Triều Tiên thử tên lửa “khủng” nhất từ 2017, Hàn Quốc họp khẩn cấp

Vật thể mà Triều Tiên phóng đi hôm nay được cho là tên lửa "khủng" nhất mà Bình Nhưỡng thử trong 4 năm qua, động thái khiến Mỹ và đồng minh Hàn Quốc quan ngại.

Triều Tiên thử tên lửa “khủng” nhất từ 2017, Hàn Quốc họp khẩn cấp

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 12/1 (Ảnh: Reuters).

Hội đồng Tổng tham mưu liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo, vụ thử vũ khí nghi là tên lửa diễn ra vào 7h52 sáng (giờ địa phương) từ tỉnh Jagang ra khu vực biển phía đông. Nếu đây là sự thật, đây là vụ thử tên lửa thứ 7 của Triều Tiên chỉ trong tháng 1/2022, tần suất nhiều một cách bất thường.

Ủy ban An ninh Quốc gia Hàn Quốc (NSC) sau đó đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp hiếm thấy. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người chủ trì họp, cho biết vụ thử hôm nay liên quan tới một tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) mà Triều Tiên chưa thử từ năm 2017 tới nay. Đây là tên lửa “khủng” nhất Bình Nhưỡng phóng trong 5 năm qua.

Ông Moon nhận định, với vụ phóng tên lửa, Triều Tiên có thể đang tiến một bước gần hơn tới việc chấm dứt lệnh tạm dừng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) do nước này tự áp dụng.

Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều nói rằng vật thể phóng đi hôm nay đã đạt được độ cao 2.000 km và bay trong 30 phút với khoảng cách 800 km.

IRBM thông thường có tầm bay từ 965 tới 5.632 km, trong khi ICBM có tầm bay vượt 5.362 km.

“Bất kể đó là IRBM hay ICBM, đây là một loại tên lửa chiến lược và rõ ràng là không giống với các cuộc thử nghiệm nào trước đó trong loạt thử nghiệm diễn ra trong tháng 1/2022 cho đến nay”, chuyên gia George William Herbert tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến nhận định.

Ông Moon lưu ý rằng, các vụ thử tên lửa trong tháng này gợi nhớ đến căng thẳng gia tăng vào năm 2017, khi Triều Tiên tiến hành nhiều vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa lớn nhất của họ, trong đó có một số tên lửa bay qua Nhật Bản.

Triều Tiên tháng này ám chỉ rằng họ có thể nối lại các hoạt động thử vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa vì cáo buộc Mỹ và đồng minh không có động thái nào thể hiện là sẽ từ bỏ chính sách thù địch với Bình Nhưỡng.

Sau vụ phóng vật thể bay hôm 30/1, Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ “lên án những hành động này và kêu gọi Triều Tiên ngừng các động thái gây gia tăng bất ổn”.

Hàn Quốc cáo buộc vụ phóng vi phạm các nghị quyết và gây ra thách thức đối với các nỗ lực hòa bình quốc tế, sử dụng ngôn từ mạnh mẽ hơn so với các cuộc thử nghiệm trước đó, khi họ thường nói rằng “rất lấy làm tiếc”.

Vụ phóng này nối dài vào danh sách các vụ thử vũ khí của Triều Tiên và tháng Một năm nay được xem là tháng “bận rộn” nhất của lực lượng tên lửa nước này từ trước tới nay, với tần suất dồn dập.

Chuyên gia Uk Yang từ Trung tâm Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia nhận định, vụ việc hôm nay tiếp tục được xem là bước lùi trong nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong nỗ lực tiến tới thỏa thuận hòa bình liên Triều.

“Rõ ràng là Triều Tiên đang gửi thông điệp rằng quan hệ giữa họ và Hàn Quốc sẽ cần phải bắt đầu lại từ con số 0”, ông Uk Yang phỏng đoán.

Theo Dân trí

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast