Nâng cao chất lượng dân số vùng giáo

Đối với người dân công giáo, việc sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại được xem là một trong những điều tối ky . Đây cũng là bài toán khó đối với những người làm công tác DS-KHHGĐ trong việc tuyên truyền, vận động giáo dân thực hiện sinh đẻ có kế hoạch...

Khó khăn trong tuyên truyền, vận động

5 năm làm chuyên trách dân số xã Gia Hanh (Can Lộc), chị Nguyễn Thị Lê Na đã thuộc nằm lòng địa chỉ, hoàn cảnh của từng gia đình trên địa bàn, đặc biệt là với bà con ở giáo xứ Tân Thành. Chị kể, mới đầu về phụ trách địa bàn này, chị gặp khá nhiều trở ngại trong việc tiếp cận bà con để tuyên truyền công tác dân số.

Cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cho phụ nữ có đạo ở xã Hương Lâm (Hương Khê).
Cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cho phụ nữ có đạo ở xã Hương Lâm (Hương Khê).

Gia Hanh là một trong những xã vùng trà sơn có địa bàn rộng với gần 7.000 dân, trong đó gần 50% đồng bào có đạo. Khi đến từng nhà tuyên truyền, vận động chị em thực hiện các biện pháp KHHGĐ thì hầu như đều nhận được sự từ chối thẳng thừng hoặc e ngại, lảng tránh. Tâm lý không muốn người khác biết mình đang sử dụng các BPTT cũng là một rào cản không nhỏ khiến những người làm công tác dân số ở đây nhiều phen dở khóc, dở cười.

Chị Lê Na chia sẻ: “Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng tỷ lệ sinh của xã Gia Hanh vẫn nằm ở tốp cao của huyện. Tỷ lệ sinh con thứ 3 hiện nay gần 30%, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh là 110 bé trai/100 bé gái”.

Theo chị Lê Na, trong tất cả các biện pháp KHHGĐ, khó khăn nhất đối với bà con xứ đạo là vận động họ thực hiện biện pháp đình sản, đặt vòng tránh thai. Đối với bà con giáo dân, để người dân tin mình, nghe mình thì trước hết mình phải giữ được chữ tín, gần gũi và chân thành với họ. Đi tuyên truyền dân số cũng phải tế nhị, nhẹ nhàng, kiên trì... Ở đây, 2 phụ nữ ở cạnh nhà nhau, chuyện gì cũng có thể chia sẻ, nhưng chuyện KHHGĐ thì không thể. Mình hiểu được tâm lý để có cách thuyết phục, vận động.

Đưa dịch vụ CSSKSS đến phụ nữ vùng giáo

Biết là khó, nhưng không thể bỏ trống địa bàn, cán bộ dân số đã âm thầm, bền bỉ tuyên truyền, vận động. Cũng là xã miền núi đặc biệt khó khăn với 37,7% đồng bào theo đạo Thiên chúa, những năm qua, công tác DS-KHHGĐ ở Hương Lâm (Hương Khê) gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong nhiều năm, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và tỷ lệ sinh con thứ 3 cao (gần 30%); tỷ số giới tính khi sinh năm 2011 là 128 bé trai/100 bé gái, năm 2012 là 117 bé trai/100 bé gái.

Để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, truyền thông chuyển đổi hành vi cho bà con giáo dân, cán bộ chuyên trách dân số xã đã xuống tận thôn, xóm cùng cộng tác viên tư vấn cho chị em hiểu được lợi ích của việc áp dụng các BPTT, phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Nhờ “mưa dầm thấm lâu”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nhận thức của chị em về KHHGĐ ngày càng được nâng lên. Mô hình sinh ít con được nhiều gia đình chấp nhận, góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Anh Hồ Sỹ Đồng - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hương Khê cho biết: Năm 2013, cùng với xã Gia Phố, Hương Lâm được hỗ trợ mô hình “Nâng cao chất lượng tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cho đồng bào công giáo”. Nhờ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông kết hợp với hoạt động CSSKSS, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, hỗ trợ cung cấp dịch vụ, đến nay, số người mới sử dụng BPTT tăng. Đặc biệt, các cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng quan tâm đến công tác dân số.

Hiện toàn tỉnh có 10 xã thuộc 5 huyện: Nghi Xuân, Thạch Hà, Đức Thọ, Can Lộc, Hương Khê được hỗ trợ mô hình này. Được triển khai từ tháng 10/2013, nhưng đến nay, các chỉ tiêu CSSKSS đều vượt kế hoạch đề ra. Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã đồng loạt triển khai các hoạt động truyền thông, trong đó tổ chức 20 buổi nói chuyện chuyên đề cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, tổ chức 20 buổi sinh hoạt CLB phụ nữ. Tại các xã thụ hưởng mô hình đều đồng loạt triển khai các gói dịch vụ, trong đó toàn tỉnh thực hiện KHHGĐ cho 338 cặp vợ chồng, khám và điều trị phụ khoa cho 4.510 chị em, khám sàng lọc trước sinh cho 750 chị em, khám sức khỏe tiền hôn nhân cho 1.050 ĐVTN.

Ông Nguyễn Huy Tú - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Với hơn 147.000 người công giáo (chiếm 11,5% dân số toàn tỉnh) thì địa bàn được hưởng lợi từ mô hình này vẫn còn quá ít. Những năm tới, hy vọng, Tổng cục DS-KHHGĐ tiếp tục hỗ trợ để Hà Tĩnh nhân rộng mô hình tại các địa bàn có giáo dân đông nhằm góp phần giảm mức sinh trên toàn tỉnh, tiến tới nâng cao chất lượng dân số.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast