Mẹ Trần Thị Truật được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng đợt đầu tiên (năm 1994)
Mùa xuân này, mẹ Truật tròn 100 tuổi. Mái tóc Mẹ đã bạc trắng màu khói sương, đôi mắt mẹ cố nheo lại để nhìn chúng tôi rõ hơn. Miệng bỏm bẻm nhai trầu, mẹ cười bảo, chẳng còn chiếc răng nào nhưng vẫn thèm trầu.
Sức khỏe Mẹ đã kém đi nhiều, trí nhớ không còn tròn vạnh nữa, vậy nhưng, ký ức của Mẹ về người chồng và những người con đã nằm lại chiến trường chẳng bao giờ phai nhạt. Mẹ Truật sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Chồng mẹ, liệt sỹ Ngô Khắc Trợ (SN 1919), tham gia kháng chiến chống Pháp, hy sinh năm 1951. Nhận tin dữ, Mẹ đứt từng khúc ruột nhưng cố nén nỗi đau, một mình tần tảo sớm hôm nuôi 5 con thơ khôn lớn.
Trường THPT Trần Phú vinh dự được chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Truật
Năm 1963, người con trai đầu của Mẹ là Ngô Khắc Giáo xung phong lên đường nhập ngũ. Đêm trước ngày anh Giáo vào chiến trường, Mẹ không sao chợp mắt được. Bao lần Mẹ trở dậy, nghe tiếng gà gáy sang canh rồi lại lặng nhìn con. Mẹ dậy sớm thổi cơm để con mang theo ăn dọc đường. Trao cho con vắt cơm với muối vừng, Mẹ nén lòng mình không để nước mắt tuôn rơi, mạnh mẽ động viên con dũng cảm lên đường. Tiễn con đi, nhìn bóng con khuất sau rặng tre cuối làng, lòng Mẹ thổn thức.
Ngôi nhà của mẹ trở nên ấm áp và vui hẳn mỗi khi các thầy cô và học sinh trường THPT Trần Phú đến thăm
Rồi Mẹ lại tiễn người con trai thứ 2 là Ngô Khắc Thưởng lên đường tòng quân năm 1965. Mẹ còn nhớ rõ, lúc lên đường, Thưởng dặn dò “Mẹ ở nhà cứ yên tâm. Con và anh Giáo cùng hàng triệu thanh niên khác sẽ nhất định trở về khi đất nước thống nhất”. Bao ngày các con đi là bấy nhiêu thời gian Mẹ đằng đẵng chờ đợi. Nỗi nhớ con hiện hữu trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Như một thói quen, chiều chiều trở về nhà sau phiên chợ, Mẹ lại lặng lẽ ngồi bên bậu cửa ngóng các con trở về, bởi Mẹ tin vào lời hứa của các anh. Nhưng đã mấy chục năm trôi qua, các anh không trở về...
Trong ngôi nhà cấp 4 vừa mới được sửa sang, ông Ngô Đại An, con trai út của Mẹ cho biết: Thời gian gần đây, sức khỏe mẹ đã yếu hơn nhiều nhưng được sự động viên của bà con hàng xóm, sự quan tâm của chính quyền địa phương nên mẹ cũng lạc quan, vui vẻ hơn.
Ông An chăm sóc Mẹ hàng ngày
Nghe ông An nói về cuộc sống của mẹ Truật hiện nay, chúng tôi đều chung một niềm vui. Mẹ đang được chính quyền địa phương, Trường THPT Trần Phú nhận phụng dưỡng suốt đời. Hàng ngày, Mẹ sống vui cùng con cháu, được nhìn thấy con cháu trưởng thành và tận mắt chứng kiến quê hương đổi mới.
Đặc biệt, với tình cảm và trách nhiệm, cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT Trần Phú luôn ở bên động viên Mẹ sống khỏe, sống vui. Mẹ Trần Thị Truật xúc động nói: “Ngôi nhà của mẹ trở nên ấm áp và vui hẳn mỗi khi các thầy cô và học sinh đến thăm; tình cảm của các thầy cô và các cháu đối với mẹ như người thân trong gia đình”.
Thầy Đinh Thanh Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú cho biết: “Việc chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ đến cuối đời không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự lớn lao đối với tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh chúng tôi. Mong sao sự phụng dưỡng và những tình cảm ấm áp của nhà trường và cả cộng đồng sẽ luôn sưởi ấm trái tim Mẹ, nhất là trong những ngày tết đến, xuân về”.
Hiện toàn tỉnh có 1.967 Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 68 mẹ còn sống. Hầu hết các mẹ tuổi cao, sức yếu. Nhiều năm nay, các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể làm tốt công tác chăm sóc, tri ân những gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Những Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều đã được các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời.
Năm 2018, Sở LĐ-TB&XH thường xuyên phối hợp với các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội vận động đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân chung tay giúp đỡ gia đình người có công với cách mạng. Con của người có công được nhận chăm sóc, đỡ đầu và ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm. Các sở, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang hỗ trợ các gia đình chính sách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh huy động 6,456 tỷ đồng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 336 nhà ở cho người có công với số tiền 15,605 tỷ đồng; tặng 190 sổ tiết kiệm, 222.475 suất quà cho người có công, tổng kinh phí 41,239 tỷ đồng nhân các dịp lễ, tết; sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ với tổng kinh phí 15 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 9 tỷ đồng; giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, khiếu kiện về chính sách người công.