Những chiến sỹ mang hai màu áo

(Baohatinh.vn) - Họ - cán bộ y tế trong trại giam là những bác sỹ “đặc biệt”. Trên người họ luôn mang hai màu áo. Thay bộ cảnh phục uy nghiêm, khoác lên mình bộ blouse trắng, quản giáo ở trại giam lại trở thành những “từ mẫu” khi chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân - phạm nhân.

Trong những phạm nhân lớn tuổi đang thụ án tại Trại giam Xuân Hà, Nguyễn Đức T. (Thạch Hưng - TP Hà Tĩnh) sức khỏe không được tốt, thường xuyên bị chứng khó thở. Hằng ngày, T. được các bác sỹ, nhân viên của trạm y tế trại giam chăm sóc. “Thể trạng vốn không được khỏe, tuổi cũng cao nên hay ốm đau, nhiều lúc lên cơn khó thở. Được các y, bác sỹ ở đây thăm khám, chăm sóc nên tôi cũng khá hơn nhiều. Có sức khỏe để còn yên tâm cải tạo tốt, sớm đoàn tụ gia đình” - phạm nhân Nguyễn Đức T. chia sẻ.

nhung chien sy mang hai mau ao

Bác sỹ trại giam Xuân Hà đang thăm khám cho phạm nhân.

T. cũng như nhiều phạm nhân khác tại Trại giam Xuân Hà, từng phạm lỗi lầm và đang phải hằng ngày, hằng giờ trả giá cho điều đó. Bước chân vào đây, rất nhiều người trong số đó mang trong mình những căn bệnh xã hội với nguy cơ lây nhiễm cao.

Thiếu tá, bác sỹ Nguyễn Văn Mận - Phó đội trưởng Đội Y tế và Bảo vệ môi trường của trại trải lòng: “Không giống như tại các trạm y tế, bệnh viện thông thường khác, ở đây, chúng tôi có những khó khăn, những nguyên tắc nghề nghiệp đặc thù. Vừa làm công tác chăm sóc y tế cho bệnh nhân, chúng tôi vừa phải đảm nhận nhiệm vụ giáo dục, cải tạo, “chăm sóc” tinh thần cho phạm nhân”.

Hằng ngày, trước giờ làm việc, cán bộ trạm y tế đã phải có mặt tại trại giam để phối hợp với quản giáo thăm khám cho những phạm nhân có nhu cầu. Đối với bệnh nhân nặng, phải chăm sóc, điều trị hoặc chuyển lên tuyến trên. Bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân thì nhiệm vụ phòng tránh lây nhiễm cho cán bộ trại giam và các bệnh nhân khác được đặc biệt chú trọng. Ngoài công tác vệ sinh môi trường, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phòng chống, việc giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức cho cán bộ, phạm nhân là một trong những yếu tố quyết định để hạn chế tình trạng phát sinh các loại bệnh.

Với 5 cán bộ y tế, việc thăm khám, chăm sóc, điều trị cho hàng ngàn phạm nhân, trong đó, hơn 400 người có tiền sử ma túy là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, vất vả. Trực ngày, trực đêm với những ca cấp cứu phải chuyển gấp lên tuyến trên; những trường hợp phải điều trị bằng biện pháp giáo dục tâm lý, cán bộ y tế nơi đây không chỉ là bác sỹ theo nghĩa đơn thuần. Rất nhiều câu chuyện đời, chuyện nghề được các anh chia sẻ khi vào thăm trại càng làm cho chúng tôi thêm thấu hiểu những vất vả lặng thầm; sự can đảm, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng của các bác sỹ mang 2 màu áo.

12 năm làm công tác chăm sóc y tế tại trại giam, Thiếu tá Nguyễn Xuân Mận không ít lần gặp những tình huống “bi hài”. Đã bước chân vào chốn lao tù, lại mang trong mình bệnh tật nên nhiều phạm nhân tâm lý không ổn định, thường xuyên tìm cách đối phó. Vì nhiều lý do mà một số phạm nhân có những biểu hiện giả vờ ốm nặng, tự hủy hoại bản thân, không hợp tác trong điều trị…

“Những lúc như thế, anh em chúng tôi phải bằng kiến thức nghiệp vụ, kinh nghiệm trong nghề và cả bản lĩnh cứng rắn để kịp thời phát hiện, có biện pháp chấn chỉnh, giải thích, động viên. Để từ đó điều trị đúng người, đúng bệnh, vừa chăm sóc tốt sức khỏe, tâm lý cho bệnh nhân, vừa đảm bảo tình hình an ninh trong trại” - Thiếu tá Mận chia sẻ.

Dù cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, phòng lây nhiễm nên tiềm ẩn nhiều rủi ro nghề nghiệp nhưng với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, cán bộ của trạm y tế vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Họ luôn tâm niệm: “Là bác sỹ, cần đối xử với người bệnh bằng lương tâm nghề nghiệp. Dù họ là phạm nhân, nhưng trước hết họ là bệnh nhân cần được điều trị, chăm sóc của những tấm lòng lương y”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast