“Tuyệt đối không chủ quan dù đã tiêm hai mũi vaccine”

Trong 38 F0 tử vong ngày 10/11 có 10 người đã tiêm hai mũi vaccine, 2 người đã tiêm một mũi và đều có bệnh nền.

“Tuyệt đối không chủ quan dù đã tiêm hai mũi vaccine”

Nhân viên y tế chuẩn bị liều tiêm vaccine tại TP HCM hôm 27/10. Ảnh: Thành Nguyễn

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM) cho biết tại họp báo cung cấp thông tin về phòng chống Covid-19, chiều 11/11. “Tiêm đủ hai mũi vaccine không có nghĩa là được chủ quan. Bạn vẫn có thể nhiễm bệnh, trở nặng và tử vong, song tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với không tiêm”, ông Châu nói.

Từ tuần thứ hai của tháng 11, số ca tử vong tại thành phố có xu hướng tăng. Hôm 6/11 ghi nhận 31 ca, tăng dần đến 43 ca vào ngày 9/11, qua ngày 10/11 giảm nhẹ còn 38 ca. Trước đó, hôm 30/10 ít F0 tử vong nhất, 21 ca.

Ngoài ra, thời gian gần đây, TP HCM tiếp nhận nhiều F0 nguy kịch từ các tỉnh lân cận chuyển đến, như hôm 10/11 có 5 ca từ Long An, Bình Dương, Bến Tre; ngày 11/11 ghi nhận 3 ca từ Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Phân tích sâu hơn, bác sĩ Châu cho biết, trong 38 ca tử vong ngày 10/11 thì 34 ca có bệnh nền. Tính theo lứa tuổi, hai ca 18-50 tuổi; 15 ca 51-65 tuổi (chiếm 39,5%), số ca trên 65 tuổi là 21 (chiếm 55%). Trong đó, 10 trường hợp tiêm đủ hai mũi và hai trường hợp đã tiêm một mũi vaccine, đều trên 50 tuổi và có bệnh nền; 26 bệnh nhân tử vong thuộc nhóm chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 (12 người trên 65 tuổi và có bệnh nền, một số đã nằm liệt nhiều năm nay).

Theo bác sĩ Châu, yếu tố nguy cơ cao khiến F0 tử vong là mắc bệnh nền, cao tuổi, nhất là mắc bệnh nền nằm một chỗ lâu ngày chưa được tiêm vaccine. Do đó, Sở Y tế khuyến cáo các quận, huyện sàng lọc ngay nhóm này để tiêm vaccine, đồng thời có giải pháp bảo vệ tối ưu cho họ khi ở nhà. “Người trẻ, thường xuyên ra ngoài, nguy cơ lây nhiễm cao nên cẩn thận, tránh mang mầm bệnh về lây cho người thân lớn tuổi ở nhà”, ông Châu nói.

Nhóm nguy cơ khác, theo Phó giám đốc Sở Y tế, là người trẻ tuổi có cơ địa đặc biệt, dễ xuất hiện “cơn bão cytokine”. Khi ấy, dù can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể - phương pháp hồi sức tích cực cuối cùng), người trẻ vẫn có khả năng không qua khỏi.

Đến nay, toàn thành phố đã tiêm hơn 7,8 triệu mũi một và gần 5,9 triệu mũi hai các loại vaccine phòng Covid-19. Trong đó, 651.468 trẻ 12-17 tuổi (đạt gần 93% dự kiến) đã tiêm một mũi.

Tính đến chiều 10/11, TP HCM ghi nhận 443.212 ca Covid-19, đã được Bộ Y tế công bố. 11.586 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 232 trường hợp nặng phải thở máy, 13 ca can thiệp ECMO, khoảng 1.800 ca thở oxy; thở máy xâm lấn từ 230 đến 250 ca. Trong ngày, 1.228 F0 nhập viện, 865 ca xuất viện.

Bác sĩ Châu nhận định, số ca cộng đồng đang gia tăng là kết quả tất yếu khi nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa thành phố, sống chung và thích ứng an toàn với dịch. Ngành y tế phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo chống dịch các quận, huyện để theo dõi. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (HCDC) cử các đội xuống địa bàn tăng ca nhiễm, test nhanh, cách ly, dập dịch.

Sở Y tế đã thành lập các trạm y tế lưu động mới, do các bệnh viện quận, huyện phụ trách. Trạm có vai trò tăng cường cho trạm y tế địa phương chăm sóc, quản lý F0 tại nhà, phát các túi thuốc, quan trọng hơn là phát hiện sớm ca trở nặng để chuyển đến bệnh viện kịp thời.

Theo Thư Anh/VnExpress

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast