“Trả lại tên cho em”

50 năm ngày Báo Hà Tĩnh ra số báo đầu tiên, biết bao thế hệ những người làm báo đã sống, cống hiến cho tờ Báo Hà Tĩnh ngày càng có nhiều đổi mới, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh. Hơn 10 năm vào nghề, tự thấy rằng mình còn phải cố gằng nhiều, học hỏi nhiều ở thế hệ những người đi trước để có làm tròn vai trò, sứ mệnh của người làm báo Đảng địa phương. Dù chưa đóng góp được nhiều nhưng tôi cùng xin kể lại một câu chuyện nhỏ như là một lát cắt của sự nghiệp làm báo của riêng mình.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm Báo Hà Tĩnh ra số đầu tiên

Đầu năm 2004, tôi được mời dự cuộc họp hội ngộ của Đại đội chủ lực giao thông huyện Hương Khê. Từ những thông tin ban đầu về 1 lực lượng tham gia phục vụ chiến đấu nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách gì, tôi đã cố công lật lại các sự kiện, đi tìm những chứng nhân lịch sử để viết phóng sự “Quyết tử cho Địa Lợi quyết sinh”. Đây là bái báo đầu tiên, là “phát súng hiệu” cho hàng loạt các kênh thông tấn báo chí Trung ương và địa phương tiếp tục “khai hoả”, tìm quyền lợi và “danh phận” cho những con người một thời chiến đấu, hy sinh đã bị lãng quên. Và, nhờ có sự hỗ trợ của báo chí và nỗ lực của những người trong cuộc, Đại đội chủ lực giao thông Hương Khê năm xưa đã được “trả lại” tên gọi và 135 thanh niên xung phong của đơn vị này đã được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước sau hơn 35 năm thống nhất đất nước.

Các cựu TNXP thuộc đại đội chủ lực giao thông Hương Khê đã nhận được chế độ đãi ngộ của nhà nước.
Các cựu TNXP thuộc đại đội chủ lực giao thông Hương Khê đã nhận được chế độ đãi ngộ của nhà nước.

Khi viết bài “Quyết tử cho Địa Lợi quyết sinh” (đăng trên Báo Hà Tĩnh), tôi và Hoàng Sơn (Báo Nông thôn ngày nay) đã có nhiều ngày tìm gặp những nhân chứng, nghe kể lại câu chuyện chiến trường một thời của họ; chứng kiến những số phận lam lũ trong “mưa gió đời thường” của những cựu TNXP.

Một trong số những TNXP thuộc quân số của “Đại đội chủ lực giao thông Hương Khê” những năm chống Mỹ là ông Võ Xuân Tiêu hiện là Phó Ban liên lạc TNXP tại Hương Khê. Ông Tiêu nắm lấy tay tôi di đến chỗ xương đòn của ông. Ở đó có một cục như cái u nhỏ trong xương: “Mảnh bom đấy - ông nói – tui vẫn mang 2 mảnh trong người, một ở vai, một ở xương trụ quay”. Khi tôi hỏi tại sao không kê khai làm chế độ thương binh từ sớm, làm sao phải lận đận đến giờ, ông nói: “Cơ quan chức năng yêu cầu có giấy tờ bệnh án gốc, nhưng ngày ấy, chúng tôi thuộc đơn vị của tỉnh, hưởng mọi chi trả của Bộ Quốc phòng, giấy tờ ấy tôi đã nộp cho tỉnh ngay thời điểm điều trị để thanh toán chi phí. Những cái khác đã mất gần hết, chỉ còn lại bằng chứng nhận và một số giấy khen, nên không làm được. Hơn 150 người khác của đại đội cũng tương tự".

Các “nhân chứng” đã vậy, hồ sơ chứng minh cho sự tồn tại của Đại đội chủ lực giao thông Hương Khê cũng thất tán gần hết. Chúng tôi đã tìm gặp ông Phan Văn Đệ – nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện Hương Khê những năm 1967-1969 và Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện này trong những năm 1970-1973. Ông Đệ kể lại: Tuyến đường 15A, 15B, đường sắt Bắc Nam, đường sông Ngàn Sâu, đường ống dẫn xăng dầu vào chiến trường đều đi qua Hương Khê. Vì thế, nơi đây là một điểm địch đánh phá rất ác liệt. Để đảm bảo thông tuyến an toàn, UBND tỉnh Hà Tĩnh lúc đó đã cho phép thành lập Đại đội chủ lực đảm bảo giao thông trên địa bàn. Nhiệm vụ của đội là cơ động, bất kỳ trong tình huống nào cũng phải đảm bảo thông tuyến. Chính tôi là người đi tỉnh họp và nhận chủ trương này... Năm 1974, đơn vị giải thể. Một số người về đơn vị đường sông Nghệ Tĩnh, một số khác về địa phương và cho đến thời điểm chúng tôi tìm hiểu, họ vẫn chưa được hưởng chế độ gì. Ngay cả cái tên của Đại đội về sau cũng chưa được chính thức thừa nhận vì hồ sơ liên quan đến việc thành lập và quá trình hoạt động của đại đội đều thất lạc hết sau nhiều lần sơ tán cơ quan huyện trong chiến tranh và chuyện nhập rồi tách tỉnh Nghệ An- Hà Tĩnh sau này...

Hành trình tìm lại tên đại đội của các cựu TNXP này bắt đầu từ năm 2004. Ban liên lạc của Đại đội họp lại và lập tờ trình lên huyện Hương Khê và tỉnh Hà Tĩnh, xin được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao cho UBND huyện Hương Khê trực tiếp làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ TBXH), Sở Giao thông Vận tải căn cứ các quy định hiện hành và hồ sơ cụ thể để xem xét, giải quyết... Một Hội nghị liên tịch giữa 2 Sở và UBND huyện Hương Khê đã được tổ chức, nhưng mọi việc vẫn bế tắc vì theo các cơ quan trên, chưa có một văn bản hướng dẫn chính thức nào của Bộ LĐTBXH để giải quyết việc này. Theo lời kể của bác Lê Hải Đăng – Trưởng ban liên lạc thanh niên xung phong (TNXP) ở Hương Khê, sau khi Báo Hà Tĩnh, Báo Nông Thôn Ngày Nay đăng, một số báo, đài tiếp tục lên tiếng. Sự vào cuộc của các cơ quan báo chí đã có tác động xã hội: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh có công văn gửi Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đề nghị xem xét giải quyết... Đặc biệt, Thường trực Ban Bí thư đã yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có báo cáo về việc về việc giải quyết chính sách cho đại đội chủ lực giao thông Hương Khê.

Ông Võ Xuân Tiêu lục lại hồ sơ cá nhân những năm TNXP.
Ông Võ Xuân Tiêu lục lại hồ sơ cá nhân những năm TNXP.

Ngày 6/8/2009, Văn phòng Trung ương Đảng đã có công văn số 7757 gửi Bộ LĐTBXH và UBND tỉnh Hà Tĩnh, trong đó thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư (lúc đó là đồng chí Trương Tấn Sang) như sau: “Việc giải quyết chính sách người có công là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, cần được giải quyết thật tốt, và thời gian qua các cấp, các ngành đã giải quyết như vậy. Tuy nhiên trong thực tiễn vẫn còn 1 số trường hợp như công văn (của UBND tỉnh Hà Tĩnh) đã nêu, cần được nghiên cứu kỹ để có giải pháp giải quyết phù hợp. Đề nghị Bộ LĐTPXH, và UBND tỉnh Hà Tĩnh căn cứ tình hình thực tế có hướng giải quyết phù hợp. Nếu vượt quá thẩm quyền, thì báo cáo các cơ quan cấp trên xem xét giải quyết”.

Ý kiến chỉ đạo này đã trực tiếp tháo gỡ cho những khó khăn từ phía các cựu thanh niên xung phong và gỡ khó cho cả các cơ quan thực thi chính sách. Sau đó, bác Đăng và các đồng đội đã được làm hồ sơ, khám xác định tỷ lệ thương tật và hoàn thành các thủ tục để nhận các mức trợ cấp “như thương binh” (tùy theo tỷ lệ thương tật). Trong 2 năm 2010 và 2011, 135 người đã cơ bản thực hiện xong các thủ tục và bắt đầu được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng.

Bác Lê Hải Đăng báo tin vui: “Từ những bài báo đầu tiên của Thăng Long đăng trên Báo Hà Tĩnh, sau đó là bài báo của Hoàng Sơn đăng trên Báo Nông thôn ngày nay, truyền hình quân đội, truyền hình Việt Nam lên tiếng tác động vào các cơ quan chức năng, đến nay đã có 135 người đã được cho phép làm hồ sơ, khám thương tật và được hưởng chế độ “như thương binh”. Người ít nhất được hưởng 700.000 đồng/tháng, người cao nhất được 1.000.000 đồng/tháng. Nếu không có sự hỗ trợ của báo chí thì không có được kết quả này…”.

Kể từ 2006 đến nay, 4 người đồng đội khác của bác Đăng đã mất trong khi chờ đợi làm hồ sơ hưởng chế độ. Theo bác Đăng, hiện nay vẫn còn 36 người nữa của đại đội trong diện được hưởng chế độ, nhưng vướng mắc về người làm chứng (quy định yêu cầu có 2 người làm chứng, 1 cùng đơn vị, một sống cùng vùng) và một vài vướng mắc khác, nên họ vẫn chưa được hưởng chế độ như 135 đồng đội.

Tôi chợt nhớ lại lời nói của ông Nguyễn Đình Lý – nguyên Đại đội trưởng đại đội chủ lực giao thông Hương Khê nói với tôi vào 6 năm trước: “Thấy anh em sức khoẻ yếu do di chứng chiến tranh, tôi cũng thấy buồn lắm! Chúng tôi bây giờ phần lớn tuổi đã già, có hưởng chế độ cũng chẳng được bao lâu nữa, điều quan trọng nhất là sự ghi nhận để có thể tự hào về một thời cống hiến cho Tổ quốc...”.

Mong rằng, việc giải quyết chế độ cho 36 người còn lại cũng sẽ được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư như đã nêu trên, để những người có công không bị bó buộc bởi những quy định cứng nhắc, và họ sớm được giúp đỡ để hưởng ưu đãi của Nhà nước trước khi từ giã cõi đời.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast