Hà Tĩnh hướng tới mục tiêu toàn dân phân loại xử lý rác tại hộ gia đình

(Baohatinh.vn) - Hội Nông dân Hà Tĩnh đang đặt mục tiêu đến năm 2023, 100% cán bộ cơ sở, chi hội và 80% gia đình hội viên tham gia tốt việc thu gom, phân loại xử lý rác thải và ủ phân vi sinh tại hộ gia đình, cụm dân cư.

Hà Tĩnh hướng tới mục tiêu toàn dân phân loại xử lý rác tại hộ gia đình

Hà Tĩnh vẫn còn khối lượng lớn rác thải hàng ngày chưa được thu gom, xử lý.

Hiện nay, Hà Tĩnh phát thải khoảng 736 tấn rác thải mỗi ngày. Mặc dù hầu hết các địa phương đã có hợp tác xã môi trường, nhưng theo thống kê, số lượng rác được thu gom hàng ngày mới chỉ khoảng 500 tấn, số còn lại nằm rải rác các thôn, xóm, khu dân cư.

Một số địa phương, khu dân cư vẫn còn tình trạng vứt rác tùy tiện, rác thu gom không qua phân loại trong khi các HTX môi trường chỉ hoạt động định kỳ theo tuần hoặc theo tháng nên một số điểm tập kết trở nên ô nhiễm, mất mỹ quan và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe chính người dân.

Hà Tĩnh hướng tới mục tiêu toàn dân phân loại xử lý rác tại hộ gia đình

Hà Tĩnh hiện có hơn 71 nghìn hộ dân thực hiện phân loại rác tại gia đình.

Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp đã thí điểm mô hình phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình cho thấy hiệu quả cao.

Số liệu từ Hội Nông dân Hà Tĩnh, đến nay, đã có hơn 1.000 buổi tuyên truyền đến tận người dân về thu gom, phân loại rác được phối hợp, lồng ghép tổ chức, qua đó giúp người dân nhận thức được tác hại của việc xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Kết quả có hơn 71 nghìn hộ dân thực hiện phân loại rác tại hộ và hơn 30 nghìn hộ đã được tập huấn sử dụng chế phẩm sinh học ủ phân hữu cơ tại nhà.

Đặc biệt, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 300 mô hình ủ phân vi sinh tập trung. Hầu hết các hộ dân thực hiện theo hỗ trợ hướng dẫn từ Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở.

Hà Tĩnh hướng tới mục tiêu toàn dân phân loại xử lý rác tại hộ gia đình

Gia đình chị Trần Thị Tâm xây dựng 2 hố rác, một hố để đốt rác vô cơ và một hố (phía sau) để chứa và sản xuất phân hữu cơ.

Ghi nhận tại hộ chị Chị Trần Thị Tâm (thôn 7 xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn), chúng tôi thấy gia đình xây dựng 2 hố rác, một hố vuông, rộng khoảng 70cm, cao 1m, được dùng để chứa và đốt các loại rác vô cơ như túi nilong, bao bì hỏng… Hố còn lại được xây to hơn để chứa các chất thải hữu cơ, đến khi đủ số lượng sẽ dùng men vi sinh ủ làm phân bón hữu cơ.

Chị Tâm chia sẻ, gia đình sản xuất hơn 1 mẫu đất nông nghiệp. Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, năm ngoái, gia đình ủ gần 3 tấn phân hữu cơ. Không những tiết kiệm được chi phí sản xuất nông nông nghiệp mà thực tế sản xuất cho thấy, phân hữu cơ còn tốt hơn phân bón vô cơ nhiều lần, vừa tốt cho cây trồng vừa giảm sâu bọ.

Hà Tĩnh hướng tới mục tiêu toàn dân phân loại xử lý rác tại hộ gia đình

Nhờ thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý rác thải nên môi trường thôn Đinh Hồ (Cẩm Lạc) rất sạch sẽ, trong lành.

Ông Đinh Việt Thắng - Chi Hội trưởng Nông dân thôn Đinh Hồ (xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên) chia sẻ, từ tháng 10 năm 2017, chi hội nông dân phối hợp cùng chi hội phụ nữ xây dựng các hố rác gia đình. Cứ phụ nữ thì trộn hồ, đàn ông xây gạch, cả thôn chia ra 3 tổ, triển khai trong 3 đợt. Kết quả, 100% hộ có hố rác gia đình, có lợp mái che, chi phí nguyên vật liệu chưa đến 300 nghìn đồng. Nhờ đó, rác thải vô cơ được người dân tự xử lý bằng cách đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, còn lại rác thải khó phân hủy được tập kết để HTX môi trường vận chuyển tới nhà máy xử lý rác.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Trần Trung Thành cho biết: "Ban Chấp hành hội đang hoàn chỉnh và chuẩn bị ban hành nghị quyết về tuyên truyền vận động hội viên tham gia thu gom, phân loại xử lý rác thải và kết hợp ủ phân vi sinh tại hộ gia đình, cụm dân cư đến năm 2023.

Theo đó, mục tiêu lớn nhất là nhằm tạo ra một lượng phân bón sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch và làm giảm bớt lượng rác thải chuyển đến khu tập kết, giảm kinh phí cho hoạt động thu gom, xử lý rác. Phấn đấu đến năm 2023 có 100% cán bộ cơ sở, chi hội và 80% gia đình hội viên tham gia tốt việc thu gom, phân loại xử lý rác thải và ủ phân vi sinh tại hộ gia đình, cụm dân cư.

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast