Tượng đài Xô viết ở thị trấn Nghèn đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân ta làm nên một cao trào cách mạng rộng lớn, có ý nghĩa lịch sử, đó là Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930 – 1931, trên phạm vi hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Mở đầu của cao trào là cuộc đấu tranh biểu tình của công nhân Bến Thuỷ (Vinh). Gần 100 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân Nghệ - Tĩnh từ ngày 1/5 đến tháng 8/1930 là “đêm trước" của Xô viết Nghệ - Tĩnh. Chỉ trong một thời gian ngắn, cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh đã nhanh chóng lan rộng đến các huyện ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung kỳ và Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, Nhân dân Can Lộc và các huyện trong tỉnh như: Đức Thọ, Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… đã vùng lên đấu tranh chống lại sự áp bức bóc lột hà khắc của chế độ thực dân, phong kiến.
Nền huyện đường ở thị trấn Nghèn - nơi vào ngày 7/9/1930, hơn 1.000 nông dân mang cờ đỏ búa liềm đấu tranh chiếm huyện đường, thả tù chính trị.
Tại Can Lộc, sau khi Đảng bộ huyện được thành lập vào tháng 4/1930, dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ, từ tháng 5/1930 đến tháng 9/1930, trên địa bàn huyện đã nổ ra 40 cuộc biểu tình quy mô cấp huyện và liên xã, hàng trăm cuộc biểu tình, mít tinh quy mô xã, thôn.
Đặc biệt là cuộc biểu tình vào ngày 7/9/1930, có hơn 1.000 nông dân ở 5 tổng: Phù Lưu, Nội Ngoại, Đoài, Nga Khê và Lai Thạch tham gia, mang cờ đỏ búa liềm, hô vang khẩu hiệu, rầm rộ từ các ngả đường kéo về huyện lỵ chất vấn tri huyện chậm trễ trong việc trả lời các yêu sách của cuộc biểu tình ngày 1/8/1930. Trước áp lực của quần chúng nhân dân, Tri huyện Trần Mạnh Đàn cùng nha lại khiếp sợ theo cổng hậu chạy trốn, để ngỏ công đường cho đoàn biểu tình.
Khu đô thị Nghèn hôm nay. Ảnh Thanh Hải
Nhân dân Can Lộc tiếp tục tổ chức nhiều cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh vào ngày 22/12/1930, hàng ngàn người biểu tình đã kéo về huyện lỵ Nghèn để phản đối chính quyền thực dân. Chúng đã đàn áp dã man xả súng vào đoàn biểu tình tay không, làm hàng trăm người thương vong, trong đó có 42 người đã anh dũng hy sinh ngay trên mảnh đất ngã ba Nghèn lịch sử.
Không nao núng trước kẻ thù, cuối năm 1930, hầu khắp các địa phương trong toàn huyện sôi sục khí thế đấu tranh, làm tê liệt và tan rã bộ máy thống trị của bọn thực dân, phong kiến. Nhân dân Can Lộc đã lập 73 “Làng Xô viết” trong tổng số 170 làng Xô viết trong toàn tỉnh. Làng Xô viết Đỉnh Lự ở tổng Phù Lưu (nay thuộc xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà) là làng Xô viết đầu tiên của huyện Can Lộc và tỉnh Hà Tĩnh.
Hướng tới kỷ niệm 90 năm Xô viết Nghệ - Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2020), Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp tổ chức chương trình Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Xô viết Nghệ - Tĩnh: sức mạnh quần chúng làm nên lịch sử” .
Để uy hiếp và ngăn cản phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta, thực dân Pháp và phong kiến tay sai đã đàn áp phong trào bằng chiến dịch “Khủng bố trắng”, dìm các “Làng đỏ” trong bể máu, gây tổn thất về nhiều mặt. Lịch sử dân tộc sẽ mãi mãi khắc ghi những tấm gương nghĩa liệt của đồng chí, đồng bào. Trong đó tiêu biểu là sự hy sinh oanh liệt của các đồng chí Trần Hữu Thiều - Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đầu tiên, đồng chí Võ Quê, Hồ Ngọc Tàng, Hoàng Lạc, Trần Mẹo, Trần Xu, Nguyễn Nhơn, Nguyễn Hữu, Phạm Thị Dung…
Mặc dù kẻ thù đàn áp đẫm máu, nhưng chúng không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nhân dân ta. Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nói chung, huyện Can Lộc nói riêng kiên cường bám trụ, duy trì và giữ phong trào, chống địch “khủng bố trắng” bảo vệ thành quả của cao trào Xô viết; tiếp tục lãnh đạo Nhân dân đấu tranh đánh đổ chính quyền thuộc địa nửa phong kiến ở các địa phương, hướng tới giành độc lập, tự do.
