Chìm lắng hết ngàn đắng cay

Chẳng hiểu sao trong những bước chân chộn rộn của lần đầu tiên đến thăm mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngụ (xóm 3 – Bùi Xá – Đức Thọ) của tôi lại vang lên khúc hát: “Một sớm con về trên con đường đất/ nắng ôm lồng ngực, tre thở bên tai/con cười con nói, con hát nghêu ngao/ bước thấp bước cao bên bờ ruộng nhỏ/ mẹ già ta đó hái mướp bên rào/ mẹ già ta đó nắng mưa đã nhiều, tóc chiều đã xuống…”. Và quả thật khi chúng tôi tìm được đến nhà thì mẹ cũng đang chăm rau ở vườn dưới. Nghe tiếng khách lạ mẹ Ngụ lật đật chạy lên. 80 tuổi mẹ vẫn còn rất minh mẫn, nhanh nhẹn, ánh nhìn còn sáng…Trên gương mặt in dấu nhiều nỗi muộn phiền của mẹ giờ cũng đã ánh lên niềm lạc quan. Dường như những đớn đau, tủi hờn giờ đã như một dòng sông phẳng lặng trong lòng mẹ.

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ngụ
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ngụ

Mới lớn lên cô thôn nữ Nguyễn Thị Ngụ đã được gả chồng cho một anh bộ đội cùng làng. Thời chinh chiến vợ chồng chẳng gần gũi nhau được bao ngày, thế nên mẹ chỉ sinh được mỗi đứa con trai và đặt tên là Nguyễn Viết Hồng với hy vọng về một cuộc sống hạnh phúc. Thực sự, mẹ cũng đã có thời gian dài hạnh phúc khi đứa con trai của mẹ rất ngoan ngoãn lại học hành giỏi giang. Mẹ kể, với ước mơ được bay lượn trên bầu trời, năm học lớp 9 (hệ cũ) anh Hồng đã thi tuyển phi công trong quân đội để rồi sau đó dù thi đỗ mấy trường đại học vẫn quyết định theo nghề bộ đội và trở thành phi công của trung đoàn 929 – Sư đoàn 372 ở Đà Nẵng. Trong môi trường quân đội, anh Hồng tiếp tục khẳng định được trí tuệ, bản lĩnh, khả năng của mình nên được cấp trên và đồng đội quý mến. Dạo đó anh cũng đã bắt đầu nghĩ đến chuyện lứa đôi yên ấm báo hiếu với mẹ cha nhưng năm 1986 trong một chuyến công tác anh Hồng và đồng đội đã tử thương vì sơ suất trong khâu kỹ thuật. Mẹ Ngụ vừa kể vừa ngước nhìn tấm di ảnh của con trai trên ban thờ. Đứa con khôi ngô tuấn tú của mẹ, niềm mong đợi lớn nhất trong lòng mẹ đã bỏ mẹ mà đi. Ngày nhận được hung tin trái tim mẹ vụn vỡ. Tưởng như những cơn lũ lớn từ dòng La đang tràn vào cuộc đời mẹ. Nhà nước đã phong Liệt sỹ cho con trai mẹ, những người phụ trách kỹ thuật cho chuyến bay cũng đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng những điều đó cũng chẳng có nghĩa lý gì khi đứa con trai duy nhất đã rời bỏ nhân gian, rời bỏ những suy tính, ước mong, hy vọng của mẹ. Cũng từ đó mẹ bắt đầu những ngày cô quạnh.

Năm 1994, trong đợt xét tặng đầu tiên mẹ Ngụ đã được phong danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Điều đó đã động viên, an ủi phần nào nỗi đau đớn khôn nguôi trong lòng mẹ. Năm 1999, đơn vị cũng đã mang hài cốt liệt sỹ Nguyễn Viết Hồng về an táng tại quê nhà như mong mỏi của mẹ. Sự trở về đó cùng với việc ông Nguyễn Hiệp (chồng mẹ) nghỉ hưu khiến bà con chòm xóm mừng thầm cho mẹ vì dẫu sao cuối đời mẹ lại vẫn được ở bên chồng con. Nhưng sự đời trớ trêu thay khi nỗi đau trong lòng mẹ bớt nguôi ngoai thì nỗi sầu thương con trong lòng người cha lại bắt đầu. Ông Nguyễn Hiệp đã sớm lâm bạo bệnh và năm 2002 cũng từ bỏ vợ mà đi. Mẹ Ngụ một lần nữa chịu đựng nỗi đau “tử biệt”, tiếp tục lủi thủi một mình giữa yên vui xóm làng. Mẹ nói: “Nhìn mẹ mạnh khỏe ry chứ mẹ sống nhờ thuốc đó. Mọi nỗi đau của đời người mẹ đã trải, đắng cay giờ cũng đã chìm lắng trong muôn tầng sâu lòng mẹ, mẹ chỉ mong sống dài thêm để hương khói cho chồng cho con. Mong mỏi lớn nhất của mẹ bây giờ là được giúp đỡ sửa lại mái nhà để tuổi già được yên ổn trong mùa bão gió và khi mất đi thì được an táng cạnh con trai trong nghĩa trang của huyện”. Thiết nghĩ ngày trước được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa nhưng mẹ Ngụ không nhận thì giờ sửa lại mái nhà cho mẹ không phải là chuyện quá tầm tay của chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội.

Rời nhà mẹ VNAH Nguyễn Thị Ngụ trong hương cau thoang thoảng, trong lòng tôi không khỏi lưu luyến nghẹn ngào như đã thân quen với mẹ từ kiếp nào. Cầu mong cho mẹ thật khỏe mạnh, sống vui với hoa trái, xóm làng để ban thờ những người thương yêu của mẹ luôn ấm áp tình yêu thương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast