Chuyên gia chống độc BVĐK Hà Tĩnh chỉ cách phòng tránh sốc nhiệt, đột quỵ

(Baohatinh.vn) - Bác sỹ Hoàng Quang Trung, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh vừa có cuộc trao đổi với PV Báo Hà Tĩnh về các giải pháp phòng tránh, xử lý các loại bệnh, dịch bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra nhằm tránh rủi ro đáng tiếc xảy ra.

- Thưa bác sỹ! Hà Tĩnh vừa trải qua đợt nắng nóng kéo dài với mức nhiệt rất cao và dự báo mùa hè năm nay, còn phải chịu đựng thời tiết khắc nghiệt. Ông có thể thông tin về những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng?

Chuyên gia chống độc BVĐK Hà Tĩnh chỉ cách phòng tránh sốc nhiệt, đột quỵ

Bác sỹ Hoàng Quang Trung - Phó Giám đốc BVĐK Hà Tĩnh trao đổi với Báo Hà Tĩnh điện tử các giải pháp phòng tránh các bệnh do thời thời tiết năng nóng.

Bs. Hoàng Quang Trung: Nắng nóng kéo dài tạo điều kiện phát triển cho các loại virus, vi khuẩn và nấm… Đó là nguyên nhân gây nên những căn bệnh dễ mắc phải như: viêm đường hô hấp, tiêu chảy, sốc nhiệt, đột quỵ, sốt vi rút, nhất là ở những trẻ nhỏ và người già.

Nắng nóng gây nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch bởi khi đó, cơ thể thường ra mồ hôi nhiều, nếu không uống đủ nước thì cơ thể sẽ bị mất nước và chất điện giải. Từ đó sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ tim mạch, làm tim đập nhanh, huyết áp tụt...

Vì vậy, khi thời tiết nắng nóng bất thường, có những bệnh nhân vừa xuất viện đã phải nhập viện trở lại do khó thở, mất nước. Trên thực tế thời gian qua, BVĐK Hà Tĩnh đã phải tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nhập viện trở lại vì nguyên nhân này.

Ngoài ra, sự thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột khiến cơ thể con người khó thích nghi, nhất là người cao tuổi và trẻ nhỏ với các bệnh lý về đường hô hấp như: viêm mũi, họng, viêm phổi và các bệnh về tiêu chảy cấp.

Đặc biệt và nguy hiểm nhất là tình trạng sốc nhiệt, đột quỵ trong mùa nắng nóng đang gia tăng trong thời gian qua. BVĐK Hà Tĩnh đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị sốc nhiệt.

- Bác sỹ có thể nói rõ hơn về hiện tượng này và độ nguy hiểm của nó?

Bs. Hoàng Quang Trung: Hiện tượng sốc nhiệt thường xẩy ra khi người bệnh tiếp xúc trực tiếp, lao động ngoài trời kéo dài dưới thời tiết nắng nóng. Điều này sẽ khiến người bệnh nhanh chóng mất nước dẫn tới hiện tượng thân nhiệt tăng cao, gây mất nước, đau đầu, nôn mửa. Ngoài ra, nạn nhân có các triệu chứng rối loạn tim mạch, rối loạn hô hấp, rối loạn thần kinh trung ương.

Tuy nhiên, cần hiểu rõ là làm việc trong điều kiện nắng nóng, ngoài trời mùa hè sẽ tạo nên nguy cơ, chứ không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra sốc nhiệt. Nắng nóng là yếu tố thuận lợi khiến những người thường mắc những bệnh như: tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì hoặc người nghiện thuốc lá, lạm dụng bia rượu... bị sốc nhiệt, thậm chí là đột quỵ.

Chuyên gia chống độc BVĐK Hà Tĩnh chỉ cách phòng tránh sốc nhiệt, đột quỵ

Bác sỹ Hoàng Quang Trung thăm khám bệnh nhân điều trị tại BVĐK Hà Tĩnh

Chúng ta cần phân biệt rõ hiện tượng sốc nhiệt với đột quỵ, bởi đột quỵ là hiện tượng mạch máu não bị tổn thương, bị tắc hoặc bị vỡ một cách cấp tính, dẫn tới các triệu chứng như: người bệnh sẽ bị liệt mặt 1 bên, yếu tay chân 1 bên, bất thường ngôn ngữ, mất thị lực 1 - 2 bên, mất thăng bằng và đó là dấu hiệu sớm phát hiện đột quỵ.

Mức độ nguy hiểm của 2 hiện tượng sốc nhiệt và đột quỵ này là khác nhau tùy theo mức độ tổn thương. Hiện tượng sốc nhiệt có thể nhanh chóng phục hồi khi người bệnh được bù đủ lượng dịch đã mất khi trải qua thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh nhân do mất nước kéo dài dẫn tới tình trạng nặng do trụy tim mạch và tử vong.

Còn đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu, dĩ nhiên nó nguy hiểm hơn nhiều so với hiện tượng sốc nhiệt.

- Để phòng tránh các căn bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra nói chung, hiện tượng sốc nhiệt, đột quỵ nói riêng, bác sỹ có những lời khuyên nào dành cho người dân?

Bs. Hoàng Quang Trung: Hiện nay là thời điểm bà con nhân dân trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung thu hoạch vụ mùa, đồng thời ngay sau đó là làm đất cho vụ mùa tới, nên nguy cơ xảy ra các bệnh, dịch bệnh do nắng nóng là rất cao.

Chuyên gia chống độc BVĐK Hà Tĩnh chỉ cách phòng tránh sốc nhiệt, đột quỵ

Trẻ em là một trong những đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra

Để phòng, tránh các bệnh, dịch bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra, người dân lao động, sản xuất, thu hoạch nông sản dưới thời tiết nắng nóng cần uống nhiều nước, trang bị quần áo dày, sẫm màu, nón (mũ), khẩu trang, khăn kín để hạn chế tiếp xúc với tia UV. Đặc biệt, không nên nhìn thẳng vào mặt trời vì tia UV rất có hại cho mắt. Đối với trẻ nhỏ, tia UV có thể làm bỏng da, ung thư da, vì thế phụ huynh cần hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với nắng nóng cao điểm từ 11h trưa đến 3h chiều, đây là thời điểm tia UV mạnh nhất.

Cần ăn uống đảm bảo vệ sinh, ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa. Sử dụng các thiết bị làm mát đúng cách, đảm bảo không khí trong nhà luôn lưu thông tốt, giữ nhiệt độ phòng, phương tiện (ô tô) không chênh lệch quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời…

Đối với hiện tượng sốc nhiệt, khi có biểu hiện, việc đầu tiên cần làm là đưa bệnh nhân vào các vị trí mát mẻ, nới rộng quần áo. Quan trọng nhất là sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân vào các cơ sở y tế nơi gần nhất để được sơ cứu và cấp cứu kịp thời.

Từ thực tế cấp cứu rất nhiều ca bệnh bị sốc nhiệt, đột quỵ ở BVĐK tỉnh cho thấy thời điểm “giờ vàng” là quan trọng nhất, từ khi bệnh nhân vừa mới có các triệu chứng ban đầu thì đến bệnh viện sớm càng có lợi. Rất nhiều bệnh nhân khi có các triệu chứng sốc nhiệt hoặc đột quỵ đã nhanh chóng được đưa đến cơ sở y tế nên đã kịp thời được cứu chữa, không để lại các di chứng về sau.

Người thân không nên cố gắng tự ý cho người bệnh uống thuốc hay nước, vì lúc đó cơ thể đã rối loạn, gây nguy cơ sặc, tắc, làm tăng độ nguy hiểm đến tính mạng cho người bệnh. Quan trọng nhất là cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để kịp điều trị.

- Xin cảm ơn bác sỹ!

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast