Theo trang Defence-blog, Việt Nam vừa được tiếp nhận lô xe tăng chiến đấu T-90S thứ 2 từ Nga. Những chiếc tăng này được nhà sản xuất vận chuyển bằng đường thủy và đã cập cảng Chùa Vẽ - Hải Phòng hôm 21/2.
Tuy nhiên, nguồn tin này không cho biết trong đợt tiếp nhận thứ 2, Nga đã chuyển bao nhiêu chiếc T-90 cho Việt Nam.
Hình ảnh lô tăng T-90 thứ 2 về Việt Nam được tờ Defence-blog đăng tải. |
Được biết, những ngày cuối năm 2018, những hình ảnh đầu tiên về các xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK mà Việt Nam đặt hàng từ Nga khi xuống tàu vận tải để ghi dấu xích lên dải đất hình chữ S đã xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông. Lô hàng T-90 đầu tiên được xác định bao gồm khoảng 30 chiếc, tức là tương đương một nửa hợp đồng.
Ngay khi thông tin lô tiếp theo T-90 về việt Nam, sự kiện này đã được truyền thông quốc tế đặc biệt quan tâm. Theo tạp chí National Interest (NI), trong khi thế giới xe tăng đang ngày càng tràn ngập những mẫu xe đắt đỏ, thì xe tăng T-90S của Nga xuất khẩu cho Việt Nam lại cố gắng thể hiện sự khiêm tốn về giá thành nhưng và lại tăng cường tính hiệu quả khi tác chiến.
Báo Mỹ cho biết, hồi cuối năm 2018, Việt Nam đã nhận được hơn 30 chiếc T-90S và T-90SK – lô hàng đầu tiên trong số 64 xe tăng được đặt hàng trong năm 2016.
Trong thập kỷ vừa qua, T-90S đã trở thành một trong những sản phẩm bán chạy nhất trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí, dòng xe tăng này được một loạt các nước như Ấn Độ, Azerbaijan, Turkmenistan, Algeria, Việt Nam và các nước khác đặt mua.
Đặc biệt, bất chấp vụ bê bối ngoại giao với Washington, Iraq thậm chí đã đồng ý mua hàng chục chiếc xe tăng T-90S để thay thế cho dòng xe M1 Abrams do Mỹ sản xuất có giá thành đắt đỏ hơn nhiều.
Báo Mỹ cho biết thêm, mặc dù không có vũ khí nào luôn luôn có thể duy trì vị thế, tuy nhiên nhờ thiết kế hợp lý, T-90S đã chứng tỏ tính ổn định đáng kinh ngạc trên thị trường vũ khí toàn cầu.
Cùng với báo Mỹ, tạp chí IHS Jane"s của Anh cũng có nhận định tương tự và khẳng định rằng, cùng với sức mạnh hỏa lực tuyệt vời, xe tăng T-90 Nga bán cho Việt Nam xứng đáng là dòng tăng tốt nhất thế giới bởi chúng có hệ thống giáp, hệ thống phòng vệ cực hiệu quả có thể vô hiệu đòn đánh từ tên lửa chống tăng.
Cùng với truyền thông phương Tây, các chuyên gia Nga cũng cho rằng, cấu hình của T-90 Việt Nam được đánh giá là gần như tương tự với T-90A đang phục vụ trong Quân đội Nga, tức là ngoài thiết bị phòng vệ thì nó còn được trang bị cả hệ thống tấn công cực mạnh, trong đó nổi bật là hệ thống lập trình đạn Ainet.
Nhiệm vụ của xe tăng chiến đấu chủ lực trên chiến trường chủ yếu vẫn là yểm trợ hỏa lực cho bộ binh chứ không phải là đấu tăng với đối phương, để thực hiện tốt chức năng này nó cần được trang bị khả năng sát thương sinh lực địch một cách mạnh nhất.
Trong quá trình sử dụng đạn nổ phá mảnh với pháo tăng để sát thương bộ binh, các kỹ sư Liên Xô nhận thấy hiệu quả tiêu diệt mục tiêu của đạn là khá thấp khi bắn trong tầm nhìn với đường đạn phẳng.
Cụ thể, đầu đạn 3OF-26 của pháo D-81 125 mm có tỷ lệ nảy khi chạm đất là 20%, viên đạn sau khi nảy lên sẽ kích nổ cách vị trí ngắm 100 m, tức là bị trượt mục tiêu rất xa và không còn hiệu quả, do vậy cần có một biện pháp khắc phục vấn đề trên.
Giải pháp được đưa ra cho vấn đề này là phát triển một phương pháp kích nổ đạn trên không, kết quả là hệ thống Ainet đã ra đời và cho hiệu quả tiêu diệt sinh lực địch gấp 4 tới 13 lần so với đạn 3OF-26 thông thường.
Nhờ máy đo xa laser và cài đặt chế độ nổ, viên đạn pháo sẽ nổ trên cao ở cự ly tối ưu sao cho mảnh đạn chụp xuống đầu bộ binh đối phương để gây sát thương cao nhất, hạn chế toàn bộ nhược điểm của đạn bắn thẳng kiểu cũ.
Phương thức này rất hiệu quả để tiêu diệt sinh lực địch trong chiến hào hay thậm chí là trực thăng bay thấp.