Nơi chị em phụ nữ treo thưởng bằng tiền để "bắt" người vứt rác bừa bãi

(Baohatinh.vn) - Chung sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Hội LHPN xã Thạch Đỉnh, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã có nhiều cách làm hay để thực hiện tiêu chí môi trường. Song, vì những khó khăn khách quan khiến quá trình này không kém phần gian khó...

Con đường dẫn ra bãi tập kết rác của xã Thạch Đỉnh ở khá xa khu dân cư. Đã khá trưa nhưng một số hội viên phụ nữ vẫn tích cực thu dọn những túi rác do người dân vứt vương vãi xung quanh lò đốt.

Nơi chị em phụ nữ treo thưởng bằng tiền để “bắt” người vứt rác bừa bãi

Để góp phần thực hiện tiêu chí môi trường, hàng ngày, cán bộ hội phụ nữ thay phiên nhau thu gom, dọn dẹp rác thải

Chị Nguyễn Thị Long - Chi hội phụ nữ thôn Vĩnh Hòa cho biết: “Trước đây, con đường dẫn vào đây bị rác lấp kín, không có lối đi. Người dân sẵn đâu vứt đấy, rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp tràn ngập hai bên các tuyến đường trong xã. Mấy năm lại nay, Hội phụ nữ xã đảm nhận thực hiện tiêu chí môi trường, tích cực vận động người dân tập kết rác thải đúng nơi quy định nên môi trường đã trở nên xanh, sạch đẹp hơn so với trước”.

Tuy nhiên, do tập quán sinh hoạt lâu đời của người dân nơi đây, việc vệ sinh nhà cửa, vườn tạp chưa được chú trọng nên muốn thay đổi tư duy không phải là điều dễ dàng. Cán bộ phụ nữ là những người đã đi trước làm gương khi tiên phong cải tạo vườn nhà mình, thực hiện sạch ngõ, sạch đẹp thôn xóm.

Nơi chị em phụ nữ treo thưởng bằng tiền để “bắt” người vứt rác bừa bãi

Nhờ sự vận động tích cực của cán bộ phụ nữ, nhiều chị em đã dần thay đổi tư duy trong xây dựng vườn sạch, nhà đẹp

Thế nhưng, có nhiều người chống chế “ở nông thôn thì làm sao mà sạch được”. Những lúc như thế, cán bộ hội lại phải nhẹ nhàng, tâm tình cùng họ “không sạch được như thành phố nhưng nông thôn cũng phải có cái sạch đẹp của nông thôn”. Thậm chí, có lúc chị Lý phải “treo thưởng” bằng tiền mặt cho ai bắt được người vứt rác bừa bãi.

Chị Phan Thị Lý - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thạch Đỉnh chia sẻ: “Chúng tôi phải đến tận nhà vận động chị em một cách khéo léo, nhẹ nhàng. Có khi đi qua ngõ, thấy nhà chị em bừa bộn, mất vệ sinh, mình phải vào chơi thân tình, cầm cái chổi quét để chị em biết ý mà làm theo. Mưa dầm thấm lâu, dần dần chị em cũng bắt đầu hình thành ý thức giữ gìn môi trường sống”.

Nơi chị em phụ nữ treo thưởng bằng tiền để “bắt” người vứt rác bừa bãi

Cán bộ hội "gõ tận nhà" để tuyên truyền bà con cùng làm "5 không, 3 sạch"

Những nỗ lực của các cấp hội phụ nữ xã đang từng bước làm chuyển biến ý thức của phần lớn người dân, góp phần làm mới diện mạo của địa phương. Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan khiến các chị rơi vào cảnh “cái khó bó cái khôn”.

Khó khăn lớn nhất các chị gặp phải hiện nay là chưa có phương án xử lý khối lượng rác thu gom tập kết về bãi chứa rác tập trung. Đến nay, phương án thủ công vẫn là đốt vì địa phương chưa hợp tác với một đơn vị nào để tiếp nhận sau thu gom. Kinh phí hạn hẹp nên các chị muốn tính đến một phương án xử lý hiệu quả hơn cũng không hề dễ dàng.

Nơi chị em phụ nữ treo thưởng bằng tiền để “bắt” người vứt rác bừa bãi

Bãi chứa rác tập trung hiện đã quá tải nhưng địa phương chưa có phương án xử lý hiệu quả

Việc thu phí rác thải 10 nghìn đồng/hộ/tháng không phải ai cũng đồng thuận. Tiêu biểu như tại thôn Trường Xuân, vẫn còn hàng chục hộ không chịu nộp tiền và chưa hợp tác trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

“Họ đưa rác đổ thẳng ra bờ sông. Chi hội phụ nữ, thôn đã nhiều lần nhắc nhở trên loa truyền thanh nhưng họ vẫn tái phạm mà chưa có biện pháp xử lý triệt để”, chị Lê Thị Thu - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Trường Xuân cho biết.

Để tiêu chí môi trường không còn là tiêu chí khó ở Thạch Đỉnh, ngoài những nỗ lực của Hội LHPN xã, điều quan trọng nhất là ý thức, sự đồng lòng của mỗi người dân và một phương án xử lý rác thải hiệu quả từ phía chính quyền.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast