Gia đình bà Lê Thị Sanh đã tiến hành phân loại, xử lý rác thải từ nhiều năm nay.
Là một trong những hộ đầu tiên triển khai xây dựng hố phân loại, xử lý rác thải hộ gia đình, tới nay đã gần 6 năm, gia đình ông Lê Xuân Ngần và bà Lê Thị Sanh (thôn Quyết Thắng) hình thành thói quen và gắn bó với lối sống “xanh”.
Dưới sự vận động, hướng dẫn của cán bộ hội phụ nữ, từ năm 2016 tới nay, rác thải sinh hoạt của gia đình ông bà đều được phân thành 2 loại vô cơ và hữu cơ. Rác vô cơ sẽ được thu gom cẩn thận để đưa đến điểm tập kết. Trong khi rác hữu cơ được cho vào hố xử lý, sử dụng chế phẩm sinh học để tạo phân vi sinh bón cho cây trồng.
Rác hữu cơ được thu gom tại vườn gia đình bà Sanh, ông Ngần để xử lý, bổ sung dưỡng chất cho đất.
Bà Sanh cho biết: “Sau một thời gian áp dụng mô hình, nhận thấy phân vi sinh thu được từ hố ủ rác hữu cơ bón cho cây rất tốt, gia đình chúng tôi đã trực tiếp đào các hố lớn trong vườn để thu gom rác thải hữu cơ. Sau đó, sử dụng chế phẩm sinh học và lấp hố lại như một cách để cung cấp thêm dưỡng chất cho đất vườn, giữ đất tơi xốp. Nhờ vậy mà vườn cây luôn xanh tốt, sạch sẽ”.
Ông Võ Văn Hiệu ủ phân hữu cơ tại hỗ phân loại, xử lý rác thải của gia đình.
Với khu vườn rộng 1.500 m2 của mình, gia đình ông Võ Văn Hiệu và bà Trần Thị Châu (thôn Quyết Tâm) thấy rõ hiệu quả của mô hình hố phân loại, xử lý rác thải. Bằng cách tái chế rác thành phân vi sinh, các loại rau, củ, cây ăn quả của gia đình phát triển tốt, cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm…
Gia đình ông Hiệu thu được khoảng 50kg phân vi sinh mỗi tháng để chăm sóc khu vườn.
Ông Hiệu chia sẻ: “Được hội phụ nữ xã hướng dẫn, gia đình tôi đã xây dựng và áp dụng mô hình hố phân loại, xử lý rác thải từ năm 2021. Tới nay, mô hình đang phát huy hiệu quả tích cực. Trung bình, mỗi tháng tôi ủ được khoảng 50 kg phân bón hữu cơ, vừa có hiệu quả cao lại giúp tiết kiệm được kinh phí mua các loại phân bón khác”.
Theo bà Nguyễn Thị Thơ - Chủ tịch Hội LHPN xã Cẩm Trung, mô hình hố phân loại, xử lý rác thải hộ gia đình được hội phụ nữ xã vận động, thí điểm vào năm 2016 với khoảng 10 hộ/thôn. Nhận thấy hiệu quả, mô hình dần được nhân rộng, đặc biệt, vào khoảng thời gian toàn xã tập trung xây dựng NTM, NTM nâng cao.
Tới nay, tỷ lệ phân loại rác thải trên địa bàn xã đạt 100%; khoảng 80% hộ đã xây dựng hố phân loại, xử lý rác thải (ngoại trừ một số hộ không có diện tích hoặc có thể xử lý tại vườn không cần xây dựng hố xử lý).
Chủ tịch Hội LHPN xã Cẩm Trung Nguyễn Thị Thơ hướng dẫn người dân phân loại rác thải và sử dụng chế phẩm sinh học.
“Giai đoạn đầu áp dụng mô hình, cán bộ phụ nữ phải thường xuyên bám sát, tích cực vận động, tuyên truyền, tới từng gia đình để hướng dẫn các bước xử lý. Từ đó giúp người dân dần hình thành, duy trì được thói quen và lan tỏa hiệu quả mô hình đến những người xung quanh”, bà Nguyễn Thị Thơ thông tin thêm.
Điểm thu gom rác tập trung được xây dựng tại các thôn trên địa bàn xã.
Ngoài ra, với sự hỗ trợ của UBND xã và nguồn xã hội hóa, toàn xã đã xây dựng được 6 điểm xử lý rác thải tập trung trên địa bàn 6 thôn và 1 điểm tại khu vực chợ dân sinh; xây dựng các điểm thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu và các loại rác thải nguy hại khác…
Theo đó, mỗi tháng 3 lần, người dân sẽ đưa các loại rác thải vô cơ, rác thải rắn tập kết tại điểm xử lý rác tập trung. Việc tập kết được thực hiện với sự kiểm tra, quản lý của chi hội phụ nữ và thôn trưởng nhằm đảm bảo phân loại rác đúng quy định. Rác thải tại điểm tập trung sẽ được HTX môi trường vận chuyển đi ngay trong ngày hôm sau.
Người dân xã Cẩm Trung tập kết rác thải tái chế tại “Ngôi nhà xanh”.
Góp phần nâng cao ý thức, Hội Phụ nữ xã Cẩm Trung cũng đã xây dựng 6 mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom phế liệu gây quỹ và được bà con ủng hộ. Ngôi nhà xanh được đặt tại các nhà văn hóa thôn và là nơi thu gom loại rác thải tái chế như: chai nhựa, vỏ lon, bìa giấy… Nguồn kinh phí thu từ việc bán phế liệu được chi hội phụ nữ sử dụng để tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, mua thẻ bảo hiểm, mô hình sinh kế, các phần quà cho hội viên, người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Sự sáng tạo, tâm huyết của hội phụ nữ, sự đồng hành, vào cuộc của chính quyền địa phương đã góp phần giúp người dân nâng cao ý thức, duy trì phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, hình thành lối sống “xanh”, mang lại nhiều lợi ích trong cuộc sống và bảo vệ môi trường.