Bác sỹ Hà Tĩnh kể về những ngày giành sự sống cho F0 ở Bình Dương

(Baohatinh.vn) - Những ngày “chiến đấu” ở tâm dịch Bình Dương đầy ám ảnh đã ghi lại mối ân tình sâu đậm của những cán bộ y tế Hà Tĩnh quên mình cùng bệnh nhân giành giật sự sống. Chia sẻ về những ngày đặc biệt ấy, lắng đọng trong mỗi câu chuyện kể là thông điệp về khát vọng sống và tình yêu thương.

Bác sỹ Hà Tĩnh kể về những ngày giành sự sống cho F0 ở Bình Dương

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng tặng hoa cho đại diện đoàn cán bộ, nhân viên y tế tình nguyện vào vào tỉnh Bình Dương hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đợt 2, ngày 31/8/2021

Cùng bệnh nhân giữ từng nhịp thở

Dẫu đã lên dây cót tinh thần để nhập cuộc ở vùng tâm dịch, nhưng các thành viên đoàn cán bộ, nhân viên y tế Hà Tĩnh, khi đặt chân đến vùng dịch Bình Dương đều “sốc” khi chứng kiến thực tại khốc liệt của “cuộc chiến” chống lại virus SARS-CoV-2. Dịch diễn biến quá nhanh; các bệnh viện dã chiến gấp rút xây dựng, trong khi tỉnh bạn thiếu nhân lực y tế trầm trọng. Bởi vậy, cả 2 đoàn công tác của ngành Y tế Hà Tĩnh tình nguyện vào Bình Dương đều nhận trọng trách chủ trì tại các khu điều trị với hàng nghìn F0.

Bác sỹ Hà Tĩnh kể về những ngày giành sự sống cho F0 ở Bình Dương

Cả 2 đoàn công tác của ngành Y tế Hà Tĩnh tình nguyện vào Bình Dương đều nhận trọng trách tại các khu điều trị hàng nghìn F0.

Phó Trưởng đoàn công tác số 1 - bác sỹ Nguyễn Văn Đường - Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh cho biết, ngay khi đến Trường Ngô Thời Nhiệm, TP Dĩ An, 30 cán bộ, nhân viên y tế Hà Tĩnh được chia làm 3 nhóm gồm: xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nặng và điều trị bệnh nhân nhẹ. Việc chăm sóc bệnh nhân đều diễn ra với khoảng cách gần, mặt khác phải làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm trong môi trường vi-rút đậm đặc, các thiết bị bảo hộ thiếu thốn nên nguy cơ lây nhiễm rất cao; một số anh chị em đã bị phơi nhiễm COVID-19; nhiều người kiệt sức.

Nhưng, các thành viên trong đoàn không hề lung lay ý chí, từng phút, từng giây nỗ lực giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Bác sỹ Hà Tĩnh kể về những ngày giành sự sống cho F0 ở Bình Dương

Bác sĩ Nguyễn Văn Đường chăm sóc bệnh nhân nặng.

Điều dưỡng Nguyễn Quyết (BVĐK tỉnh) - Trưởng nhóm phụ trách khu điều trị hơn 2.000 F0 tại Ký túc xá Đại học Quốc gia, TP Dĩ An trải lòng: “Chúng tôi bước vào cuộc chiến khi số lượng ca bệnh mới mỗi ngày ở Bình Dương lên tới gần 6.000 người trong điều kiện bệnh viện quá tải trầm trọng. Mỗi bác sỹ được giao phụ trách điều trị tại một tầng với 150 F0 không triệu chứng.

Quá trình điều trị, số bệnh nhân có triệu chứng diễn biến bệnh nặng lên rất nhanh nên áp lực công việc hết sức nặng nề. Thế nhưng, bằng tất cả tinh thần tình nguyện, chấp nhận hy sinh, anh em vẫn động viên nhau làm việc hết mình để chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân”.

Bác sỹ Hà Tĩnh kể về những ngày giành sự sống cho F0 ở Bình Dương

Điều dưỡng Nguyễn Thị Quỳnh và Nguyễn Quyết tại đoàn số 1 nghiên cứu hồ sơ bệnh án.

