Quốc tế nói về chuyến đi lịch sử của tàu Việt Nam

Sau chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á năm 2014, Hải quân Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của mình khi thực hiện chuyến thăm đến Ấn Độ và Singapore.

Sáng 20/1, tại quân cảng Cam Ranh, tàu hộ vệ tên lửa 011 - Đinh Tiên Hoàng đã lên đường đi dự lễ duyệt binh tàu hải quân quốc tế tại Ấn Độ và thăm, giao lưu với Hải quân Singapore. Đây là lần đầu tiên tàu hộ vệ tên lửa Việt Nam vượt hàng nghìn hải lý từ Biển Đông (Thái Bình Dương), qua eo biển Ma-lắc-ca để tới Ấn Độ Dương, thực hiện chuyến công tác.

Hoạt động trên thể hiện sự hội nhập sâu rộng, toàn diện của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng với quân đội và hải quân các nước trong khu vực và quốc tế.

Chiến hạm 011 - Đinh Tiên Hoàng rời Cam Ranh thăm Ấn Độ và thăm Singapore - Ảnh: Trọng Thiết.

Chiến hạm 011 - Đinh Tiên Hoàng rời Cam Ranh thăm Ấn Độ và thăm Singapore - Ảnh: Trọng Thiết.

Nói về nội dung hoạt động trong chuyến đi lần này của tàu 011, Trung tá Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Tuần tra chung quốc tế, Phòng Đối ngoại Quân chủng Hải quân cho biết, tàu Đinh Tiên Hoàng sẽ tham dự một số hoạt động chính như thăm chính thức, dự các hoạt động giao lưu, giao hữu thể thao với lực lượng Hải quân và chính quyền sở tại Singapore, Ấn Độ.

Ngoài ra, tàu dự lễ khai mạc triển lãm hàng hải và Làng duyệt binh tàu hải quân quốc tế; dự lễ duyệt binh; dự Hội thảo hàng hải quốc tế; tham gia diễu binh đường phố; giao lưu với Hải quân các nước tham gia lễ duyệt binh; tổ chức chiêu đãi trên tàu...

Theo Đại tá Lê Xuân Thủy, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác: Đây là chuyến đi của những điều đặc biệt. Trước hết, đây là lần đầu tiên Hải quân nhân dân Việt Nam cử tàu hộ vệ tên lửa – một trong những loại tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam ra nước ngoài dự Lễ duyệt binh tàu Hải quân quốc tế, tàu 011–Đinh Tiên Hoàng có vinh dự trở thành tàu chiến đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam đi qua hai vùng biển lớn thuộc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

“Chuyến đi giúp tăng cường sự hiện diện và hoạt động của tàu chiến đấu hiện đại của Hải quân Việt Nam tại các vùng biển xa; nâng cao vị thế của Việt Nam nói chung, Hải quân Việt Nam nói riêng trước bạn bè quốc tế.

Chuyến đi góp phần củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với Singapore và Ấn Độ; là cơ hội để Hải quân Việt Nam học hỏi, giao lưu với Hải quân gần 50 quốc gia dự Lễ duyệt binh tàu Hải quân quốc tế tại Ấn Độ”, Đại tá lê Văn Thủy cho biết thêm.

Theo Trung tá Nguyễn Quang Huy, Thuyền trưởng tàu 011–Đinh Tiên Hoàng, việc tàu phải vượt gần 5 nghìn hải lý (khoảng 10.000km) trên biển trong nhiều ngày, lại chỉ đi duy nhất một tàu, qua nhiều vùng biển và vùng khí hậu khác nhau, từ Biển Đông qua eo biển Ma-lắc-ca để tới Ấn Độ Dương là một thách thức không nhỏ với cán bộ, chiến sĩ của tàu. Để đảm bảo an toàn về người, an toàn vũ khí trang bị kỹ thuật tàu, Trung tá Nguyễn Quang Huy cho công tác chuẩn bi đã được thực hiện một cách chu đáo.

Trước khi thực hiện chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử đến Ấn Độ và Singapore, hồi cuối năm 2014, hai chiến hạm lớn nhất của Hải quân Việt Nam là Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng cũng đã thực hiện chuyến thăm dài ngày đầu tiên đến 3 nước Đông Nam Á là Philippines, Indonesia và Brunei.

Chuyến thăm này đã được báo chí nước ngoài dành sự đặc biệt quan tâm. Báo Học giả ngoại giao có trụ sở tại Nhật Bản đã đăng tải bài phân tích của Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về quốc phòng, Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia đề cập nhận định của ông về một số động thái gần đây của quân đội Việt Nam trên khu vực Biển Đông.

Đặc biệt, Giáo sư Carl Thayer cho rằng việc 2 chiến hạm lớn nhất của Việt Nam thực hiện chuyến thăm có thể xem như là tín hiệu cho thấy Việt Nam thực sự đã quyết định đẩy mạnh chiến lược phòng thủ của mình.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast