WHO lo ngại sau cái chết vì H5N1 của bé gái ở Campuchia

WHO cho biết các báo cáo ngày càng tăng về những trường hợp cúm gia cầm H5N1 ở người là "đáng lo ngại".

WHO lo ngại sau cái chết vì H5N1 của bé gái ở Campuchia

Một công nhân thu gọn xác con sếu chết sau đợt bùng phát cúm gia cầm tại thung lũng Hula, miền bắc Israel. Ảnh: Reuters

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang làm việc với chính quyền Campuchia ngày 24/2 sau khi phát hiện 2 người nhiễm cúm gia cầm H5N1 tại nước này. Trong đó, một bé gái 11 tuổi đã tử vong, bệnh nhân còn lại là cha của cô bé, theo Reuters.

“Cho đến nay, vẫn còn quá sớm để kết luận liệu H5N1 có lây truyền từ người sang người hay không”, bà Sylvie Briand, Giám đốc Cơ quan ứng phó với đại dịch của WHO, nói trong một cuộc họp báo trực tuyến.

WHO nhận định đây là tình huống “đáng lo ngại”. Các nhà điều tra đang làm việc để xác định xem 2 bệnh nhân của Campuchia và những người liên quan có tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm bệnh hay không.

Trước đó, nhiều con chim hoang dã được tìm thấy đã chết tại một hồ nước gần ngôi làng của nạn nhân.

Chính quyền Campuchia hôm 24/2 thông báo về cái chết của một bé gái 11 tuổi do H5N1. Cha của cô bé cũng có xét nghiệm dương tính với virus này. 12 người liên quan cũng được xét nghiệm.

Tiến sĩ Sylvie Briand, Giám đốc quản lý nguy cơ lây nhiễm toàn cầu tại WHO, nhận định cơ quan này đánh giá rủi ro từ H5N1 là nghiêm trọng.

Đáng chú ý, một chủng H5N1 mới, nhánh 2.3.4.4b, xuất hiện vào năm 2020 đã gây ra số ca tử vong kỷ lục ở các loài chim hoang dã và gia cầm nuôi trong những tháng gần đây. Chủng này cũng đã lây nhiễm sang động vật có vú, làm dấy lên mối lo ngại toàn cầu.

“Ngày càng có nhiều báo cáo về các trường hợp ở động vật có vú bao gồm cả con người”, bà Briand nói.

Theo WHO, thế giới đã có hơn 450 ca cúm gia cầm ở người kể từ năm 2003, tỷ lệ tử vong đối với người mắc bệnh H5N1 là trên 50%.

Trước đó, Gregorio Torres, người đứng đầu bộ phận khoa học của Tổ chức Thú y Thế giới có trụ sở tại Paris (Pháp), nói với Reuters rằng loại virus này đã thay đổi từ những đợt bùng phát trước đó thành một dạng có khả năng lây truyền cao hơn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cúm gia cầm là căn bệnh truyền nhiễm do virus (type A) ở gia cầm. Tuy nhiên, năm 1997, chủng H5N1 lây lan ở người lần đầu được phát hiện.

Sau đó, nhiều quốc gia cũng xác nhận các đợt bùng phát H5N1 nghiêm trọng như Hà Lan (năm 2003, chủng H7N7), Việt Nam và Thái Lan (năm 2004-2005, chủng H5N1).

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast