly hoạt động khi chạy ở tốc độ trung bình từ 1.650 đến 2.400 hải lý. Tàu được thiết kế để tiêu diệt các đội hoặc nhóm tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu hộ tống và các đội tàu khác của đối phương một cách độc lập; bảo vệ các tàu ngầm, tàu đổ bộ; thực hiện nhiệm vụ trinh sát…

Trên tàu tích hợp nhiều hệ thống thiết bị công nghệ cao, kết hợp tốt nhất giữa khả năng tiến công và phòng thủ như: Các hệ thống vũ khí khí tài, hệ thống động lực, hệ thống thiết bị điều khiển, hệ thống bảo vệ và kết cấu đảm bảo sức sống tàu, tính năng đi biển, hoạt động độc lập và các thiết bị khác.

Hệ thống hỏa lực trên tàu được trang bị hệ thống tên lửa Kh-35 Uran-E với 16 quả đạn tên lửa được bố trí ở 4 bệ phóng 2 bên sườn tàu. Loại tên lửa này có khả năng đánh chìm chiến hạm có lượng giãn nước cỡ 5.000 tấn, với tầm bắn lên đến 130 km.

Ngoài ra, tàu còn được trang bị một pháo hạm tự động AK-176M cỡ nòng 76,2mm tầm bắn 15 km, tốc độ 130 phát/phút, 2 pháo phòng không cao tốc Ak-630M với tốc độ bắn lên đến 5.000 phát/phút, 2 pháo 6 nòng tự động AK-630M có tầm bắn 4-5 km và nhịp bắn 4.000-5.000 phát/phút.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast