“Sau khi tự công bố chất lượng sản phẩm, không phải DN muốn làm gì thì làm”

(Baohatinh.vn) - Nghị định (NĐ) 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (NĐ 15) được các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm cho rằng, đã giải quyết “căn bệnh” hành chính, hình thức trong khâu hồ sơ, thủ tục.

sau khi tu cong bo chat luong san pham khong phai dn muon lam gi thi lam

Nhà máy Nước tinh khiết Thành Sen Hà Tĩnh có bộ phận hóa nghiệm lấy mẫu kiểm tra chất lượng hàng ngày; những mẫu không làm được, gửi ra Tổng Cục An toàn thực phẩm ở Hà Nội.

Chị Xuân - chủ cơ sở sản xuất sữa chua 111 (đường Hải Thượng Lãn Ông - TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Vấn đề chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm luôn được chúng tôi quan tâm hàng đầu, vì trước hết là làm cho mình. Sản phẩm có chất lượng, có an toàn mới được người tiêu dùng lựa chọn. Trước đây, làm thủ tục công bố chất lượng sản phẩm rất vòng vo, mất nhiều thời gian và tốn kém, giờ đã được cởi trói”.

Theo quy định của NĐ 15, doanh nghiệp, cơ sở SXKD thực phẩm được quyền công bố chất lượng sản phẩm và tự chịu trách nhiệm về sản phẩm. Thay vì phải làm thủ tục công bố hợp quy hay phù hợp và phải chờ đợi từ 15 - 30 ngày như trước đây, ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền SXKD sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn sản phẩm đó.

Doanh nghiệp công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử hay niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chỉ cần nộp 1 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Điều này chấm dứt phiền hà hành chính, hình thức trong làm hồ sơ, thủ tục cho các nhà SXKD thực phẩm. Tuy nhiên, quy định mới cũng ràng buộc chặt chẽ hơn về trách nhiệm của nhà SXKD thực phẩm.

Ông Lê Viết Cường - Phó Giám đốc Nhà máy Nước tinh khiết Thành Sen

Ông Lê Viết Cường - Phó Giám đốc Nhà máy Nước tinh khiết Thành Sen (phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Được giao quyền công bố chất lượng sản phẩm không có nghĩa là mình có thể tùy tiện công bố vì liên quan đến trách nhiệm trước pháp luật, điều kiện phát triển bền vững của nhà máy, vấn đề xây dựng và giữ thương hiệu. Chúng tôi nhận thức NĐ 15 giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian làm thủ tục hành chính để tập trung SXKD. Xác định vấn đề an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng là yêu cầu số 1, chúng tôi đã nâng cấp dây chuyền công nghệ; thực hiện đảm bảo vệ sinh từ đầu vào, vỏ chai cho đến sản xuất, chiết rót đưa thành phẩm nhập kho. Nhà máy có bộ phận hóa nghiệm riêng, lấy mẫu test kiểm tra hàng ngày, nếu phát hiện vấn đề gì thì xử lý ngay lập tức. Theo định kỳ, 6 tháng, 3 tháng lấy một số mẫu gửi Tổng cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) kiểm tra. Về ATVSTP công nghiệp, nhà máy luôn tuân thủ quy trình. Hàng tháng đều tổ chức tập huấn cho cán bộ, người lao động và luôn được mọi người hưởng ứng tích cực”…

Không chỉ vậy, NĐ 15 còn tăng cường vai trò, trách nhiệm trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thay tư duy tiền kiểm trước đây sang hậu kiểm và quản lý rủi ro. Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Phan Văn Hùng cho biết: Sau khi tự công bố không phải doanh nghiệp muốn làm gì thì làm mà phải chịu sự giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm của cơ quan quản lý nhà nước.

Trước đây, quản lý chất lượng sản phẩm thông qua hồ sơ nhưng triển khai NĐ 15 sẽ tăng cường, xiết chặt công tác quản lý bằng hình thức tổ chức các đoàn về tại cơ sở lấy mẫu kiểm tra, xét nghiệm. Nếu tổ chức, cá nhân công bố sai sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Người công bố chất lượng sản phẩm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm; đảm bảo thị trường thực phẩm ổn định, an toàn”.

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast