Máy bay siêu vượt âm Trung Quốc sẽ sử dụng công nghệ hạ cánh của NASA

Các nhà khoa học Trung Quốc được cho là ấp ủ kế hoạch thử nghiệm hệ thống đường trượt hạ cánh cho chiếc máy bay siêu vượt âm đang trong giai đoạn thiết kế của nước này.

Máy bay siêu vượt âm Trung Quốc sẽ sử dụng công nghệ hạ cánh của NASA

Phi hành gia Neil Amstrong bên chiếc máy bay X-15 tại Califronia. Ảnh: Reuter/NASA

Theo đài Sputnik (Nga), nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Hàng không và Du hành Vũ trụ Nam Kinh (NUAA) của Trung Quốc cho biết với ứng dụng công nghệ sẵn có, chiếc máy bay siêu vượt âm đời mới nhất này có thể hạ cánh tại gần như bất kỳ sân bay nào “miễn là có đường băng bê tông”.

Bộ trượt hạ cánh thường được nhìn thấy ở trực thăng, một số loại thủy phi cơ hoặc máy bay chuyên dụng như máy bay tấn công Blackburn Buccaneer của Anh trong thời Chiến tranh Lạnh. Phần chân trượt ít khi được sử dụng cho máy bay thông thường vì chúng kém linh hoạt hơn so với bánh lăn.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã lấy hình mẫu từ phi cơ hỏa tiễn X-15 của NASA để ứng dụng hệ thống chân trượt cho máy bay siêu vượt âm của mình.

Được chế tạo trong những năm 1950, X-15 vẫn giữ kỷ lục là máy bay có người lái đạt vận tốc nhanh nhất từ trước đến nay. Trong chuyến bay ngày 3/10/1967, máy bay X-15 đã đạt vận tốc 6,7 Mach tại độ cao 31.000 m.

Về bản chất X-15 là một tên lửa khổng lồ. Nó được phóng từ dưới cánh “pháo đài bay” B-52 Stratofortress và được trang bị động cơ tên lửa lớn. Chính vì điều này mà X-15 không có chỗ để lắp bánh xe và đó cũng là lý do tại sao các nhà thiết kế đã tạo hai đường trượt nhô ra từ cánh sau.

Tuy nhiên, thiết kế có phần vụng về của X-15 chỉ cho phép máy bay hạ cánh trên một mặt sàn khô và phải tháo bỏ phần đuôi máy bay trước khi hạ cánh để bộ phận trượt có thể tiếp xúc với mặt đất. Hai chân trượt khá mỏng manh. Trong một sự cố năm 1962, một chân trượt đã bị gãy, khiến máy bay bổ nhào lúc hạ canh.

Để khắc phục nhược điểm này, các nhà nghiên cứu đại học Nam Kinh cho biết họ đã lắp phanh vào mỗi chân trượt. Các nhà khoa học cũng ứng dụng thuật toán học để đánh giá các yếu tố khác, chẳng hạn như thời tiết, nhằm điều chỉnh cho máy bay bay đúng hướng khi hạ cánh.

Bộ phận hạ cánh không phải là thứ duy nhất mà nhóm NUAA khai thác từ các sáng kiến của Mỹ. Vào tháng 12/2021, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm một động cơ có thể chuyển từ hoạt động tuốc-bin phản lực thông thường sang động cơ phản lực đạt được tốc độ siêu vượt âm. Đây cũng là một thiết kế do một kỹ sư NASA đề xuất vào những năm 1990, song ý tưởng đã bị bác bỏ và đưa vào hồ sơ mật.

Với vận tốc nhanh hơn Mach 5, máy bay siêu vượt âm có thể dễ dàng vượt mặt hầu hết các hệ thống phòng không. Thời gian bay của máy bay siêu vượt âm cũng sẽ rút ngắn một nửa so với máy bay chiến đấu hiện nay. Một máy bay siêu vượt âm có thể bay từ Tokyo đến Los Angeles chỉ trong vòng hai giờ đồng hồ.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast