BVĐK tỉnh Hà Tĩnh triển khai kỹ thuật gạn tách tiểu cầu bằng máy tự động

(Baohatinh.vn) - Khoa Huyết học - Truyền máu (BVĐK tỉnh Hà Tĩnh) vừa thực hiện thành công kỹ thuật gạn tách tiểu cầu bằng hệ thống máy tách tế bào tự động, góp phần đáp ứng kịp thời khối tiểu cầu điều trị cho bệnh nhân.

Khác với hiến máu toàn phần, gạn tách tiểu cầu là phương pháp chiết tách tiểu cầu của người hiến và một phần huyết tương của người hiến, còn các tế bào máu khác được truyền trả lại người hiến. Mỗi lần hiến, số lượng tiểu cầu được lấy là 3x1011 (tương đương 300 tỉ tiểu cầu) và khoảng 200ml huyết tương.

BVĐK tỉnh Hà Tĩnh triển khai kỹ thuật gạn tách tiểu cầu bằng máy tự động

Máy tế bào tự động NGL XCF 300 tiến hành gạn tách tiểu cầu cho 1 cán bộ BVĐK tỉnh tình nguyện hiến cho người bệnh.

Để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân, BVĐK tỉnh đã triển khai kỹ thuật gạn tách tiểu cầu tự động bằng hệ thống máy tách tế bào tự động NGL XCF 300. Đây là hệ thống tách tế bào máu tự động hiện đại.

Do tiểu cầu được chiết tách bằng hệ thống máy tách tế bào tự động nên người hiến tiểu cầu sẽ được khám và có những tiêu chuẩn lựa chọn riêng về độ tuổi, cân nặng, tình trạng tĩnh mạch, số lượng tiểu cầu...

Thạc sỹ Hoàng Quốc Anh - Phó trưởng khoa Huyết học - Truyền máu cho biết: “Kỹ thuật tách tiểu cầu bằng hệ thống máy tách tế bào tự động NGL XCF 300 chỉ lấy duy nhất tiểu cầu và một lượng ít huyết tương để pha loãng tiểu cầu, còn hồng cầu, bạch cầu và phần lớn huyết tương sẽ trả lại cho người hiến. Việc hiến tiểu cầu sẽ không ảnh hưởng đến số lượng tiểu cầu hiện tại và sau này của người hiến do cơ thể vẫn sản sinh tiểu cầu đều đặn hàng ngày. Chính vì vậy, việc gạn tách tiểu cầu bằng máy tự động không ảnh hưởng tới người hiến, những người được chọn lựa hiến tiểu cầu hoàn toàn yên tâm về sức khoẻ của mình sau khi hiến”.

BVĐK tỉnh Hà Tĩnh triển khai kỹ thuật gạn tách tiểu cầu bằng máy tự động

Việc gạn tách tiểu cầu không ảnh hưởng đến sức khỏe người hiến.

Trước đây các bệnh nhân bị các bệnh lý thiếu tiểu cầu nặng cần truyền tiểu cầu gấp như: Xuất huyết giảm tiểu cầu nặng, một số bệnh nhân ung thư, bệnh nhân bị suy tủy, bệnh nhân rối loạn đông máu nặng do thiếu tiểu cầu… phải chuyển tuyến trên để điều trị. Vì do tiểu cầu có đời sống ngắn, công tác bảo quản khó khăn, không lưu trữ dài ngày được.

Do vậy, việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai thành công kỹ thuật gạn tách tiểu cầu tự động rất quan trọng sẽ đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện có bệnh lý thiếu tiểu cầu, đặc biệt là đối với những bệnh nhân mắc các bệnh nặng, cấp cứu. Ngoài ra, việc không phải chuyển lên tuyến trên góp phần giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Để đáp ứng lượng tiểu cầu trong việc cấp cứu, điều trị kịp thời cho các bệnh nhân nặng, thời gian tới, BVĐK tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả kỹ thuật gạn tách tiểu cầu bằng máy tự động.

BVĐK tỉnh hy vọng, cán bộ, viên chức, sinh viên và người dân tiếp tục tham gia hiến tiểu cầu khi nhận được lời kêu gọi từ bệnh viện để nhanh chóng cấp cứu cho các bệnh nhân.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast