TP Hồ Chí Minh công bố chỉ thị mới về chống dịch, phục hồi kinh tế

Chỉ thị mới về phục hồi kinh tế dự kiến cho phép mở lại nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, người dân được yêu cầu tuân thủ 5K nhưng được tham gia nhiều hoạt động.

Sáng 30/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh họp báo công bố chỉ thị mới về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. Việc công bố trước đó dự kiến diễn ra vào chiều 29/9, song phải lùi lại để hoàn thiện một số nội dung chỉ thị.

Buổi họp báo được chủ trì bởi ông Lê Hải Bình, Phó ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh; ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo TP Hồ Chí Minh về phòng, chống dịch Covid-19.

Tỷ lệ tiêm vaccine của vùng còn thấp

Mở đầu họp báo, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thông tin về chỉ thị mới nhất về tiếp tục điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch và từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội tại thành phố. Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, hệ thống y tế được tăng cường, củng cố; số ca nhập viện, chuyển nặng và tử vong liên tục giảm; tỷ lệ tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% mũi 1 và trên 45% mũi 2.

Một số hoạt động thí điểm phục hồi kinh tế - xã hội tại quận 7, huyện Cần Giờ, Củ Chi đảm bảo an toàn, ý thức của người dân và doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch được nâng cao.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại thành phố vẫn còn phức tạp, số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao.

TP Hồ Chí Minh công bố chỉ thị mới về chống dịch, phục hồi kinh tế

Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trong buổi họp sáng 30/9. Ảnh: Thu Hằng

Mặt khác, tỷ lệ tiêm vaccine tại các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 của thành phố chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của thành phố phải cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với cả vùng.

“Đây là việc phải từng bước đánh giá, điều chỉnh các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Vì kinh tế, văn hóa, xã hội của TP Hồ Chí Minh phải gắn với kinh tế vùng và cả nước. Đây là đặc điểm rất quan trọng”, ông Bình nói.

3 mục tiêu trong chỉ thị mới

Chỉ thị mới của TP Hồ Chí Minh đặt ra 3 mục tiêu. Thứ nhất là tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên toàn thành phố; kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở.

Thứ hai, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân thành phố.

Thứ ba, đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.

“Chúng ta mở các hoạt động nhưng ưu tiên phát triển kinh tế, khôi phục sản xuất, đảm bảo không đứt chuỗi hoạt động, đưa sinh hoạt của người dân từng bước sang bình thường mới”, ông Bình làm rõ mục tiêu.

Không mở cửa ồ ạt sau 30/9

“Tinh thần không phải ngay sau 30/9 trên toàn địa bàn thành phố tất cả hoạt động được ồ ạt mở mà phải thận trọng từng bước, có lộ trình để đảm bảo an toàn, sức khỏe của người dân là trên hết”, ông Bình nhấn mạnh.

Trong cuộc họp đến 21h tối 29/9, Ban Thường vụ Thành ủy đã quán triệt đến các địa phương về khu vực nào trong danh mục được cho phép hoạt động, mở cửa đến đâu thì phải đảm bảo an toàn cho người dân đến đó. “Người dân không được ra đường số lượng lớn ngay một lúc mà phải tính toán”, ông Bình nói.

Ông Bình nhận định suốt thời gian qua, TP Hồ Chí Minh nỗ lực vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo an sinh. Song song với đó, ý thức của người dân đã được nâng lên rất cao.

“Nếu không ý thức được công tác phòng, chống dịch và trở nặng sẽ rất khó khăn để trở lại”, Phó chủ tịch TP Hồ Chí Minh khuyến cáo. Theo ông, lộ trình mở cửa là ưu tiên phát triển kinh tế để người dân góp phần xây dựng thành phố.

Ưu tiên tiêm vaccine cho người trên 50 tuổi

Ông Lê Hòa Bình cho biết giai đoạn tới, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine, ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu, người nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai), lực lượng sản xuất và cho trẻ em (khi có hướng dẫn và vaccine phù hợp).

Về xét nghiệm, khu vực nguy cơ 3 (cam) và 4 (đỏ) tiếp tục thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để bóc tách nguồn lây nhiễm mạnh.

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh xét nghiệm tầm soát tất cả người có triệu chứng nghi ngờ, giám sát có trọng điểm tại khu vực nguy cơ cao. TP khuyến khích doanh nghiệp tự xét nghiệm nhanh định kỳ.

Về chăm sóc F0 tại cộng đồng, TP Hồ Chí Minh yêu cầu ban hành quy trình quản lý và xử lý khi phát hiện F0 trong cộng đồng trong khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu vực khác phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn, vừa không làm gián đoạn các hoạt động.

Các quận, huyện, TP Thủ Đức phải có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng, đảm bảo 100% các trạm y tế có oxy y tế và kịp thời cấp cứu cho người mắc Covid-19 đang cách ly tại nhà, đồng thời phát huy tổ phản ứng nhanh Covid tại địa phương trên tất cả địa bàn phường, xã, thị trấn. Các địa phương cũng phải có phương án thiết lập trạm y tế lưu động tại khu, cụm công nghiệp (kết hợp với bộ phận y tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh)

Mô hình 3 tầng điều trị tiếp tục được duy trì. Bệnh viện chuyên khoa nhiễm và bệnh viện đa khoa nghiên cứu lập “Khoa Covid-19”.

“Suốt thời gian qua, hệ thống y tế gần như chỉ tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Đây là lúc phải phục hồi lại hoạt động để chữa trị các bệnh khác”, ông Bình nói.

Hơn 4 tháng giãn cách

TP Hồ Chí Minh đến nay đã trải qua hơn 4 tháng giãn cách xã hội các mức độ, trong đó có hơn một tháng giãn cách nghiêm ngặt (từ 23/8).

Trước đó, ngày 24/9, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi ký công văn gửi Thủ tướng xin ý kiến áp dụng quy định riêng về mở cửa nền kinh tế. Ngày 28/9, Văn phòng Chính phủ có công văn đề nghị Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phối hợp với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương nghiên cứu, đề xuất áp dụng quy định riêng với việc mở cửa nền kinh tế theo kiến nghị của TP Hồ Chí Minh.

Ngày 26/9, TP Hồ Chí Minh có công văn khẩn gửi 22 địa phương đề nghị góp ý dự thảo Chỉ thị về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội.

Theo dự thảo chỉ thị này, từ 0h ngày 1/10, TP Hồ Chí Minh dự kiến từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19” của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.

Theo tinh thần của dự thảo, TP Hồ Chí Minh vẫn kiểm soát chặt chẽ người ra/vào thành phố. Tuy nhiên, trong nội thành, nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ được mở trở lại với điều kiện người tham gia có thẻ xanh Covid-19 và cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh đảm bảo chấp hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trên các lĩnh vực.

Liên tiếp từ 6/9 tới nay, số ca bệnh nặng phải thở máy và số ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh có xu hướng giảm dần. 5 ngày vừa qua, số ca nhập viện đều thấp hơn số ca xuất viện. Những chỉ số này cho thấy tín hiệu tích cực sau gần 5 tháng chống dịch của TP Hồ Chí Minh.

Tính đến sáng 30/9, TP Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 380.000 ca nhiễm nCoV. Đô thị lớn nhất cả nước đã trải qua hơn 4 tháng giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ.

Theo Zing

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast