Tiến tới xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ

(Baohatinh.vn) - Việc kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ bị cắt giảm đáng kể khiến công tác DS-KHHGĐ đối diện với không ít khó khăn. Theo kinh nghiệm của nước ngoài, chỉ khi nào người dân có đủ điều kiện và tự nguyện chi trả cho các nhu cầu DS-KHHGĐ thì công tác này mới đạt được kết quả bền vững...

Sau nửa thế kỷ, công tác DS-KHHGĐ đã có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng như kết quả thực hiện. Việt Nam đã thành công trong việc giảm sinh, đạt mức sinh thay thế vào năm 2006 (từ đó đến nay, Việt Nam luôn duy trì được mức sinh thay thế). Năm 2013, dân số Việt Nam tròn 90 triệu người, chậm hơn so với dự báo 11 năm và hơn 20 năm qua, nước ta đã tránh sinh được 20,8 triệu trường hợp. Điều đó đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tăng cơ hội đầu tư cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, cải thiện chất lượng các dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, đây là cơ hội có một không hai trong lịch sử phát triển nhân khẩu học của đất nước.

Tiến tới xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ ảnh 1

Cộng tác viên dân số xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) đến tận nhà người dân để tuyên truyền, vận động.

Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới cả về nội dung và điều kiện thực hiện. Trong khi cơ cấu dân số có sự chuyển đổi mau lẹ (Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng nhưng cũng đồng thời ở giai đoạn già hóa dân số với tốc độ thuộc hàng nhanh nhất thế giới) thì quá trình thích ứng với sự chuyển đổi này chưa được chuẩn bị tốt. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng gia tăng, khó kiểm soát. Tỷ lệ di cư ngày càng lớn với nhiều vấn đề đặt ra trong việc đảm bảo quyền tự do cư trú và tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ. Chất lượng dân số của nước ta chưa cao, đặc biệt, tại những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Nội dung công việc không giảm, thậm chí là mở rộng hơn nhưng kinh phí lại giảm nhiều; nguồn viện trợ hầu như không có, trong khi thói quen bao cấp vẫn còn. Do vậy, việc triển khai thực hiện các mục tiêu về DS-KHHGĐ hết sức khó khăn.

Anh Phan Quỳnh Lam - Trưởng phòng Truyền thông Chi cục DS–KHHGĐ tỉnh cho biết: “Từ trước đến nay, kinh phí cho chương trình DS-KHHGĐ chủ yếu được đầu tư từ ngân sách trung ương và được quản lý theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia. Trong những năm gần đây, nguồn kinh phí này bị cắt giảm mạnh, đã tác động rất lớn tới việc thực hiện chương trình”. Theo báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ, năm 2014, kinh phí đầu tư cho chương trình DS-KHHGĐ giảm rất mạnh, không đủ nguồn lực đảm bảo thực hiện các hoạt động thiết yếu nhằm đạt các mục tiêu. Cụ thể, ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ thấp nhất trong 4 năm (2011-2014), gần bằng 65% kinh phí năm 2013, chỉ bằng 50% kinh phí năm 2012 và không có vốn ODA.

Trong bối cảnh thu hẹp phạm vi bao cấp các phương tiện, dịch vụ KHHGĐ (Nhà nước chỉ miễn phí cho đối tượng cận nghèo, nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, còn lại người dân phải tự chi trả hoặc chi trả một phần), Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa công tác DS–KHHGĐ. Theo đó, để hoạt động không bị gián đoạn khi nguồn kinh phí truyền thông bị cắt, ngành dân số đã huy động sự hỗ trợ của địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số. Ngoài các “kênh” do Nhà nước hỗ trợ, các dịch vụ KHHGĐ cũng được xã hội hóa qua các cửa hàng, hiệu thuốc trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn phụ thuộc vào nguồn bao cấp của Nhà nước. Bên cạnh đó, hiện chương trình mục tiêu quốc gia về DS–KHHGĐ giai đoạn 2016 – 2020 vẫn chưa được phê duyệt. Bởi vậy, nguồn lực đầu tư cho công tác này trong giai đoạn tới vẫn đang là khó khăn đối với ngành dân số. Theo kinh nghiệm của các quốc gia khác, chỉ khi nào người dân có đủ điều kiện và tự nguyện chi trả cho các nhu cầu DS-KHHGĐ thì công tác này mới đạt được kết quả bền vững. Khi đó, ngân sách nhà nước chỉ đảm bảo cho các đối tượng nghèo, yếu thế và có điều kiện đặc thù.

Xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ là mục tiêu mà ngành dân số cần phải hướng đến. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Tú - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: “Đẩy mạnh xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ là một tất yếu. Để tiến tới xã hội hóa công tác này, ngành dân số sẽ tham mưu Sở Y tế nghiên cứu xây dựng giá dịch vụ KHHGĐ, trao quyền cung cấp dịch vụ cho các cơ sở y tế tư nhân; tham mưu các cấp lãnh đạo bổ sung nguồn ngân sách của địa phương cho các hoạt động còn thiếu, huy động cộng đồng tham gia, chia sẻ nguồn lực, góp phần cùng ngành dân số hoàn thành các mục tiêu đề ra”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast