Phóng sự điều tra: Ngân hàng “ôm” nợ xấu hàng trăm tỷ đồng

(Baohatinh.vn) - Dự án Nhà máy liên hợp gang thép do Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư hứa hẹn góp phần tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho Hà Tĩnh trong tiến trình CNH - HĐH. Tuy nhiên, trái với mong đợi, ngoài việc nợ lương công nhân hơn 4 tỷ đồng, Công ty này đang nợ các ngân hàng 741 tỷ đồng. Việc trả những khoản nợ này đang nằm ngoài tầm với của các cổ đông khiến các ngân hàng đang như đang “ngồi trên đống lửa” khi ôm phải khoản nợ xấu hàng trăm tỷ đồng.

Nhà máy liên hợp gang thép được khởi công ngày 16/6/2007, với công suất 500 nghìn tấn/năm. Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh do Công ty TNHH Vạn Lợi và Công ty đầu tư và khoáng sản Hợp Thành làm cổ đông sáng lập chính với tổng mức đầu tư 1.764 tỷ đồng.

Dự án này được triển khai dự định sẽ cho ra mẻ gang đầu tiên vào cuối năm 2008 hứa hẹn cho một nền công nghiệp gang thép tại Hà Tĩnh. Mỗi năm cho nguồn thu là 5.000 tỷ đồng, Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh sẽ nộp ngân sách cho địa phương 250 tỷ, góp phần tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho Hà Tĩnh trong tiến trình CNH- HĐH.

 Phóng sự điều tra: Ngân hàng “ôm” nợ xấu hàng trăm tỷ đồng

Với khoản vay từ các ngân hàng lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng Nhà máy mới chỉ là những công trường dang dở

Trước tương lai xán lạn mà phía Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh vẽ ra, ngoài việc giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, Công ty này còn được các ngân hàng tại Hà Tĩnh và ngân hàng Bắc Hà Nội cho vay hàng trăm tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Riêng, Ngân hàng phát triển (VDB) Chi nhánh Hà Tĩnh, một ngân hàng Nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận đã cam kết cho vay đến 894 tỷ đồng với lãi suất 8,4%/năm (giai đoạn I cho vay 615 tỷ đồng, giai đoạn II 279 tỷ đồng). Đây là dự án sử dụng vốn tín dụng đồng tài trợ giữa các Ngân hàng lớn nhất từ trước đến nay tại Hà Tĩnh. Các Ngân hàng tham gia đồng tài trợ đã cam kết, thực hiện các thủ tục một cách nhanh chóng, chính xác và thuận lợi để xây dựng một dự án đầu tư tín dụng kiểu mẫu, mở đầu cho các dự án tín dụng lớn sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Nhà máy liên hợp gang thép tại Khu kinh tế Vũng Áng sau hơn 4 năm khởi công xây dựng chỉ là một công trường ngổn ngang. Không như mong đợi từ phía địa phương và những hứa hẹn của nhà đầu tư, đến nay phần lớn các hạng mục xây dựng trong cụm công nghệ chính đang còn dang dở. Lượng máy móc thiết bị đã được nhập khẩu đưa về nhà máy nhưng đến nay công tác lắp đặt thiết bị giai đoạn 1 chỉ mới đạt hơn 30%. Các công trình đã ngừng xây dựng từ giữa năm 2010 nên cây cỏ trong toàn khuôn viên nhà máy mọc um tùm, thiết bị quăng lăn lóc khắp nơi, nhà cửa bỏ hoang lâu ngày tạo nên một cảnh tượng hoang tàn. Theo phản ánh của một số công nhân, do không bảo quản một số tài sản, thiết bị máy móc đang bị hư hại, mất mát, thất thoát.

Nghiêm trọng hơn cả chính là khoản nợ xấu hàng trăm tỷ đồng từ các ngân hàng. Tổng số vốn vay dài hạn các ngân hàng đã giải ngân trong cả hai giai đoạn đến tháng 3/2011 là gần 741 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty này nợ Ngân hàng Phát triển Hà Tĩnh gần 610 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Hà Tĩnh gần 56 tỷ đồng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hà Tĩnh gần 52 tỷ đồng, Ngân hàng đầu tư và phát triển Bắc Hà Nội gần 21 tỷ đồng (số liệu đến tháng 3/2011). Theo lãnh đạo một số ngân hàng, sau khi giải ngân, do khó khăn về tài chính, phía Công ty đã không trả lãi và gốc theo đúng thời hạn, các ngân hàng đã nhanh chóng ngừng giải ngân các khoản còn lại. Thậm chí, BIDV Hà Tĩnh còn vào tận công ty để nhanh tay tịch thu một số tài sản để ‘‘vớt vát“” bù lỗ. Công ty này hiện đang trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, không có tiền để tiếp tục đầu tư cũng như trả lương cho công nhân.

 Phóng sự điều tra: Ngân hàng “ôm” nợ xấu hàng trăm tỷ đồng

Các thiết bị nhập về nằm no mưa no nắng đang dần hư hại

Điều mà dư luận quan tâm là, với tổng số vốn dự kiến đầu tư cho giai đoạn I là 876 tỷ đồng, nhưng đến nay công tác lắp đặt thiết bị giai đoạn I chỉ mới đạt hơn 30%, các hạng mục xây dựng còn dang dở. Ấy thế mà các ngân hàng đã “mạnh tay” cho nhà đầu tư vay đến 750 tỷ đồng! Con số quá lớn cho một dự án có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Rõ ràng, nhà đầu tư mới chỉ “rót” vào dự án này số tiền bằng vốn vay các ngân hàng trong tỉnh. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng, nhà đầu tư lập dự án đầu tư để rút ruột ngân hàng? Với các ngân hàng thương mại, đầu tư tín dụng, lỗ, lãi là chuyện thường tình trong kinh doanh. Nhưng VDB, một ngân hàng của Nhà nước để thực hiện các chính sách tín dụng của Nhà nước, với khoản rủi ro lớn này, ai sẽ chịu trách nhiệm(!?)

Ông Võ Tá Nam – Phó Giám đốc VDB Chi nhánh Hà Tĩnh thừa nhận: VDB hoạt động trên nguyên tắc không vì lợi nhuận nhưng phải bảo toàn vốn. Tuy nhiên, đến nay việc thu hồi số vốn đầu tư vào dự án này là hết sức khó khăn. Đã nhiều tháng nay, Công ty CP gang thép Hà Tĩnh đã không thanh toán lãi suất lẫn gốc theo kỳ hạn. Và, trong trường hợp xấu nhất, dự án phá sản, ngân hàng đành phải xử lý rủi ro theo chế tài của Nhà nước. Công ty CP gang thép Hà Tĩnh cũng đã nhiều lần đề nghị các ngân hàng tiếp tục cho vay, nhập lãi vay dài hạn vào nợ gốc; tiếp tục hoãn trả nợ gốc; nợ ngắn hạn chuyển thành nợ dài hạn. Tuy nhiên chủ đầu tư chưa chứng minh được nguồn vốn đối ứng và cam kết cho vay bổ sung của các tổ chức tín dụng khác nên mọi hoạt động đều phải dừng! Riêng Ngân hàng Vietcombank chưa chấp thuận cho vay vốn dài hạn giai đoạn II do vướng mắc về các khoản nợ lớn của các Công ty trong hệ thống Vạn Lợi.

Ông Nam cho biết thêm, hiện các cổ đông đang giao cho một người tên Thái làm Chủ tịch HĐQT, tuy nhiên, ông này thường xuyên vắng mặt tại công ty cũng như rất khó liên lạc. Trong khi đó, đặt vấn đề về khả năng thanh toán các khoản nợ ngân hàng, nợ lương công nhân, nợ BHXH, các ông Hoàng Văn Dũng – Giám đốc Công ty, ông Nguyễn Trọng Tân – Phó Giám đốc Công ty đều trả lời rằng, bản thân họ cũng là kẻ làm thuê và hiện cũng đang bị nợ lương nhiều tháng liền.

Kêu gọi đầu tư, tham gia đầu tư tín dụng và tạo điều kiện về vốn cho các doanh nghiệp là hết sức cần thiết, nhưng điều đó không có nghĩa là bỏ qua công đoạn thẩm định năng lực của nhà đầu tư, thiếu kiểm soát nguồn vốn. Đây có lẽ là bài học nhãn tiền cho các ngân hàng khi đầu tư vào các dự án với nguồn vốn khổng lồ.

Chủ đề Vụ án nhà máy thép Vạn Lợi

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast