Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Đến nay, toàn huyện Cẩm Xuyên đã có gần 100 mô hình kinh tế thanh niên và hàng trăm thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng...

Những năm qua, cùng với việc vận động ĐVTN tích cực tham gia các phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, huyện Đoàn Cẩm Xuyên đã phát huy hiệu quả vai trò là người đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, xung kích phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, huyện Đoàn Cẩm Xuyên đã làm tốt công tác quản lý, phát triển nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội (Ngân hàng CSXH), tạo điều kiện cho ĐVTN vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Trước năm 2010, huyện Đoàn Cẩm Xuyên được Ngân hàng CSXH huyện ủy thác quản lý nguồn vốn ở 6 xã với 29 tổ tiết kiệm vay vốn, tổng dư nợ là 14,278 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số đó vẫn còn quá ít so với nhu cầu vay vốn của ĐVTN và nhân dân trong huyện. Từ năm 2010, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong công tác quản lý nguồn vốn ủy thác, huyện Đoàn Cẩm Xuyên đã nhận hợp đồng ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện quản lý nguồn vốn ở 26/27 xã, thị trấn trong huyện.

Hiện huyện Cẩm Xuyên có gần 100 mô hình kinh tế thanh niên được hỗ trợ nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH.

Hiện huyện Cẩm Xuyên có gần 100 mô hình kinh tế thanh niên được hỗ trợ nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH.

Bí thư huyện Đoàn Cẩm Xuyên Trần Quang Trung cho biết: việc tiếp nhận và quản lý nguồn vốn bước đầu gặp phải không ít khó khăn vì nhiều đơn vị lần đâu tiên được tiếp cận nguồn vốn, cán bộ Đoàn thường xuyên biến động, năng lực quản lý nguồn vốn còn nhiều hạn chế, công tác kiêm nhiệm ở cơ sở nhiều… Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của BTV huyện Đoàn, sự vào cuộc của các cấp bộ Đoàn, đặc biệt Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH đã tạo điều kiện. Huyện Đoàn Cẩm Xuyên đã tổ chức nhiều đợt tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ công tác quản lý nguồn vốn. Phối hợp, tổ chức tuyên truyền về mục đích và ý nghĩa của công tác quản lý nguồn vốn ủy thác từ Ngân hành CSXH huyện. Đồng thời thành lập tổ nghiệp vụ nên nguồn vốn do tổ chức Đoàn quản lý được tăng trưởng liên tục.

Từ tháng 3/2010 tổng dư nợ toàn huyện là 33,7 tỷ đồng, đến cuối năm 2010 là 40 tỷ đồng và đến tháng 7/2011 là 44,7 tỷ đồng với 82 tổ tiết kiểm vay vốn chiếm 16% trong tổng số 278 tỷ đồng của toàn tỉnh. Trong đó, cho vay chương trình học sinh sinh viên hơn 22 tỷ đồng; cho thanh niên vay giải quyết việc làm là 633,163 triệu đồng; cho vay hộ nghèo phát triển kinh tế hơn15,5 tỷ đồng; cho thanh niên vay xuất khẩu lao động hơn 300 triệu đồng; cho vay vùng khó khăn là 3,8 tỷ đồng…

Với sức trẻ, quyết không cam chịu đói nghèo, lạc hậu cộng với sự trợ giúp của tổ chức Đoàn từ nguồn vốn ủy thác, nhiều thanh thiếu niên đã vươn lên làm giàu chính đáng. Trong toàn huyện hiện nay có gần 100 mô hình kinh tế thanh niên được hỗ trợ nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH, nguồn vốn giải quyết việc làm các cấp hoạt động có hiệu quả. Nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên và không thường xuyên cho 5-10 lao động với thu nhập 2 triệu đồng/tháng.

Trong khi bạn bè cùng trang lứa rời quê đi làm cho các công ty, xí nghiệp thì anh Đinh Viết Dũng, thôn Yên Giang 1, xã Cẩm Yên lại quyết trí làm giầu từ mô hình trang trại tại quê hương. Nhận thấy muốn làm việc gì thành công thì phải có kiến thức, anh đã tham gia nhiều lớp tập huấn về phát triển kinh tế trang trại của huyện Đoàn tổ chức. Cùng với sự hỗ trợ nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH, Đinh Viết Dũng đã xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi cá, vịt.

Từ nguồn vốn ủy thác ĐV Đinh Viết Dũng (xã Cẩm Yên-Cẩm Xuyên) đã phát triển mô hình chăn nuôi cá, vịt một cách hiệu quả.

Từ nguồn vốn ủy thác ĐV Đinh Viết Dũng (xã Cẩm Yên-Cẩm Xuyên) đã phát triển mô hình chăn nuôi cá, vịt một cách hiệu quả.

Tính cách kiên trì, nhẫn nại, không chịu khuất phục trước những khó khăn trong làm kinh tế trang trại đã giúp Đinh Viết Dũng phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững. “Để nguồn vốn đến được với thanh niên nhiều hơn thì các cấp bộ Đoàn cần phải làm tốt công tác phối hợp với Ngân hàng CSXH trong việc thẩm định, giải ngân, đáp ứng được nhu cầu của ĐVTN. Ngoài ra, công tác theo dõi, quản lý, giám sát nguồn vốn…, phải được làm tốt, tránh tình trạng để nợ quá hạn và đặc biệt thường xuyên mở các lớp tập huấn, các hội thảo chuyên đề về vấn đề này là một yêu cầu không thể thiếu”, Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Từ việc chọn ra hướng đi đúng đắn trong tổ chức các hoạt động cho ĐVTN, cách triển khai quản lý hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH, huyện Đoàn Cẩm Xuyên đã tạo ra “chiếc cần câu” cho ĐVTN phát triển kinh tế, làm giầu cho bản thân, gia đình và xã hội; góp phần giảm tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm trong thanh niên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast