Hợp đồng lao động là cơ sở pháp lý để giải quyết khi xảy ra tranh chấp lao động
Tháng 7/2017, tại Công ty CP 474 (TP Hà Tĩnh) xảy ra vụ đình công của công nhân lao động do nhiều công nhân không được trả lương, thanh toán BHYT trong một thời gian dài. Xảy ra vụ việc này là do hợp đồng lao động giữa chủ sử dụng và người lao động có những điểm chưa rõ ràng, gây tranh chấp.
Thời điểm dó, do áp lực từ phía công nhân và dư luận, lãnh đạo công ty có đưa ra phương án giải quyết tạm thời. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn tiếp tục vi phạm hợp đồng lao động với công nhân.
Anh Nguyễn Phúc Hà (công nhân Công ty CP 474) bức xúc: “Công ty vẫn còn nợ tôi 2 tháng lương, BHYT cũng không được thanh toán. Không chỉ tôi mà nhiều anh em khác cùng chung cảnh ngộ như vậy. Mặc dù đã gửi đơn kiến nghị đến nhiều nơi nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa được giải quyết.”
Việc doanh nghiệp vi phạm các điều khoản trong hợp đồng dẫn đến tranh chấp như trên không hiếm gặp. Còn về phía người lao động, khi đến xin việc tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không quan tâm đến việc ký kết hợp đồng, hoặc nếu có ký thì ký ngắn hạn với điều khoản quy định quyền và nghĩa vụ của hai bên trong hợp đồng không rõ ràng.
Người lao động phần lớn chỉ quan tâm đến thu nhập họ được hưởng chứ chưa chú ý đến các nội dung, điều khoản ký kết trong hợp đồng.
Công ty TNHH Lâm sản Lam Hồng (Hồng Lĩnh) có hơn 60 công nhân chính thức và thời vụ nhưng chỉ 7 người trong số đó được ký hợp đồng dài hạn và đóng nộp BHYT, số còn lại chỉ ký hợp đồng ngắn hạn. Dù đã làm việc lâu năm tại công ty nhưng chị Nguyễn Thị Hương vẫn chỉ được ký hợp đồng 1 tháng/ lần và không đóng bảo hiểm.
Chị Hương cho biết: “Công ty không ký hợp đồng dài hạn mà chỉ ký hợp đồng ngắn hạn, hơn nữa chúng tôi cũng làm thời vụ nên không quan tâm lắm đến các nội dung, điều khoản trong hợp đồng”.
Đoàn cán bộ Liên đoàn lao động Đức Thọ tuyên truyền pháp luậtt cho công nhân Công ty TNHH Gạch Tuynel Đức Thọ
Thực tế là nhiều doanh nghiệp tuyển lao động với số lượng lớn nhưng chỉ rất ít trong số đó được ký hợp đồng, số còn lại đưa vào danh sách hợp đồng ngắn hạn nhằm “lách luật” để không phải đóng nộp bảo hiểm cho người lao động và thực hiện các nghĩa vụ liên quan.
Ông Ngô Đình Vân - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Thực trạng đó diễn ra hầu hết các địa phương trong tỉnh, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, giao thông… Chủ sử dụng lao động cố tình vi phạm đã đành, nhưng bản thân người lao động cũng chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của hợp đồng lao động nên không ký hoặc nếu ký cũng không rõ ràng. Do đó, khi tranh chấp lao động xảy ra, dù người lao động có kiến nghị thì chúng tôi cũng rất khó can thiệp và phần thiệt vẫn thuộc về người lao động.”
Từ thực trạng trên cho thấy, để việc ký kết hợp đồng lao động được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, rất cần trách nhiệm từ phía doanh nghiệp. Cùng với đó, công đoàn các cấp, các ban ngành liên quan phải tăng cường công tác tuyên truyền đến chủ sử dụng lao động và người lao động để nâng cao nhận thức nhằm đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ chính đáng của đôi bên.