Xin chữ

Anh vốn chúa ghét cái trò đi xin chữ. Nó kiểu cách, màu mè. Những thứ kiểu cách, màu mè mà vô nghĩa vốn dĩ không nên tồn tại trong thời đại này.

Nếu cứ viết điều gì lên giấy rồi treo lên mà nó thành sự thật thì đã làm gì có bất công, tù đày, đói nghèo, đau khổ... trên cuộc đời này. Chỉ có duy nhất một cách để sở nguyện đạt thành, ấy là sự cơ chí. Anh giữ một niềm tin son sắt vào điều ấy.

Xin chữ ảnh 1

Minh họa: Kim Duẩn

Sáng mồng 3 tết, cha mẹ anh bảo anh đi xin chữ về treo. Mẹ anh bảo: Cứ đi xin chữ xem mày có bị làm sao không nào? Cha anh nói thêm: Cả năm cho mày tùy ý rồi, tết nhất mày nghe mẹ mày một câu đi cho bà ý vui. Mẹ anh cự: Mình tôi vui à? Ông chẳng bảo phải giữ gìn văn hóa truyền thống là gì? Cha anh cũng không kém: Văn hóa là văn hóa, xin chữ là xin chữ chứ! Truyền thống phải là cái gì từ gốc rễ, phải lắng sâu, phải bền lâu. Chứ cả một đám đông dồn đến một khoảnh sân xếp hàng ấy nó chỉ là cái trào lưu, là cái chóp bé xíu của văn hóa thôi! Mẹ anh đập bàn: Ông bảo tôi là không có văn hóa đấy phỏng?

Ấy thế là chuyện bé sắp xé ra to. Anh thừa biết hai cụ có phải là không cùng quan điểm đâu, chẳng qua người này nói người kia không đáp không được. Thôi thôi, để con đi là được chứ gì? Anh hắng giọng. Thế xin chữ gì nào? Chữ gì cũng được. Hai cụ thôi cãi cọ, hài lòng ra mặt.

Điểm xin chữ đúng là đông thật. Người ta bày la liệt giấy đỏ, giấy vàng, một dãy các cụ áo the khăn xếp ngồi đạo mạo, bên cạnh mỗi cụ một em áo dài hồng đào đứng mài mực. Chữ thì xin nhưng giấy thì phải mua. Giấy dó đỏ năm mươi ngàn, giấy thếp vàng in long vân hai trăm ngàn đồng.

Người ta chuộng truyền thống, xếp hàng dài dặc ở quầy giấy đỏ. Anh ngại xếp hàng, muốn cho nhanh, trời se se mà cái sân thì nóng hừng hực những hơi người. Anh lấy một tấm giấy vàng có sẵn kẹp với móc treo, đi dọc dãy các ông đồ, tấp đại vào hàng vắng nhất.

“Ông đồ” còn trẻ, dễ khi còn là sinh viên, trông lãng tử với mái tóc dài hơi xoăn và chòm râu dê buộc túm. Hỏi: Viết Hán hay viết Nôm thế em? Đáp: Viết chữ Việt anh ạ, chữ quốc ngữ ấy! À ừ, chữ quốc ngữ, thế kỷ mới rồi. Hỏi lại: Anh xin chữ gì ạ? Lại hỏi lại: Cậu bảo anh lấy chữ gì? À thì người ta hay xin chữ “Tâm”. Cái gì? Tâm gì? Tâm nào? Có chính tâm cũng có tà tâm, có tâm người cũng có tâm ma. Thôi, không có tâm gì hết!

Dạ người ta cũng hay xin chữ “Nhẫn”. Nhẫn à? Nhẫn là nhịn, xin về treo ở đâu. Treo ở nhà thì bảo sao người nhà cũng phải nhẫn với nhau, liệu cơm gắp mắm chưa đủ hay sao mà còn phải nhịn? Treo ở cơ quan thì bảo làm sao mà phải nhẫn! Sếp có gì các cậu không vừa lòng à? Cẩn thận đấy. Thế cũng dở. Thôi dẹp, không có nhẫn nhịn gì hết! Hỏi: Thế anh xin chữ gì bây giờ ạ?

