Bác sỹ chuyên khoa nhi ở Hà Tĩnh hướng dẫn cách phòng cúm cho trẻ

(Baohatinh.vn) - Thời tiết thay đổi thất thường, số trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, cúm A, cúm B... ở Hà Tĩnh liên tục gia tăng. Bác sỹ chuyên khoa nhi khuyến cáo một số vấn đề các bậc phụ huynh cần quan tâm để bảo vệ sức khỏe cho con trong thời điểm giao mùa hiện nay.

Gần một tuần nay, con trai 2 tháng tuổi của chị Nguyễn Thị Trang (phường Đại Nài - TP Hà Tĩnh) xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, có biểu hiện khó thở. Chị Trang đã đưa con vào Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh khi các triệu chứng có xu hướng nặng dần.

Bác sỹ chuyên khoa nhi ở Hà Tĩnh hướng dẫn cách phòng cúm cho trẻ

Con trai chị Nguyễn Thị Trang đang được điều trị bệnh viêm đường hô hấp trên tại Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh.

Sau khi thăm khám, bác sỹ kết luận con trai chị Trang bị viêm đường hô hấp trên và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp với thể trạng, lứa tuổi của bé.

Chị Trang cho biết: “Sau 5 ngày được các y, bác sỹ điều trị, chăm sóc chu đáo, con tôi đã đỡ hơn rất nhiều, tuy nhiên, vì cháu còn quá nhỏ, thời tiết lại thay đổi thất thường nên khả năng tái phát cao, do đó, cháu vẫn phải ở lại điều trị thêm ít ngày nữa”.

Nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, ho nhiều, đau rát họng, cháu N.B.T (5 tuổi - xã Hộ Độ - Lộc Hà) đã được điều trị tại bệnh viện 3 ngày nay. Chị Trần Thị Bình - mẹ cháu T. cho biết: “Con được bác sỹ chẩn đoán mắc cúm A. Cách đây 3 tháng, cháu vừa mắc COVID-19 nên sức khỏe chưa hồi phục hẳn, sức đề kháng yếu, nay lại bị cúm A nên cơ thể càng mệt mỏi hơn”.

Bác sỹ chuyên khoa nhi ở Hà Tĩnh hướng dẫn cách phòng cúm cho trẻ

Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh hiện đang điều trị cho gần 80 bệnh nhân.

Đây là 2 trong rất nhiều trường hợp đang được điều trị tại Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh những ngày gần đây.

Bác sỹ CKI Trần Anh Pháp - Trưởng khoa Nhi cho biết: “Hiện nay, khoa đang điều trị cho gần 80 bệnh nhân, tăng nhiều so với những thời điểm trước đó. Đặc biệt, số bệnh nhân khám ngoại trú tăng đột biến trong những ngày thời tiết mưa nắng thất thường. Nếu như thường ngày khoảng 50 bệnh nhân thì nay đã lên đến hơn 100 bệnh nhân. Số lượng bênh nhân tăng đã gây áp lực không nhỏ cho công tác khám, điều trị”.

Cũng theo bác sỹ Trần Anh Pháp, bệnh nhân nhi đến khám và điều trị tại khoa chủ yếu mắc các bệnh viêm đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, viêm da và đặc biệt là cúm A, B, Adenovirus, sốt virus, sốt xuất huyết, phát ban...

Hầu hết các bệnh nhân được thăm khám, điều trị đúng phác đồ đều giảm triệu chứng và khỏi bệnh trong khoảng 1 tuần, nhưng có một số trường hợp diễn biến nhanh, trở nặng, xuất hiện các biểu hiện như co giật, khó thở...

Bác sỹ chuyên khoa nhi ở Hà Tĩnh hướng dẫn cách phòng cúm cho trẻ

Số lượng bệnh nhi khám ngoại trú, điều trị nội trú tăng cao khiến cán bộ, y bác sỹ Khoa Nhi khá vất vả.

Lý giải nguyên nhân số lượng bệnh nhi tăng cao như hiện nay, bác sỹ Trần Anh Pháp cho rằng: “Đây là thời điểm giao mùa thu - đông, thời tiết diễn biến mưa nắng thất thường, nhiều kiểu thời tiết trong cùng một ngày là điều kiện lý tưởng cho các loại virus, vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Trong khi đó, sức đề kháng của trẻ nhỏ hạn chế, khó chống đỡ nên rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là những trẻ có thể trạng yếu, không được vệ sinh, chăm sóc cẩn thận”.

Để bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ trong điều kiện thời tiết hiện nay, bác sỹ Pháp khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm một số vấn đề sau:

Về chế độ ăn uống, sinh hoạt, phụ huynh cần cho con ăn đủ bữa, đủ chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh, uống đủ lượng nước lọc, tăng cường các loại hoa quả tươi hoặc nước ép hoa quả; ngủ đúng giờ, đủ giấc.

Bác sỹ chuyên khoa nhi ở Hà Tĩnh hướng dẫn cách phòng cúm cho trẻ

Bác sỹ Trần Anh Pháp hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách chăm sóc trẻ.

Luôn giữ vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ; rửa mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh môi trường sống, sát khuẩn đồ chơi cho trẻ thường xuyên; đeo khẩu trang để hạn chế lây lan, nhiễm các loại virus cúm. Phụ huynh cũng có thể cho trẻ sử dụng bổ sung các loại thuốc tăng sức đề kháng theo hướng dẫn của bác sỹ.

“Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, có thể cho trẻ uống hạ sốt theo chỉ dẫn nhưng tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh về điều trị. Đặc biệt, đối với trẻ mắc Adenovirus thường có biểu hiện ra nhiều dịch ở mắt, phụ huynh không được nhỏ thuốc vào mắt trẻ vì có thể làm loét giác mạc, gây mù lòa. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được theo dõi, thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra” - bác sỹ Trần Anh Pháp khuyến cáo các bậc phụ huynh.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast