Đại diện Viện thiết kế công cụ KBP, nơi phát triển tổ hợp Afganit, cho biết, phiên bản nâng cấp mới của APS Afganit sẽ có khả năng đánh chặn được các dòng đạn chống tăng sơ tốc cao, trong đó có đạn pháo chống tăng dưới cỡ sử dụng thanh xuyên làm từ hợp kim Uranium nén (APDS).
APDS là dòng đạn chống tăng được trang bị phổ biến trên các dòng xe tăng Mỹ và phương Tây nhờ hiệu quả tác chiến cao và khó bị ngăn chặn. APDS lần đầu tiên được Quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Vùng Vịnh lần 1. Dòng đạn chống tăng này đặc biệt hiệu quả khi đối phó với các dòng xe tăng phổ biến được sản xuất dưới thời Liên Xô như T-55, T-62 và T-72. Tuy nhiên, do được chế tạo từ nguyên tố phóng xạ, đạn chống tăng Sabot hay APDS khi sử dụng có thể gây nhiễm xạ ra môi trường.
Xe tăng T-14 Armata với tổ hợp vũ khí phòng thủ Afganit. Ảnh: RIAN
Hình ảnh mô phỏng hoạt động của tổ hợp Afganit. Ảnh: TASS
Theo Viện thiết kế công cụ KBP, để có đủ khả năng ngăn chặn đạn APDS, tổ hợp Afganit được nâng cấp hệ thống đạn đánh chặn và máy tính trung tâm. APS này hoạt động dựa trên kết hợp tín hiệu từ hệ thống ra-đa mảng định pha chủ động và các cảm biến hồng ngoại lắp đặt trên xe tăng T-14 để phát hiện các loại đạn chống tăng bắn tới. Sau khi tính toán phần tử bắn, Afganit sẽ phóng các đạn đánh chặn sử dụng cơ cấu nổ lõm để vô hiệu hóa mục tiêu trước khi nó kịp tấn công xe tăng.
Hiện tại, APS Afganit là trang bị tiêu chuẩn trên xe tăng T-14 và xe chiến đấu hộ vệ tăng T-15. Trong tương lai, tổ hợp vũ khí phòng thủ này có thể được trang bị trên nhiều dòng xe chiến đấu khác của Nga.