“Trực”. Anh buột miệng. Trực, phải rồi, trực! Trực nghĩa là thẳng, là không cong, không uốn, không giấu giếm. Trực diện, trực ngôn, chính trực, cương trực. Đời bây giờ thiếu nhất là cái chữ ấy đấy. Cậu viết cho anh chữ “Trực”. Viết đàng hoàng vào.

Ông đồ ngỡ ngàng, rồi từ ngỡ ngàng chuyển sang trầm ngâm, trầm ngâm hết thì hiểu, từ hiểu mà tâm đắc lắm. Mài mực em ơi! Ông đồ vỗ lên chân cô áo dài bên cạnh. Mực đen, mà mắt ông đồ sáng hơn đèn. Ông đồ thảo chữ. Vút! Vút! Bút lia trên mặt giấy vàng. Đây, anh xem! Trực!

Đẹp, đẹp thật! Ấn tượng đấy! Nhất là cái chữ T này. Nét sổ đâm thẳng dứt khoát, nét ngang chắc gọn. Như một thanh gươm, như một cây thánh giá. Đúng rồi, đây là thanh gươm của sự thật, của đức chính trực, anh sẽ mang thanh gươm này đi chém phăng hết những giả dối, lọc lừa ở chốn anh vẫn ra vào hằng ngày. Nó sẽ là cây thánh giá xua đi những man trá, gian hiểm rình rập những kẻ cơ chí.

Chỉ có thẳng mà thôi, chỉ là sự thật mà thôi! Anh thấy như có ngọn lửa nhuệ khí bốc lên ngùn ngụt trong lòng. Anh cao hứng rút một phong bao hai trăm ngàn đồng đưa cho ông đồ. Này, biếu thầy. Cái này là tạ cái tâm, cái tài của thầy! Ấy chết, ông đồ đưa mắt cho cô áo dài, cô áo dài làm một cử chỉ đá mi rồi khẽ nghiêng đầu với anh. Anh đặt phong bao xuống mặt bàn, cô áo dài khẽ khàng kéo một tờ giấy đỏ chèn lên. Ông đồ và anh bắt tay nhau, cộng hưởng niềm tâm đắc.

Đang cơn hứng khởi, anh phi xe một mạch đến cơ quan. Anh phải treo ngay chữ này lên phòng làm việc, không thể trễ được. Trên tường văn phòng anh chỉ có độc một cây đinh, cây này hiện đang treo cuốn lịch của ngân hàng trên tổng tặng. Lịch của ngân hàng, in đầy những tiền, tiền ta, tiền Tây, tiền Tàu, tiền Thái. Vớ vẩn cả, tiền là thứ phù phiếm. Anh mạnh bạo giật cuốn lịch xuống, móc cuộn giấy chữ lên. Thanh gươm chân lý giương lên oai dũng.

À, cậu đi xin chữ về đấy à? Anh quay lại. Ôi chết, thủ trưởng đến lúc nào em không biết. Có gì đâu! Đầu năm, tớ đi chúc tết anh em bảo vệ. Dạ vâng, đầu năm em chúc thủ trưởng... Ừ, tớ cũng chúc cậu... Mà này, chữ này cậu xin về là... là... Dạ, trực, chữ trực ạ! À, thủ trưởng gật gù, trực tức là gì ấy nhỉ? Dạ thưa anh, trực là túc trực, là thường trực đấy ạ.

Em xin chữ này về là để tự nhắc mình, rồi nhắc anh em cấp dưới lúc nào cũng phải tỉnh táo, bám sát tình hình thực tế, không lơi là nhiệm sở, như thế thì công việc mới hanh thông, kết quả mới tốt. Ngành mình mà anh, không sát là không được, phải trực!

