Truyền thông và hiện tượng "ném đá ao bèo"

Truyền thông lên ngôi. Báo chí Cách mạng tiếp tục đồng hành và góp phần quan trọng trong cổ vũ cái mới, nêu gương điển hình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời lên tiếng đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

>Hệ lụy truyền thông

Bên cạnh những nhà báo chân chính phản ánh khá trung thực và khách quan các sự kiện chính trị và mọi mặt đời sống xã hội, góp phần vào sự nghiệp chung, vẫn còn những con sâu làm ảnh hưởng đến nồi canh ngọt. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vấn đề báo chí nêu không được các cơ quan, địa phương, đơn vị vào cuộc xử lý và phản hồi. Giới truyền thông gọi đây là hiện tượng “đá ném ao bèo” hoặc “dao chém nước”, hoặc tệ hơn là “… đoàn người cứ đi”…

Trao đổi với các chức sắc địa phương, đơn vị, có vị bảo: “Ôi giời, mình không ký cái hợp đồng quảng cáo, thế là sinh chuyện đây mà”. Hoặc: “Cái ông ấy nhân cách ra gì mà mình phải phản hồi”. Giải thích với các bác rằng: “Họ (Nhà báo) ra sao thì ra, cứ có việc phản ánh trên báo chí liên quan đến sai phạm trong cung cách chỉ đạo điều hành, liên quan đến công tác quản lý nhà nước là các bác cứ phải phản hồi theo Luật định”. Bác bảo: “Biết chứ, đi tập huấn rồi, biết rồi. Nhưng… ôi dào”(!?)

Có nguyên nhân bắt nguồn từ phương pháp tác nghiệp và năng lực phóng viên. Có những Nhà báo không đi đến nơi cần đến, viết theo tưởng tượng với ý đồ riêng, hoặc cố tình cắt xén để nhằm làm sai lạc sự thật, bản chất vốn có. Điều này làm mất niềm tin ở cơ sở, dẫn đến thái độ cực đoan là sự bất hợp tác của cơ sở, theo kiểu “không chấp”. Điều đó cho thấy một điều, bên cạnh những giải pháp về quản lý đội ngũ cán bộ phóng viên của cơ quan báo chí, cần không ngừng nâng cao năng lực đội ngũ làm nghề báo, ngoài sự nhạy bén còn đòi hỏi ý thức và cách xử sự nhân văn.

Đặt vấn đề về phản hồi thông tin báo chí, có vị chức sắc cấp huyện lại bảo: “Ôi, làm sao xem hết các báo mà phản hồi hả đồng chí. Thôi, có lẽ cũng chẳng cần đâu nhỉ. Ở đây còn bao việc phải làm”.

Quả là có những việc nhỏ thật, cấp phường, xã chỉ biết và xử lý là xong. Khổ nổi, lãnh đạo xã, phường không biết nên đến khi thông tin lên báo, có thể chưa đọc nhưng nghe tin rằng “xã nhà lên báo rồi kìa”. Lúc này, mới cuống cuồng tìm đọc, mới biết, mới xuống, mới xử lý. Xử lý xong rồi, vì việc nhỏ, nên báo cũng ‘lờ đi” không đưa tin việc báo phản ánh đã được xử lý xong. Dần dần như thế, “hai bên” thiếu tin tưởng lẫn nhau, nên cứ thấy nhà báo xuống là trốn. Hoặc, tệ hơn: “Kệ họ, phản hồi làm gì, sinh chuyện, được vạ má sưng”.

Lại có hiện tượng, Nhà báo nhận được đơn thư khiếu nại của người dân, chưa tìm hiểu thông tin nhiều chiều, cứ thế tương lên báo. Lên báo rồi, cơ quan, địa phương, đơn vị phản hồi rằng báo viết như thế là chưa đúng, thiếu thông tin, thiếu khách quan. Thế nhưng báo không cải chính theo Luật định mà tương thêm một bài, kiểu “viết tiếp bài ấy” với những: “Nói lại….”, “Ý kiến người trong cuộc”, hoặc “Sự thật về….”, hoặc “Ông nói chằng, bà nói chuộc”… rất thiếu kinh nghiệm và thiếu trách nhiệm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cơ sở người ta không “mặn mà” với báo chí, dẫn đến tình trạng “im lặng” trước thông tin báo chí nêu.

Có vị lãnh đạo sở, ngành lại bảo: “Cần chi phản hồi chú, mình làm đúng, sợ gì”. Bảo với đồng chí là: “Nếu thế, theo như trên báo nêu thế, bác không phản hồi, người ta cứ nghĩ là cơ quan, đơn vị mình làm sai lè”. Bác bảo: “Kệ!”. Cái “kệ” của bác này cũng hết sức thiếu kinh nghiệm và thiếu trách nhiệm.

Giữa thời đại bùng nổ thông tin, nhiều cơ sở vẫn còn tồn tại tình trạng “ém” thông tin. Cứ ngây thơ, hồn nhiên “giấu” thông tin theo kiểu: “những chuyện như thế đưa lên báo mà làm gì”, hoặc “không cần thiết phải lên báo”. Nhiều vị chức sắc vì chuyện này, chuyện kia, có khi là vì cái lợi ích chung, vì phong trào, khi có Phóng viên đặt vấn đề về vụ này, việc nọ lại bảo: “Đưa lên làm gì, ảnh hưởng phong trào chung”, hoặc “cái này huyện (xã) đang quyết tâm xử lý, khoan vội đưa lên báo chí”. Việc này, dẫn đến tình trạng để các Nhà báo thiếu thông tin. Do thiếu thông tin nên Nhà báo cứ việc suy diễn theo chiều hướng có lợi cho bài viết, hoặc cố tình gây sốc, câu khách. Đến lúc này, hàng huyện, hàng xã, cơ quan, đơn vị mới bổ ngửa, rằng: “Làm gì có chuyện đó, không phải như vậy”.

Vậy thì tốt nhất, nên chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Sai, cứ nói là sai. Sai để mà sửa. Thế còn tốt hơn là đã sai lại còn giấu. Minh bạch trong thông tin sẽ dẫn đến minh bạch trong tất cả các vấn đề khác.

Nói như vậy để thấy rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “Đá ném ao bèo” là từ hai phía, từ hiểu sai, từ cố chấp, từ nhận thức. Và, cuối cùng là: vi phạm pháp luật, trong trường hợp này là vi phạm Luật báo chí.

Ngẫm xem!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast