Lực lượng tuyến đầu ở Hà Tĩnh kể chuyện một năm gồng mình chống dịch

(Baohatinh.vn) - Một năm đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các lực lượng tiếp tục vững vàng nơi tuyến đầu. Họ đã góp phần quan trọng để khống chế và đẩy lùi dịch bệnh, giữ cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Ông Đặng Quốc Thái - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên): Cán bộ thôn là cánh tay đắc lực trong phòng chống dịch

Lực lượng tuyến đầu ở Hà Tĩnh kể chuyện một năm gồng mình chống dịch

Ông Đặng Quốc Thái và thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của xã Cẩm Dương trao đổi công việc.

Đầu tháng 7/2021, lần đầu tiên xã Cẩm Dương có người mắc COVID-19. Thời điểm đó, toàn xã bị phong tỏa, người dân hoang mang, lo lắng. Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng chống dịch của xã đã tổ chức họp khẩn, giao nhiệm vụ cho từng bộ phận; các tổ giám sát và tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 tại cộng đồng lập tức được kích hoạt để tham gia truy vết, khoanh vùng.

Tôi vừa là thành viên BCĐ, vừa trực tiếp làm nhiệm vụ tại điểm chốt số 1 thuộc thôn Hoàng Vân - nơi cư trú của bệnh nhân. Mỗi ca trực kéo dài 24 giờ, chúng tôi ăn, ngủ tại chỗ, bám chốt thường xuyên, liên tục để kiểm soát người và phương tiện, đảm bảo an ninh trật tự…

Kết thúc ca trực, chúng tôi lại cùng các tổ giám sát và tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 tại cộng đồng tham gia tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách ly y tế theo đúng quy định; chỉ đạo, huy động đoàn viên, hội viên phục vụ hậu cần cho người dân cách ly và cán bộ trực tại các điểm cách ly. Với việc tuyên truyền thường xuyên của cán bộ xã, thôn, bà con nhân dân đều chấp hành nghiêm quy định.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng chúng tôi luôn xác định “dịch chưa hết, chưa nghỉ ngơi”. Mỗi người phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong phòng chống dịch; xứng đáng là cánh tay đắc lực, góp phần cùng chính quyền, Nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, giữ cuộc sống bình yên.

Trung tá Đặng Đình Phúc - Chủ nhiệm Hậu cần kỹ thuật (Ban CHQS huyện Can Lộc): Tất cả “Vì dân phục vụ"

Lực lượng tuyến đầu ở Hà Tĩnh kể chuyện một năm gồng mình chống dịch

Trung tá Đặng Đình Phúc - Chủ nhiệm Hậu cần kỹ thuật (Ban CHQS huyện Can Lộc)

Trước yêu cầu tăng cường lực lượng tham gia phòng chống dịch COVID-19 của cấp trên, đã gần 2 năm nay, tôi cùng các cán bộ, chiến sỹ Ban CHQS huyện Can Lộc xung phong làm nhiệm vụ tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn. Ngày nhận nhiệm vụ, chúng tôi chưa được tiêm phòng nhưng anh em đều sẵn sàng lên đường.

Tôi là người chịu trách nhiệm chính đón công dân về khu cách ly, đảm bảo các điều kiện ăn, ngủ và hỗ trợ công dân từ khu cách ly trở về nhà… Đặc biệt, từ tháng 7/2021, khi số lượng công dân từ các tỉnh phía Nam về trên địa bàn đông, nhiệm vụ càng trở nên nặng nề và vất vả hơn.

Lúc làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung ở trụ sở UBND xã Tiến Lộc cũ, tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động đến rơi nước mắt. Đến bữa ăn, có những công dân nói với chúng tôi họ không đói, không muốn ăn, nhưng thực tế là họ không dám báo cơm vì sợ không đủ tiền trả chi phí cách ly. Chúng tôi đã san sẻ phần cơm, phần mỳ của mình cho họ. Với những trường hợp khó khăn hơn, chúng tôi quyên góp tiền hỗ trợ nhằm động viên tinh thần và chia sẻ khó khăn để họ yên tâm thực hiện cách ly.

Niềm hạnh phúc của chúng tôi là sau khi hoàn thành cách ly, bà con đã nhắn tin cảm ơn và đem tặng khu cách ly quả bí, mớ rau nhà tự trồng được… Đó cũng là một trong những động lực để chúng tôi phát huy hơn nữa tinh thần người lính Cụ Hồ “Vì dân phục vụ”.

Ông Phan Tố Hoài - Chủ tịch UBND xã Thạch Long (Thạch Hà): "Cả hệ thống chính trị và Nhân dân đồng lòng chống dịch".

Lực lượng tuyến đầu ở Hà Tĩnh kể chuyện một năm gồng mình chống dịch

Ông Phan Tố Hoài - Chủ tịch UBND xã Thạch Long (Thạch Hà).

Chỉ trong vòng 6 tháng, xã Thạch Long đã phải trải qua 3 đợt dịch COVID-19 xâm nhập vào địa bàn với tổng số 44 ca bệnh. Lúc này, hệ thống chính trị và người dân trên toàn địa bàn đã kịp thời kích hoạt mức độ cao nhất, chuyển từ thế bị động sang chủ động trong “cuộc chiến” với dịch COVID-19.

Đặc biệt, trong đợt dịch lần thứ nhất vào tháng 6/2021, toàn bộ 2 thôn Đông Hà 1, Đông Hà 2 với gần 3.000 người buộc phải phong tỏa. Với đặc thù địa bàn có mật độ dân cư đông, nhà cửa san sát, xã đã tập trung cao cho công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm quy định phòng dịch trong khu vực phong tỏa; động viên người dân khai báo y tế trung thực, hỗ trợ công tác truy vết. Địa phương cũng kịp thời hỗ trợ nhu yếu phẩm để bà con an tâm tập trung phòng dịch.

Với cách làm đồng bộ đó, Thạch Long đã nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh và ổn định cuộc sống. Những đợt bùng phát dịch vừa qua trở thành bài học kinh nghiệm sâu sắc để chính quyền và Nhân dân Thạch Long thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch trên địa bàn tốt hơn trong thời gian tới.

Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh - Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát 6-1 Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh: Quyết tâm ngăn dịch từ cửa ngõ

Lực lượng tuyến đầu ở Hà Tĩnh kể chuyện một năm gồng mình chống dịch

Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh - Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát 6-1, Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh.

Từ ngày 28/6/2021, chốt kiểm soát dịch phía Nam của tỉnh (đóng tại xã Kỳ Nam - TX Kỳ Anh) chính thức được thành lập. Cũng từ thời điểm đó, tôi được phân công Phụ trách Chốt kiểm soát giao thông đường bộ phòng chống dịch COVID-19 tại xã Kỳ Nam cùng hơn 30 đồng chí thuộc các lực lượng: công an, quân sự, thanh tra giao thông, y tế, đoàn thanh niên... miệt mài cắm chốt. Thời điểm dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam bùng phát mạnh, mỗi ngày có hàng nghìn người qua chốt. Để có thể kiểm soát được lượng người này, chúng tôi phải phân công nhau trực 24/24h.

Vất vả nhất là những hôm đón đoàn hàng trăm người từ các tỉnh miền Nam đi về bằng xe máy qua chốt. Các lực lượng phải vừa điều tiết giao thông, lấy thông tin y tế, phân luồng công dân, lại vừa phải đảm bảo nhu yếu phẩm, bố trí phương tiện vận chuyển người dân đi qua địa bàn. Khối lượng công việc nhiều, cộng với thời tiết thất thường, nền nhiệt tăng giảm đột ngột khiến chúng tôi càng thêm vất vả. Thế nhưng, nhìn cảnh đoàn người vượt hàng nghìn cây số, những em bé còn đỏ hỏn cũng theo cha mẹ tìm đường về quê, chúng tôi thấy nỗi vất vả của mình chưa thấm vào đâu.

Vì thế, anh em đã động viên nhau cố gắng khắc phục khó khăn, giải quyết mọi việc nhanh gọn để bà con được tiếp tục hành trình. Nhờ triển khai công việc khoa học, đúng quy định, đến thời điểm này, lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt vẫn an toàn trước nguy cơ dịch bệnh; giao thông trên tuyến quốc lộ được đảm bảo thông suốt.

Bác sỹ Nguyễn Chí Trung - Tổ trưởng Tổ truy vết F0 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh): Cán bộ truy vết vừa là “lính điều tra”, vừa là bác sỹ tâm lý

Lực lượng tuyến đầu ở Hà Tĩnh kể chuyện một năm gồng mình chống dịch

Bác sỹ Nguyễn Chí Trung - Tổ trưởng Tổ truy vết F0 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh).

Gần 2 năm “chung sống” với dịch, tôi và các đồng nghiệp đã trải qua bao vất vả, bao cung bậc cảm xúc, đặc biệt là trong công việc truy vết F0. Khi phát hiện ca bệnh, đội truy vết phải lập tức tiếp cận bệnh nhân nắm bắt lịch trình, xác định những địa điểm, người liên quan để kịp thời có biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, hầu hết bệnh nhân đều có tâm lý bất ổn, hoang mang nên cung cấp lịch trình không chính xác. Truy vết chậm chừng nào, nguy cơ dịch lan rộng tăng lên chừng đó, nên chúng tôi thường xuyên phải “chạy đua” với thời gian. Các thành viên trong tổ phải thay nhau động viên, trấn an tinh thần bệnh nhân để họ bình tĩnh, nhớ và khai báo lịch trình di chuyển, tiếp xúc một cách chính xác nhất.

Ăn không đúng bữa, ngủ không đủ giấc, lên đường lúc nửa đêm, rạng sáng... đã trở nên quen thuộc với chúng tôi. Nhưng khó khăn, vất vả nhất là khi gặp phải những F0, F1 không hợp tác, cố tình khai báo gian dối. Sau khi xem lịch trình họ khai báo và phát hiện ra những điểm không logic, chúng tôi phải cùng nhau thảo luận, tìm phương án tiếp cận, khai thác thông tin. Nhiều lúc chúng tôi phải vào thẳng khu điều trị hoặc khu cách ly để gặp họ trao đổi lại bằng mọi giá, vì nếu để sót nguy cơ thì hậu quả sẽ khôn lường.

Điều dưỡng Thiều Nữ Oanh - Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh: Cố gắng để làm điểm tựa tinh thần cho bệnh nhân COVID-19

Lực lượng tuyến đầu ở Hà Tĩnh kể chuyện một năm gồng mình chống dịch

Điều dưỡng Thiều Nữ Oanh - Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh.

Hai đợt điều trị bệnh nhân COVID-19 của Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh, tôi đều tình nguyện có mặt ở vòng trong trực tiếp tham gia điều trị, chăm sóc người bệnh. Dẫu chồng đi làm xa, 2 con nhỏ gửi nhờ ông bà ngoại nhưng tôi cũng như các cán bộ, nhân viên y tế ở đây luôn sẵn sàng gác lại niềm riêng, góp sức vào cuộc chiến phòng chống dịch.

Điều trị cho bệnh nhân kéo dài 14 hoặc 21 ngày với chúng tôi là quãng thời gian tập trung cao độ trong từng thao tác để có thể tiếp nhận, theo dõi, điều trị cho bệnh nhân hiệu quả, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh lây nhiễm cho lực lượng phục vụ. Điều tôi luôn tâm niệm đó là không chỉ sát sao, chính xác trong thực hiện các y lệnh của bác sỹ để tránh bỏ sót diễn biến của bệnh mà còn phải thấu hiểu hoàn cảnh, tâm lý của người bệnh mới đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

Chúng tôi cảm nhận rất rõ là phần lớn bệnh nhân vào đây thường có hoàn cảnh khó khăn. Họ là những công dân từ miền Nam về, là những người dân ở các vùng nông thôn. Không chỉ hoang mang về bệnh tật, nhiều người còn nặng nỗi lo chi phí của đợt điều trị dài ngày. Tôi nhớ mãi hình ảnh người bố ở xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh) là F1 vào chăm 2 con trai là F0, mẹ của các cháu đã bỏ đi từ lâu. Chúng tôi đã trở thành những người bạn, thường xuyên nhắn tin, động viên, hướng dẫn người bố theo dõi, chăm sóc con. Nhìn cảnh bố con tiết kiệm, chắt chiu, chúng tôi đã bớt suất ăn của mình cho 2 cháu. Ngày cả nhà ra viện, tôi giúp các cháu số tiền nhỏ để lo chi phí xe cộ về nhà.

Những ngày chăm sóc bệnh nhân trong bối cảnh đặc biệt này đã nhắc nhở chúng tôi biết chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn và ý thức sâu sắc hơn về sứ mệnh chăm sóc sức khỏe Nhân dân của những “chiến sỹ áo trắng”.

(ghi)

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.
Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, danh mục thuốc đó còn nhiều bất cập, hạn chế, cho nên Bộ Y tế đang xây dựng quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của người tham gia BHYT.