Mỹ ban lệnh cấm bay khẩn với F-35B

Theo tờ Marine Times, Lầu Năm Góc lại phải công bố lệnh cấm bay với phiên bản F-35B do phát sinh lỗi ở hệ thống dẫn nhiên liệu.

Thông tin này được Ban quản lý các chương trình chung của Lầu Năm Góc cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tạm dừng các chuyến bay của một số F-35 phiên bản dành cho Thủy quân lục chiến do dòng chiến đấu cơ này tiếp tục phát sinh sự cố.

"Ngoài các sự cố phát hiện trước đó, kết quả phân tích còn cho thấy hai đường ống cấp nhiên liệu có vấn đề, cần được kiểm tra", ban quản lý của Lầu Năm Góc cho biết trong một thông báo.

Mỹ ban lệnh cấm bay khẩn với F-35B

Tiêm kích F-35B.

Hiện cơ quan này từ chối tiết lộ về số lượng những chiếc F-35B phải dừng bay. Tuy nhiên, theo các nguồn tin trên tờ Marine Times, sẽ có không ít hơn 20 chiếc F-35 sẽ phải dừng bay trong đợt này.

Đây rõ ràng là thông tin khá bất ngờ bởi quyết định nối lại các chuyến bay với F-35 mới được Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra hôm 14/10 sau khi hoàn thành công tác kiểm tra cũng với lỗi tương tự.

Lệnh cấm bay toàn cầu với chiến đấu cơ tàng hình F-35 được Mỹ áp dụng từ hôm 12/10, sau khi dữ liệu điều tra vụ F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ rơi hồi tháng 9 cho thấy vấn đề trong hệ thống ống dẫn nhiên liệu.

Nhưng sự cố ống dẫn nhiên liệu không phải tất cả lỗi mà F-35 gặp phải bởi theo nguồn tin trang Military.com có được cho biết, nguyên nhân khiến chiếc F-35B lao xuống đất hôm 28/9 còn có lỗi do khoang vũ khí phát hỏa. Điều đặc biệt nguy hiểm hơn bởi đây là lỗi thường thấy trên dòng F-35B tại chính Không đoàn VMFAT-501 (đơn vị chiếc F-35B bị rơi hôm 28/9).

Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, Không đoàn VMFAT-501 đã xảy ra ít nhất 3 vụ tai nạn nhỏ liên quan đến chiếc F-35B. Phần lớn đều xảy ra khi vừa cất cánh và khoang vũ khí của F-35B bốc cháy, nhưng phi công phản ứng kịp thời và hạ cánh an toàn, không có thương vong hoặc hỏng hóc lớn.

Nhưng vụ việc hôm 28/9 do chiếc F-35B đang bay ở độ cao lớn nên viên phi công điều khiển đã không kịp hạ cánh và hậu quả đáng tiếc đã xảy ra. Chính Không quân Mỹ thừa nhận, không chỉ có F-35B mà phiên bản dùng cho Không quân là F-35A cũng từng nhiều lần phát hỏa từ khoang vũ khí và động cơ.

Tính đến nay, dù số lượng lớn F-35 đã được Mỹ đưa vào biên chế, dự án siêu tiêm kích trị giá 1.500 tỷ USD vẫn chưa hoàn tất quá trình phát triển, khi nhiều máy bay xuất xưởng tiếp tục gặp các vấn đề kỹ thuật.

Theo nguồn tin từ Lầu Năm Góc, hiện 49% trong số 280 chiếc F-35 bàn giao cho quân đội Mỹ gặp lỗi phần cứng và phần mềm, khiến Washington chỉ có 142 tiêm kích thế hệ mới đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Hồi tháng 9/2016, Không quân Mỹ cũng ra lệnh cấm bay với phi đội 15 chiếc F-35A sau khi phát hiện vỏ cách nhiệt của ống dẫn chất làm mát trên cánh phi cơ bị bong tróc. Lỗi này sau đó vẫn tiếp tục xuất hiện nhưng điều đặc biệt là chúng vẫn được tiếp tục nối lại những chuyến bay.

Theo Đất Việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast