Xã nhỏ hơn thôn
Chấp nhận quên đi tên gọi xã mình để quen với tên gọi xã mới là chuyện không dễ chịu, nhưng người dân đã biết bỏ qua để nghĩ đến quy mô xã mới lớn hơn, vì mục tiêu lâu dài. Trong diện buộc phải sáp nhập năm 2019, trên địa bàn tỉnh có những xã chỉ hơn: 1.200 dân (Đức Vĩnh, Đức Thọ), 1.400 dân (Đức La, Đức Thọ), 1.500 người (Sơn Tân, Hương Sơn), 1.650 dân (Đức Châu, Đức Thọ), 1.900 dân (Nam Hương, Thạch Hà) và rất nhiều xã từ 2.000 – 2.500 dân.
Việc sáp nhập xã là đòi hỏi tất yếu do quy mô nhiều xã quá nhỏ
Rõ ràng, chỉ nhìn quy mô dân số, việc để tách riêng 1 đơn vị hành chính như lâu nay quả là bất cập vì nhiều thôn trên địa bàn tỉnh đã đạt trên 1.600 dân (như thôn Bắc Lạc, Thạch Lạc, Thạch Hà). Điều đáng nói, ở những "xã nhỏ" này vẫn nghiễm nhiên có 1 bộ máy hành chính từ 21-23 cán bộ, công chức.
Tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định (địa hình khá bằng phẳng, tương đương với nhiều huyện trong tỉnh ta; đơn vị kết nghĩa với huyện Can Lộc), theo bà Lê Thị Thu Hà – Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy: “Xã nhỏ nhất là Phước Nghĩa có gần 6.000 dân, xã lớn nhất có 24.000 dân. Xã lớn nhất 10 thôn, xã nhỏ nhất 3 thôn. Đa số thôn đều có dân số từ 4.000-5.000 dân”.
Nếu so sánh về khối lượng công việc, rõ ràng xã có quy mô nhỏ sẽ không vất vả bằng xã có quy mô lớn. Tuy nhiên, mức hưởng lương, phụ cấp của cán bộ, công chức vẫn cơ bản như nhau (chỉ trừ một số xã khác nhau về loại hình xã loại 1, loại 2). Chẳng những so với ngoài tỉnh, trong tỉnh, một số xã, riêng quy mô dân số đã gấp nhiều lần xã trong diện sáp nhập đợt này như Kỳ Khang, Kỳ Phù của huyện Kỳ Anh (đều trên 10.000 dân).
Người dân thôn Tân Định, xã Đức Yên (Đức Thọ) đến nhà văn hóa thôn điền vào phiếu lấy ý kiến về sáp nhập xã (Ảnh: Nam Thắng)
Thực tế này đã được người dân “nhìn thẳng, nói thẳng”: “Sáp nhập xã là quá đúng, vì xã quá nhỏ, tách riêng không phù hợp vì phải mất một bộ máy. Đức Tùng sẽ sáp nhập với Đức Châu, quy mô chỉ khoảng gần 3.400 dân” (ông Đào Hồng Minh - thôn Văn Khang, Đức Tùng).
Sáp nhập để “bắt kịp” trình độ quản lý
Tùy từng giai đoạn lịch sử, việc chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính phải dựa vào trình độ quản lý. Trong giai đoạn hiện nay, trình độ quản lý đã được nâng cao, nhất là ứng dụng CNTT trong quản lý chung và giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân, vậy nên sẽ không khó khăn khi dân số xã mới tăng gấp 2, 3 lần xã cũ.
Đáng nói, khác trước, đa phần các lĩnh vực quản lý chung hiện nay đều được tích hợp trong các phần mềm như: quản lý đất đai, hộ khẩu, hộ tịch, hộ nghèo - hộ cận nghèo, bảo hiểm y tế, thu chi ngân sách… do đó, việc theo dõi biến động, đưa ra các giải pháp phát sinh trong quá trình quản lý cũng tiện ích, nhanh chóng.
Ngoài ra, thông tin phục vụ quản lý từ huyện đến xã và chiều ngược lại nay cũng dễ dàng, chủ yếu qua gửi nhận văn bản điện tử và ứng dụng mạng xã hội… nên khi phát sinh công việc tại xã do dân số tăng cũng không tạo ra các bước cản trở.
Với trình độ quản lý như hiện nay, việc sáp nhập 2 - 3 xã có quy mô nhỏ thành một xã mới lớn hơn sẽ không gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý
Cũng từ trình độ quản lý này, việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trở nên nhanh hơn. Dù rằng, hiện tại, người dân vẫn chủ yếu phải đến trực tiếp tại xã giao dịch hồ sơ, rất ít loại hồ sơ người dân ở nhà giao dịch, tuy nhiên quãng đường đi thuận tiện.
“Nơi xa nhất của xã Yên Lộc đến trụ sở mới của xã sau khi thành lập, nếu đặt tại Cầu Nhe là 3km nên không có gì khó khăn” – Trưởng Công an xã Yên Lộc (Can Lộc) Đặng Văn Thắng cho hay. “Mỗi xã mỗi địa hình khác nhau nhưng nếu tính bình quân, nơi xa nhất của xã cũ về trụ sở xã mới ở Đức Thọ chỉ dao động từ 3 – 3,5km” – ông Nguyễn Tiến Thắng, Chánh Văn phòng Cấp ủy – chính quyền huyện Đức Thọ.
Chưa so sánh với hàng chục năm trước đây khi thành lập “xã nhỏ”, chỉ tính từ thời điểm ngay trước khi xây dựng NTM (2010), việc đi lại của người dân hết sức khó khăn do đường sá lầy lội, phương tiện thô sơ (chủ yếu người dân đi bằng xe đạp), nhiều nơi chưa có điện thoại di động… thì nay, gần 100% đường thôn xóm đã bê tông hóa, liên lạc đã rất thuận tiện, ít tốn kém về thời gian.
Để tạo sự đồng bộ về hạ tầng khi sáp nhập với Thạch Đỉnh, người dân xã Thạch Bàn (Thạch Hà) đang tập trung hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM
Từ thiết thực trước mắt và lâu dài, người dân không chỉ đồng thuận mà nhiều người còn phấn khởi khi có thêm “anh em” về một nhà, có cơ hội đầu tư phát triển đồng bộ, giảm ngân sách chi trả cho bộ máy.
Ông Nguyễn Viết Nhự, bố của ông Nguyễn Viết Lĩnh - Bí thư Đảng ủy xã Nam Hương (Thạch Hà), đơn vị sáp nhập với Thạch Điền, đã làm bài thơ Nhập xã với câu thơ mở đầu: “Rất vui nhập với Thạch Điền” và các câu sau: “Ở đời chị trước em sau/ Chủ trương nhập xã cùng nhau kết đoàn”. Đặc biệt, ông Nhự kêu gọi: “Giờ này ta phải thi đua/ Tinh thần xã mới không thua xã nào/ Mọi người đồng chí đồng bào/ Quyết tâm xây dựng phong trào tiến lên”.
Vì mục tiêu chung, đặc biệt là khi lòng dân đã thuận, cấp ủy các cấp đang tin tưởng sẽ có thật nhiều “tinh thần chung” như bố con Bí thư Đảng ủy xã Nam Hương Nguyễn Viết Lĩnh để những khó khăn trước mắt sẽ gỡ thật êm, vì sự phát triển chung kinh tế - xã hội của “xã mới” và của tỉnh.