Cùng bệnh nhân giữ từng hơi thở để nuôi mầm sống, đó là điều mà các y, bác sỹ đau đáu trong những ngày chiến đấu với dịch. Trưởng đoàn số 2, bác sỹ Nguyễn Ngọc Thuần (BVĐK tỉnh) kể: Đoàn nhận nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân F0 ở Bệnh viện dã chiến số 6, huyện Bàu Bàng trong điều kiện điều trị hết sức tạm bợ. 6h30’, đoàn nhận nhiệm vụ thì 7h đã tiếp nhận bệnh nhân F0.

Trong “trận chiến” này, mọi nỗ lực đều được tính bằng phút, bằng giây, do vậy, chúng tôi vừa khẩn trương tiếp nhận bệnh nhân, vừa đề xuất tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị. Ngày đầu tiếp nhận 400 - 500 F0, sang ngày thứ 2, số F0 đã tăng lên 1.700 người và những ngày tiếp theo tăng dần lên đến hơn 3.000 người”.

Bác sỹ Hà Tĩnh kể về những ngày giành sự sống cho F0 ở Bình Dương

Các bác sỹ: Nguyễn Ngọc Thuần, Bùi Thị Kiều, Bùi Thị Thái Bình cùng các cán bộ đoàn số 2 chăm sóc bệnh nhân nặng tại bệnh viện dã chiến số 6, huyện Bàu Bàng.

Sau 4 ngày vào khu điều trị, các bệnh nhân có triệu chứng diễn biến nặng lên rất nhanh, trong khi đó, việc chuyển tuyến gặp nhiều khó khăn do tuyến trên đã quá tải.

Bác sỹ Bùi Thị Thái Bình (BVĐK tỉnh) kể: “Thời điểm đó, khu điều trị của chúng tôi trung bình mỗi ngày có thêm 1-2 trường hợp trở nặng. Số bệnh nhân này được bố trí ở khu vực mà các y, bác sỹ thường trực 24/24 giờ. Tôi nhớ mãi một bệnh nhân diễn biến nặng khá bất ngờ và nhanh chóng rơi vào tình trạng khó thở, ngủ lịm dần. 2 kíp trực chúng tôi thay nhau suốt 5 tiếng đồng hồ vừa cấp cứu, vừa gọi tên đánh thức, vừa động viên để bệnh nhân cố gắng hợp tác.

Cuối cùng, chúng tôi cũng đã duy trì được sự sống của bệnh nhân để chuyển lên tuyến trên điều trị. Trong những giây phút sinh tử ấy, tất cả mệt nhọc, nguy hiểm đều tan biến, chỉ còn một mục tiêu duy nhất là giữ cho người bệnh có cơ hội sống”.

Ân tình còn mãi

Những ngày sống cùng hàng nghìn F0, cận kề chăm sóc hàng trăm bệnh nhân nặng, với các y, bác sỹ, vượt lên trên tất cả nỗi lo lắng, ám ảnh và không ít những vất vả, hiểm nguy, đó là những kỷ niệm nghề, những ân tình theo suốt cuộc đời.

Bác sỹ Hà Tĩnh kể về những ngày giành sự sống cho F0 ở Bình Dương

Thạc sĩ Hà Huy Hoàng Quân miệt mài trong labo xét nghiệm tại Trung tâm Y tế thành phố Thuận An, Bình Dương.

Thạc sỹ xét nghiệm Hà Huy Hoàng Quân (BVĐK tỉnh), nhóm trưởng xét nghiệm Đoàn công tác số 1 cho biết, 3 anh em nhận nhiệm vụ ở Khoa xét nghiệm Trung tâm Y tế TP Thuận An khi lực lượng cán bộ khoa thiếu hụt, trong khi đó mỗi ngày đảm nhận xét nghiệm hơn 1.500 mẫu.

“Tỷ lệ mẫu có kết quả dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 chiếm 90%; nhiều người trong khoa bị phơi nhiễm nên mọi người không tránh khỏi lo lắng, áp lực. Thế nhưng, trước khối lượng công việc quá lớn rất cần sự hy sinh, chung sức, anh em chúng tôi đã tự hứa với mình phải cố gắng hết sức vì sức khỏe của đồng bào. Kết thúc 1 tháng tăng cường hỗ trợ tỉnh bạn theo chương trình, chúng tôi đã quyết định cùng tình nguyện ở lại 15 ngày nữa để chia lửa với đồng nghiệp nơi tâm dịch” - Hoàng Quân chia sẻ.

Bác sỹ Hà Tĩnh kể về những ngày giành sự sống cho F0 ở Bình Dương

Những bữa cơm trưa vội vã của cán bộ y tế Hà Tĩnh trong chuyến tình nguyện hỗ trợ chống dịch ở Bình Dương.

Điều dưỡng Phạm Thanh Hội (BVĐK thành phố Hà Tĩnh) kể: “Tình nguyện nhận nhiệm vụ ở khu bệnh nhân nặng, tôi và bác sỹ Nguyễn Đình Khôi (BVĐK Lộc Hà) đã trải qua những ngày tháng khốc liệt giữa lằn ranh sinh tử của bệnh nhân. Khu bệnh nhân cấp cứu thường xuyên có 60 người bệnh nặng, hầu hết không có người nhà chăm sóc. Toàn khu chỉ có 6 bác sỹ, điều dưỡng, chia thành 2 kíp thay nhau vừa điều trị, vừa phục vụ.

Chúng tôi phân công nhau phát thuốc, tiêm, cung cấp ô-xy liên tục, theo dõi sát bệnh nhân và chăm sóc từng bữa ăn, thậm chí vệ sinh cá nhân cho người bệnh. Trong hoàn cảnh này, các y, bác sỹ chính là điểm tựa duy nhất cho mỗi bệnh nhân với tất cả niềm hy vọng. Nhiều bệnh nhân khi thoát khỏi “cửa tử”, trước lúc ra về chỉ thiết tha được nhìn thấy mặt các y, bác sỹ một lần để nhớ về những người đã chiến đấu vì sự sống của mình”.

Bác sỹ Hà Tĩnh kể về những ngày giành sự sống cho F0 ở Bình Dương

Các điều dưỡng Hà Tĩnh tại đoàn số 2 làm quà trung thu phát cho các cháu đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 6, huyện Bàu Bàng.

Trong 2 chuyến công tác đặc biệt với 63 người tham gia, không ít cán bộ, nhân viên y tế Hà Tĩnh đã bị phơi nhiễm. Nhưng, quên đi sự an nguy của bản thân, họ chỉ sợ, nếu mình phải dừng bước và không thể tham gia cuộc chiến chống dịch, sẽ khiến anh em đồng nghiệp vất vả hơn, công việc khó khăn hơn.

Bác sỹ Bùi Thị Kiều (BVĐK thành phố Hà Tĩnh) tâm sự: “Kíp làm việc của tôi chỉ có 2 bác sỹ, thì cả 2 đều bị phơi nhiễm. Lúc đầu cũng rất lo nhưng chúng tôi nhanh chóng trấn tĩnh, tự nhắc mình cố gắng điều trị để chóng hồi phục, sớm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ”.

Bác sỹ Hà Tĩnh kể về những ngày giành sự sống cho F0 ở Bình Dương

Đoàn số 1 của Hà Tĩnh cùng các đoàn công tác tỉnh bạn gặp mặt chia tay với tỉnh Bình Dương sau khi hoàn thành chuyến công tác.

Những ngày khốc liệt với muôn vàn gian khó, hy sinh cũng chính là những ngày cháy bỏng khát vọng sống, tình yêu thương của những lương y trong cuộc đua giành giữ sự sống cho bệnh nhân nơi tâm dịch.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Lương Tâm - Trưởng đoàn công tác số 1 đúc rút: “Những chuyến công tác đặc biệt tại Bình Dương không chỉ giúp các y, bác sỹ Hà Tĩnh nêu cao tinh thần dấn thân vì sức khỏe Nhân dân, mà còn giúp họ trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng điều trị bệnh nhân COVID-19; rèn luyện bản lĩnh, sự sáng tạo trong việc ứng phó với những tình huống khẩn cấp, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong điều kiện mới”.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast