Nguyên mẫu SD-05 của SkyDrive . Ảnh: SkyDrive. |
The Japan Times cho biết nhà sản xuất ôtô bay SkyDrive đã nhận đơn đặt hàng từ người dùng tư nhân đầu tiên. Sản phẩm được mở bán là mẫu SD-05, có hai chỗ ngồi, với giá 1,5 triệu USD. Người đặt mua là ông Kotaro Chiba, một phi công được cấp phép bay tại Nhật Bản. Ông cũng là người đang sở hữu một chiếc máy bay cá nhân của hãng HondaJet.
“Tôi là chủ sở hữu đầu tiên của SkyDrive SD-05. Bầu trời Nhật Bản sẽ mở rộng với xe bay”, ông Chiba đăng tải bài viết trên Twitter. Thực tế, phi công nói trên cũng là một trong những nhà đầu tư vào công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực hàng không cá nhân.
Ông đảm nhận vị trí sáng lập và quản lý đối tác tại quỹ đầu tư mạo hiểm, vốn tập trung vào mảng máy bay không người lái.
Mẫu SD-05 tại phòng thử nghiệm của cơ quan hàng không Nhật Bản. Ảnh: SkyDrive.
SkyDrive trước đó chỉ nhắm đến đối tượng khách hàng doanh nghiệp. Công ty này mới mở bán cho người dùng cá nhân từ tuần trước. Theo kế hoạch sản xuất, chiếc xe bay đầu tiên của hãng sẽ xuất xưởng vào năm 2025. Mức chi phí 1,5 triệu USD nói trên không bao gồm phần bảo trì và vận hành.
Ông Tomohiro Fukuzawa, Giám đốc SkyDrive, cho biết họ nhận được nhiều đề nghị từ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. “Chúng tôi sẽ phát triển máy bay tự động hoàn toàn trong tương lai. Điều này thúc đẩy hiện thực hóa viễn cảnh mọi người lái xe bay để di chuyển hàng ngày”, ông Fukuzawa nói.
Các lãnh đạo mảng ôtô Nhật Bản cho rằng xe bay là tương lai của ngành công nghiệp lâu đời tại nước này. Mẫu SkyDrive SD-05 sử dụng động cơ điện cùng cơ cấu cất cánh thẳng đứng như trực thăng. Điều này giúp hạn chế được vấn đề tắc nghẽn ở sân bay.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang soạn thảo thêm quy định cho ôtô bay. Hội đồng của Bộ Giao thông Vận Tải nước này vừa công bố bản báo cáo tạm về quy định lắp đặt thiết bị theo dõi, giấy phép phi công bắt buộc khi vận hành xe bay. Thiết bị này được kỳ vọng sẽ thương mại hóa vào 2025.
Bên cạnh xe điện, mảng ôtô bay được dự báo sẽ bùng nổ trong vài năm tới. Công ty khởi nghiệp teTra Aviation, có trụ sở tại Tokyo, đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm không người lái ngoài trời và có phi công trong nhà. Hãng phụ tùng ôtô Denso hợp tác cùng Honeywell International, phát triển các bộ phận của xe bay.
Nhiều quốc gia ở phương Tây cũng tham gia vào lĩnh vực này. Volocopter của Đức và Công ty Hàng không Vũ trụ Anh đều cố gắng thương mại hóa phương tiện này trong tương lai gần. Trước đó, mẫu AirCar của Klein Vision đã được Cơ quan Giao thông Slovakia cấp giấy phép.