Khám sàng lọc cho đối tượng tại Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân CĐDC
Ông Nguyễn Quang Tiến - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh hiện có gần 12.600 nạn nhân bị nhiễm CĐDC/dioxin. Phần lớn họ đều có hoàn cảnh rất éo le, thương tâm. Có gia đình 2, 3 người con cùng chịu ảnh hưởng bởi chất độc, bản thân họ sức khỏe lại yếu, thường xuyên ốm đau nên kinh tế khó khăn. Ngoài ra, tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng số nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng bởi CĐDC cũng lên đến con số hàng trăm và nhiều người trong số đó vẫn chưa được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước. Đây là những đối tượng rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội”.
Bên cạnh nỗi đau đớn do bệnh tật và những khiếm khuyết trên cơ thể, nỗi lo về miếng cơm, manh áo hàng ngày, nạn nhân da cam còn mang cả nỗi đau bị tước đi niềm hy vọng về thế hệ tương lai. Để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh đã xác định công tác xây dựng, phát triển tổ chức hội là nền tảng, là cầu nối giữa hội viên - nạn nhân với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân và toàn xã hội. Xây dựng tổ chức hội các cấp vững mạnh, trở thành chỗ dựa tin cậy đối với hội viên, nạn nhân là yếu tố rất quan trọng để duy trì và nâng cao vị thế hoạt động của hội. Đến nay, toàn tỉnh có 13/13 tổ chức hội cấp huyện, 262/262 tổ chức hội cấp xã.
Bên cạnh phát triển tổ chức hội, các cấp hội luôn quan tâm đến công tác chính sách đối với hội viên, nạn nhân bằng các hoạt động phối hợp, theo dõi, nắm bắt việc bảo đảm chế độ, chính sách đối với nạn nhân kịp thời, đầy đủ. Cùng với việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Vì nạn nhân CĐDC”... để huy động nguồn lực, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.
Từ sự chung tay vào cuộc của những nhà hảo tâm, cộng đồng, xã hội, 5 năm qua, hội đã vận động được trên 28 tỷ đồng. Số tiền đó được dành để đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị tại Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, xông hơi giải độc, dạy nghề cho nạn nhân CĐDC/dioxin; hỗ trợ làm mới và sửa chữa 170 ngôi nhà tình thương; thăm hỏi, tặng 16.500 suất quà nhân các ngày lễ, tết; tặng 500 suất học bổng; hỗ trợ 860 gia đình 2,5 tỷ đồng phát triển kinh tế. Ngoài ra, hội còn tổ chức hỗ trợ khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ khó khăn đột xuất; cấp xe lăn, xe lắc, tặng quà, nuôi dưỡng, học nghề, xông hơi giải độc… cho hàng ngàn lượt nạn nhân.
Sự quan tâm của cộng đồng đã phần nào xoa dịu nỗi đau, tạo niềm hy vọng, cơ hội làm việc để các nạn nhân vươn lên trong cuộc sống. Anh Nguyễn Văn Huế ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân) cho biết: “Sự đồng cam cộng khổ của vợ, sự giúp đỡ của hội và chính quyền địa phương đã cho tôi thêm nghị lực để mạnh dạn xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả. Nguồn thu về mỗi năm cũng chỉ mấy chục triệu đồng nhưng cũng đã là tài sản lớn để gia đình vượt lên hoàn cảnh”.
Bằng những hoạt động hướng về lợi ích của hội viên, với sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, xã hội, những nạn nhân CĐDC/dioxin trên địa bàn Hà Tĩnh hôm nay dẫu hằng ngày vẫn đang đối diện với nỗi đau, nhưng trong đời sống tinh thần, họ đã được sẻ chia, xoa dịu bằng tình người ấm áp. Đó chính là nguồn động viên lớn lao giúp họ vượt lên những mất mát, thiệt thòi để hòa nhập cộng đồng.