Khi nương chè bắt đầu lên hương thơm ngát cũng là lúc lứa thân chè cũ cần phải cắt bỏ
Xí nghiệp chè 20/4 tại Hương Trà (Hương Khê), thuộc Công ty CP Chè Hà Tĩnh vừa được Dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh trao chứng nhận sản xuất nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, việc thu hái, sử dụng các loại hoá chất và cả việc đốn chè cũng đều được thực hiện theo quy trình VietGAP.
Việc đốn chè được thực hiện bằng máy cắt nên tiết kiệm được 2/3 thời gian và nhân công so với việc cắt bằng tay trước đây.
Với chiếc máy này, chỉ cần 1 ngày là chủ hộ có thể đốn xong cả 5.000 - 7.000 m2 chè
Ông Nguyễn Kim Thuyên - xóm 2 - Hương Trà cho biết: "Gia đình tôi có 7.500m2 chè, từ đầu năm 2017 đã chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Cữ này, chè đang bị nấm nên phải đốn để bón phân và phun thuốc chuyên dụng trừ nấm. Sau đó sẽ là khoảng thời gian nghỉ ngơi và sinh trưởng mới của cây chè. Chừng 2 tháng là có thể thu hái lứa đầu tiên của năm mới".
Cành sau khi bị đốn sẽ được thu lượm dùng làm phân xanh bón cho cây chè
Mùa đốn chè cũng là lúc các lao động nhàn rỗi của địa phương có thêm thu nhập bằng việc thu gom cành
Bà Nguyễn Thị Sáu, Đội sản xuất số 8, Xí nghiệp chè 20/4 cho biết: "Gia đình tôi làm 7.500m2 chè, mùa đốn thì có ông nhà ra giúp, còn nữa tôi thuê thêm người thu gom cành, giá nhân công mỗi ngày 100.000 đồng".
Những nương chè trở nên khô cằn sau khi đốn...
...sẽ sinh trưởng và phát triển trở lại như thế này nếu được chăm sóc đúng chuẩn
... và sẽ lại cho những lứa chè búp tươi đậm đà hương vị núi rừng Hương Khê
Sản phẩm chè búp tươi của Xí nghiệp chè 20/4 hiện đang được Công ty CP Chè Hà Tĩnh thu mua và chế biến, xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Nhờ đó, thu nhập của người trồng chè cũng cao và ổn định hơn trước.