Nhà văn hóa tổ dân phố 7 cùng 10 nhà văn hóa tổ dân phố khác của thị trấn Thạch Hà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Thống kê của Sở VH-TT&DL cho thấy, toàn tỉnh hiện 1.793 nhà văn hóa thôn, trong đó 1.561 nhà văn hóa đạt chuẩn. Vậy nhưng, nghịch lý ở chỗ, hàng trăm nhà văn hóa đạt chuẩn song đất nhà văn hóa vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận.
Đơn cử, tại Thạch Tân (Thạch Hà), dù 12 nhà văn hóa thôn đã hoàn thành từ lâu (trong đó có những thôn tên gọi khá đẹp như: Văn Minh, Tiến Bộ), xã đạt chuẩn NTM khá sớm, tuy nhiên, diện tích đất nhà văn hóa lại chưa được cấp giấy chứng nhận.
Sự chậm trễ của các cấp chính quyền trong thủ tục pháp lý này đã dẫn đến một số hệ lụy phát sinh. Thanh Lộc (Can Lộc) dù đạt chuẩn nông thôn mới từ lâu nhưng công năng “nhà văn hóa” thôn Thanh Mỹ vẫn chưa rõ ràng.
Cụ thể, ngôi nhà chung do cộng đồng dân cư xây tại khu vực giao đất làm nhà văn hóa nay được sử dụng làm nhà học giáo lý công giáo. Tìm hiểu ra mới hay, nơi đây đất đã quy hoạch, song chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay, xã và thôn đang đề nghị giao đất xây dựng nhà văn hóa ra vị trí mới.
Tương tự, do nhập nhằng về cấp đất nên tại thôn Ban Long (Quang Lộc, Can Lộc), việc cộng đồng xây dựng nhà văn hóa gắn với nơi học giáo lý cũng để lại những khó xử nhất định.
Dù nhà văn hóa thôn Đồng Liên (Thạch Đồng, TP Hà Tĩnh) đã được xây dựng khang trang nhưng khuôn viên 1000m2 nơi đây vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Theo ông Trần Đình Việt – Trưởng phòng TN&MT huyện Can Lộc: “Trên địa bàn huyện có 2 vị trí trước đây đã giao đất nhà văn hóa, trong quá trình xây dựng, thôn xây dựng nhà văn hóa gắn với nhà học giáo lý (thôn Ban Long, xã Quang Lộc; thôn Thanh Mỹ, xã Thanh Lộc). Hiện nay xã, thôn đề nghị giao đất xây dựng nhà văn hóa ra vị trí mới, tuy nhiên quá trình kiểm tra vị trí mới chưa nằm trong quy hoạch đất ở nhà văn hóa, vị trí mới không phù hợp nên chưa xem xét để giao đất mà chỉ lập quy hoạch điều chỉnh giao đất tại vị trí liền kề”.
Theo số liệu từ phòng TN&MT huyện Can Lộc, toàn huyện hiện có 82 nhà văn hóa thôn được cấp giấy chứng nhận đất; 112 nhà văn hóa chưa được cấp. Trong đó, một số xã chưa được cấp đất nhà văn hóa nào như: Thanh Lộc 11 thôn, Thuần Thiện 10 thôn, Nga Lộc 9 thôn…
Tại Thạch Hà, dù những năm qua thủ tục này được thực hiện quyết liệt nhưng một số đơn vị vẫn chưa có giấy chứng nhận đất nhà văn hóa nào. Thị trấn Thạch Hà có 11 tổ dân phố, Thạch Tân có 12 thôn, Thạch Ngọc có 8 thôn… đều rơi vào tình trạng này.
Hầu hết, số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhà văn hóa được thực hiện trong giai đoạn gần đây, gắn với xây dựng nông thôn mới (Trong ảnh: Nhà văn hóa thôn Đồng Giang, Thạch Khê, Thạch Hà)
Ngoài những nơi có yếu tố tranh chấp, hầu hết việc chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đất nhà văn hóa là do chính quyền cơ sở chủ quan. Trưởng phòng TN&MT huyện Cẩm Xuyên Trần Viết Chiến trao đổi: “Hiện tại, một số xã ở Cẩm Xuyên đã đạt chuẩn nông thôn mới thì đất nhà văn hóa được cấp giấy chứng nhận, còn lại nhiều xã làm ì ạch. Một số xã như Cẩm Hà, Cẩm Thịnh, Cẩm Lộc… nhà văn hóa hầu như chưa cấp đất. Hầu hết do các xã chủ quan”.
Tại Cẩm Hà (Cẩm Xuyên), theo Bí thư Đảng ủy xã Trương Ngọc Thuyết: “Về quy hoạch, 8 thôn đều đã có nhà văn hóa, một số thôn tiêu chí nhà văn hóa đã đạt cơ bản tuy nhiên đều chưa được cấp giấy chứng nhận QSD đất. Trong số này có thôn đang phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà văn hóa”.
Đưa nhà văn hóa thôn vào sử dụng, song lại chấp nhận diện tích đất chưa được cấp giấy là thực trạng cần được giải quyết. Theo Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh): Sở đã đi khảo sát nhiều lần nên làm văn bản đề nghị các đơn vị quan tâm cấp giấy chứng nhận nhà văn hóa nhằm đảm bảo quy định pháp luật, đồng thời là cơ sở để bảo vệ cơ sở vật chất văn hóa đã được xây dựng, tránh các trường hợp tranh chấp, xâm lấn khuôn viên. Khoảng từ năm 2017, 2018, việc quan trọng này mới được các địa phương để tâm, còn trước đó, hầu như ít để ý...