Thủ trưởng cười ha hả. Hay! Ý này hay! Tớ biểu dương tinh thần của cậu. Này, đầu năm... Thủ trưởng rút ví, nhấm ngón tay cái đếm hai tờ bạc năm trăm ngàn, mừng tuổi cậu, năm nay cố gắng tiếp, nhỉ? Thủ trưởng vỗ vai anh, quay ra vẫn cười ha hả.

Truyện ngắn 1.201 chữ củaNhật Phi

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Ươm mầm dân ca ví, giặm

Ươm mầm dân ca ví, giặm

Phát huy vai trò là những hạt nhân trong bảo tồn, gìn giữ di sản, nhiều nghệ nhân trên địa bàn Hà Tĩnh đã tình nguyện tham gia, mở các lớp học miễn phí để truyền dạy dân ca cho các em học sinh.
Podcast bút ký: Làng thợ bạc Nam Trị

Podcast bút ký: Làng thợ bạc Nam Trị

Nâng chén trà miệng bít bạc của các nghệ nhân Nam Trị, tôi lâng lâng nghĩ về quá khứ, nghĩ đến tương lai của cái nghề vàng, nghề bạc. Cái nghề mà ông cha đã một thời đeo đuổi!
Podcast truyện ngắn: Chiếc xe đạp

Podcast truyện ngắn: Chiếc xe đạp

Mỗi người sinh ra đều có một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai. Bởi vậy, hãy luôn cùng nhau cố gắng trong mọi hoàn cảnh, để mỗi ngày cảm nhận cuộc sống tươi đẹp hơn.
Podcast truyện ngắn: Lênh đênh đời thúng

Podcast truyện ngắn: Lênh đênh đời thúng

Một già, một trẻ, nương tựa vào nhau mà sống. Bên nhau qua từng mùa biển động. Ngoại không còn đủ sức để vươn ra xa bờ, chỉ còn trông cậy vào chiếc thúng chòng chành...
Podcast tản văn: Rộn ràng tiếng vỗ cánh chim non

Podcast tản văn: Rộn ràng tiếng vỗ cánh chim non

Mùa hè mang theo bao điều kỳ diệu trong khu vườn nhỏ của tuổi thơ. Nếu quan sát kỹ ta sẽ thấy sự biến chuyển của muôn loài, và sẽ thấy khu vườn tuổi thơ không chỉ có cây xanh và hoa trái, mà còn là nơi chắp cánh cho những ước mơ đầu đời được bay xa.
Đưa dân ca ví, giặm “chạm” đến thế hệ Alpha

Đưa dân ca ví, giặm “chạm” đến thế hệ Alpha

Không còn là những lời ru xưa vang vọng trong ký ức, những lớp học dân ca của CLB Dân ca ví, giặm trẻ Hà Tĩnh đã được “làm mới” và trở thành sân chơi sáng tạo, giúp các em nhỏ thêm tự tin, gắn kết và yêu văn hóa truyền thống.
Podcast truyện ngắn: Ngày em đẹp nhất

Podcast truyện ngắn: Ngày em đẹp nhất

Từ mái ấm cô nhi viện đến lễ đường nơi Xóm Cồn, hành trình của Tuấn và Duyên là minh chứng cho một tình yêu đủ sâu để vượt qua nghịch cảnh, dù chỉ trong khoảnh khắc cuối cùng...
Podcast: Nơi neo giữ mái ấm gia đình

Podcast: Nơi neo giữ mái ấm gia đình

Mỗi người đều có một nơi để trở về, một ký ức để gìn giữ. Và, với nhiều người, đó chính là hình ảnh ngôi nhà xưa với những yêu thương đong đầy trong từng khoảnh khắc đời thường.
10 món bánh mì kẹp thịt ngon nhất thế giới

10 món bánh mì kẹp thịt ngon nhất thế giới

Bánh mì Việt Nam, sandwich kẹp thịt nguội Tây Ban Nha, bánh mì kẹp thịt cùng sốt ớt đỏ Mexico là những loại bánh kẹp được thực khách và chuyên gia ẩm thực xếp hạng ngon nhất thế giới.