Bí thư Huyện ủy Can Lộc (Hà Tĩnh) Nguyễn Như Dũng tham luận tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Xô viết Nghệ - Tĩnh: sức mạnh quần chúng làm nên lịch sử” (6/9/2020)
Phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh là khúc tráng ca bất diệt trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc ta, đã làm lung lay tận gốc chế độ thực dân, phong kiến. Phong trào đã để lại cho Đảng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về vai trò lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là phát huy vai trò của tổ chức Đảng ở cơ sở, về mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, về xây dựng khối liên minh công nông, về thời cơ cách mạng, sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng để giành chính quyền, cũng như xây dựng và bảo vệ chính quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 8/1945, Nhân dân Can Lộc đã nhất tề đứng dậy, cùng với nhân dân cả nước làm nên Cách mạng tháng Tám vĩ đại, đưa Nhân dân từ thân phận nô lệ lên làm chủ đất nước. Can Lộc là địa phương giành chính quyền về tay Nhân dân sớm nhất trong toàn tỉnh vào ngày 16/8/1945. Đây là một mốc son trong biên niên sử đáng tự hào của Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà.
Ngã ba Đồng Lộc - chứng tích hào hùng của quân dân Hà Tĩnh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Khi cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Can Lộc là căn cứ địa vững chắc, là tiền tuyến của hậu phương lớn và là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn. Hàng vạn con người đã được huy động cho tiền tuyến để cùng với Nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp đó, cùng cả nước “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; “Xe chưa qua nhà không tiếc”, tất cả vì miền Nam ruột thịt.
Nhân dân Can Lộc đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giành đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Những tên đất, tên người của Hà Tĩnh, của quê hương Can Lộc đã gắn liền với những chiến công oanh liệt đáng tự hào. Nhiều địa danh đã thành huyền thoại như Ngã ba Đồng Lộc, Làng K130 – Tiến Lộc, Khe Giao…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn trao bằng công nhận huyện NTM cho lãnh đạo huyện Can Lộc. Ảnh tư liệu
Sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là từ khi Đảng ta chủ trương đổi mới (năm 1986), Nhân dân huyện Can Lộc ra sức thi đua xây dựng và bảo vệ quê hương trên con đường đi lên CNXH; tạo bước đột phá về kinh tế, xã hội, chủ động hội nhập và phát triển; đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, nỗ lực phấn đấu và đã giành được những thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực, chương trình mục tiêu quốc gia, là địa phương luôn “đi đầu, dậy trước” với các phong trào như: Xóa nhà tranh tre dột nát, ngói hóa nhà ở cho Nhân dân; chương trình nước sạch vệ sinh môi trường; chuyển đổi ruộng đất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ giới hoá nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất…
Năm 2019, Can Lộc đã trở thành huyện thứ 2 trong tỉnh được Chính phủ công nhận huyện “nông thôn mới”, về đích trước một năm so với kế hoạch. Huyện nhà vinh dự được nhận bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba nhân dịp kỷ niệm 550 năm truyền thống huyện Thiên Lộc - Can Lộc.
Tinh thần Xô viết Nghệ - Tĩnh anh hùng mãi mãi là nguồn cảm hứng, động lực giúp Đảng bộ và Nhân dân huyện Can Lộc vững bước đi theo con đường Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà đã và đang tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy dân chủ, đoàn kết, huy động tối đa các nguồn lực, năng động, sáng tạo phấn đấu xây dựng Can Lộc đạt huyện nông thôn mới nâng cao trước năm 2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.